Chất lượng sống

Bảo hiểm thất nghiệp cứu nguy khi đột ngột mất việc

18/12/2018, 08:25

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã hỗ trợ đắc lực cho người lao động, giúp họ có một khoản tiền...

20

Bảo hiểm thất nghiệp giúp nhiều lao động tìm việc

BHTN cứu nguy cho người lao động

Làm việc cho công ty lắp máy của Hàn Quốc tại Hải Dương được hơn 10 năm với công việc cuộn dây đồng, đòi hỏi phải có sức khỏe mà chị Phạm Thị D. (Kim Thành, Hải Dương) không đáp ứng được nên buộc phải nghỉ việc. Mức lương lúc làm tại công ty cả tăng ca cũng được 5-6 triệu đồng/tháng. Từ khi nghỉ việc, chi phí gia đình khiến chị mệt mỏi. Nhưng sau khi làm xong thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, chị D. được hỗ trợ trên 2 triệu đồng/tháng và được tư vấn giới thiệu việc làm phù hợp.  “Đây sẽ là khoản tiền quan trọng đối với gia đình tôi lúc khó khăn này. Chính sách BHTN rất quan trọng với người lao động, giúp chúng tôi ổn định cuộc sống trong thời gian thất nghiệp. Ngoài ra, tôi được cán bộ trung tâm giới thiệu làm giúp việc gia đình trong thời gian tới”.

Chị Nguyễn Thị H. (trú tại Bình Giang, tỉnh Hải Dương) sau hơn 10 năm làm việc ở các xưởng may gia công với mức lương 3 triệu đồng/tháng đột ngột mất việc khi mới bước vào tuổi 34 khiến gia đình chị lao đao ít nhiều. Nhưng với khoản tiền trợ cấp thất nghiệp hàng tháng đã giúp chị ổn định chi tiêu trong cuộc sống. Khi hết thời gian thụ hưởng trợ cấp thất nghiệp, chị H. cũng đã tìm được công việc phù hợp, đó là phụ việc nhà theo giờ của 5-7 hộ gia đình, giúp chị có mức thu nhập ổn định hơn cả công việc cũ trước đó. “Nếu không có BHTN, tôi cũng không đủ thời gian để xoay xở, tìm cho mình công việc phù hợp với bản thân và có thu nhập”, chị H. cho biết.

Theo thống kê của Bộ LĐ, TB&XH, có nơi tới 80% phụ nữ tuổi trên 35 làm việc trong các khu công nghiệp bị buộc phải nghỉ việc hoặc tự bỏ việc. Bên cạnh đó, với sự bùng nổ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khiến nhiều người lao động thất nghiệp. Chính sách BHTN như một cứu cánh cho người lao động với việc hỗ trợ tài chính và tìm công việc mới phù hợp, đảm bảo cuộc sống khi chẳng may bị thất nghiệp.

Tính đến hết ngày 31/10, số người tham gia BHTN là 12,13 triệu người; số thu toàn ngành lũy kế đến hết tháng 10 là 12.417 tỷ đồng; chi Quỹ BHTN là 7.497 tỷ đồng. Chỉ tính riêng tháng 10, BHXH Việt Nam đã phối hợp với ngành lao động, thương binh và xã hội giải quyết cho 63.210 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp; 3.812 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề. Lũy kế 10 tháng năm 2018, giải quyết cho 597.577 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, 31.186 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề.

Cần mở rộng diện bao phủ BHTN

Nhiều chuyên gia cho rằng, số người tham gia BHTN thời gian qua đã tăng lên, bởi theo số liệu của BHXH Việt Nam tính đến hết tháng 7, số người tham gia BHTN là 11,89 triệu người. Như vậy, tính tới thời điểm này, đã tăng 240 nghìn người. Nguyên nhân khiến số lượng lao động tham gia BHTN tăng hơn trước có thể do một số ngành tiếp tục tăng nhu cầu lao động như sản xuất đồ uống; dệt; in, sao chép bản ghi các loại; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; thoát nước và xử lý nước thải. Bên cạnh đó, không ít quy định mới tạo điều kiện cho người lao động và người sử dụng lao động tiếp cận tốt hơn với những hỗ trợ từ Quỹ BHTN, góp phần “phủ sóng” đối tượng tham gia BHTN tại nhiều địa phương.

Tuy vậy, quá trình thực hiện chính sách BHTN vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Theo Nghị quyết số 28/NQ-TW về cải cách chính sách BHXH, chính sách BHTN chưa thực sự gắn với thị trường lao động, mới tập trung nhiều cho khu vực chính thức, chưa có chính sách phù hợp cho khu vực phi chính thức (nơi người lao động dễ bị tổn thương), chưa chú ý thỏa đáng đến các giải pháp phòng ngừa theo thông lệ quốc tế.

Đại diện BHXH Việt Nam cho biết thêm, ý thức chấp hành pháp luật BHTN của một số chủ sử dụng lao động chưa cao, nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước thường có tỷ lệ trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng lớn của người lao động vào Quỹ BHTN. Thực tế, có doanh nghiệp chưa thực hiện thông báo định kỳ về tình hình biến động lao động, chưa quan tâm đến quyền lợi BHTN đối với người lao động. Vì vậy, có trường hợp không đăng ký, chậm đăng ký tham gia BHTN cho người lao động. Mặt khác, tổ chức công đoàn cơ sở ở nhiều doanh nghiệp chưa mạnh dạn đấu tranh bảo vệ quyền lợi BHTN cho người lao động; sự phối hợp trong thanh, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về BHTN còn hạn chế, không thường xuyên. Cũng cần hoàn thiện các quy định của pháp luật về BHTN và các văn bản có liên quan theo hướng mở rộng đối tượng tham gia, sẽ bổ sung các biện pháp hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động trên cơ sở sử dụng hiệu quả Quỹ BHTN.

Bên cạnh đó, để kiểm soát rủi ro, ngăn chặn việc lạm dụng Quỹ BHTN, một số chuyên gia kiến nghị, có thể sử dụng mã vạch trong trợ cấp BHTN cho người lao động, từng bước rút ngắn thời gian chi trả quyền lợi cho người lao động. Theo đó, khi người dân đăng ký hưởng trợ cấp sẽ được cấp mã vạch riêng, mã vạch này sẽ giúp cho công tác đọc dữ liệu thuận tiện hơn. Mặt khác, thông qua mã vạch này, các trung tâm dịch vụ việc làm có thể nhanh chóng chuyển danh sách cho BHXH tỉnh rà soát và phản hồi kịp thời. Giải pháp này không chỉ tạo niềm tin cho người lao động vào các chính sách pháp luật của Nhà nước mà còn góp phần bảo đảm an sinh xã hội. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.