Lễ trao giải Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam chủ trì, giao Báo Lao động phối hợp cùng Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức đã diễn ra trang trọng tối nay (26/11) tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Tham dự chương trình có các đồng chí: Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Sau gần hai năm triển khai, cuộc thi đã nhận 498 tác phẩm dự thi, trong đó 412 truyện ngắn, 86 tiểu thuyết của gần 300 tác giả là các nhà văn chuyên nghiệp, không chuyên, công nhân, viên chức, học sinh, người cao tuổi và Việt kiều gửi dự thi.
Phát biểu tại chương trình, đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn cho biết: Cách đây hai năm, trước ngày khai mạc Hội nghị văn hóa toàn quốc, sáng 23/11/2021, tại Thủ đô Hà Nội, Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam phát động Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân - công đoàn, giao Báo Lao động là đơn vị tổ chức thực hiện.
Ngay từ những ngày đầu phát động, cuộc thi đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của hàng trăm tác giả là các nhà văn chuyên nghiệp, những cây viết không chuyên, công nhân, cán bộ công đoàn, những người lao động trong và ngoài nước tham gia.
Bối cảnh được tái hiện trong các tác phẩm rất sinh động, trải dài trên khắp đất nước, đó có thể là những công nhân trên nông trường chè Tây Bắc, những công nhân đang làm việc trong nhà máy, xí nghiệp ở Biên Hòa (Đồng Nai), Bình Dương, đó có thể là những người công nhân đang sống trên những nông trường cao su ở Tây Nguyên, những công nhân vùng mỏ (Quảng Ninh)... Xuất thân của các nhân vật cũng đa dạng, phong phú.
Nhà thơ Hoàng Việt Hằng cho hay, nhờ có cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn, sau gần 50 năm tôi mới cầm bút và viết lại về những người công nhân.
"Tôi không nghĩ văn chương là cuộc chơi, vì đó là lao động khổ hạnh. Để viết được tiểu thuyết không phải chỉ cần vốn sống, mà phải đi nhiều hiểu nhiều mới có thể viết được. Viết về công nhân hay công đoàn thì ta vẫn phải viết về phận người.
Người công nhân của 40 năm trước khác xa so với bây giờ, nhưng nhìn chung họ là người làm thật ăn giả, sống chật hẹp, nghèo khổ. Khi được tạo điều kiện về vùng mỏ Quảng Ninh, tôi thấy đời sống công nhân được cải thiện, công đoàn đã giúp họ thay đổi toàn bộ cuộc đời, có cuộc sống tốt hơn", bà Việt Hằng chia sẻ.
Ban tổ chức cuộc thi đã tổ chức 2 chuyến đi cho các nhà văn thực tế tại Công ty Than Khe Chàm (Quảng Ninh) và Công ty Thaco (Quảng Nam). Báo Lao động cũng giới thiệu gần 90 tác phẩm dự thi trên các ấn phẩm của Báo Lao động.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận