Chuyện dọc đường

Bạo lực học đường và bạo lực mạng xã hội

03/06/2022, 10:00

Nhiều người rất dễ bị kích động khi chứng kiến một vụ bạo lực học đường.

Họ bằng mọi giá đòi hỏi vụ việc được xử lý đến nơi đến chốn nhưng bản thân lại dễ dàng cổ xúy hoặc trực tiếp tham gia vào một dạng bạo lực khác, đó là bạo lực mạng xã hội.

img

Trẻ em cần được bảo vệ trên cả không gian mạng. Minh họa: Nguyễn Tường

Và, xu hướng dùng bạo lực mạng xã hội để giải quyết bạo lực học đường, rất đáng tiếc lại là thực tế đang được nhiều người chấp nhận.

Gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm tới vụ việc xô xát giữa các nữ sinh của một trường quốc tế ở TP.HCM.

Chưa nói đến đúng sai, ai bị đánh và nguyên nhân do đâu, người viết bài này chỉ nêu lên một thực trạng đáng ngại liên quan tới việc bảo vệ quyền trẻ em hiện nay.

Ngay sau khi mẹ của một trong những nữ sinh liên quan đến vụ việc lên mạng xã hội livestream với những ngôn từ thiếu kiểm soát, dư luận lập tức chia thành hai luồng quan điểm đối lập.

Nhóm thứ nhất ủng hộ cách hành xử này, cho rằng, chỉ có mạng xã hội mới có thể đòi được quyền công bằng cho phụ huynh và học sinh - những người đang phẫn nộ vì cách ứng xử của nhà trường, công an và những người liên quan.

Nhóm thứ hai đặt vấn đề ngược lại: Người mẹ đã nhận thức thế nào về quyền trẻ em khi liên tục đánh giá, thậm chí là mạt sát về học sinh cùng trường có xô xát với con mình?

Nhiều ý kiến trung lập cho rằng, câu chuyện của trẻ con nhưng khi người lớn giải quyết phải dựa trên luật pháp.

Trẻ con luôn là trẻ con và được bảo vệ bởi cả hệ thống pháp luật được cả thế giới và Việt Nam công nhận.

Đừng ai nhân danh kẻ yếu thế, nhân danh chính nghĩa (chưa đầy đủ căn cứ xác nhận ai đúng ai sai) để có thể xúc phạm trẻ em.

Việc có hàng nghìn, hàng chục nghìn người theo dõi, ủng hộ rất có thể khiến những người dùng mạng xã hội không kiểm soát được hành vi và phát ngôn của mình.

Thiếu bản lĩnh, ngáo quyền lực ảo sẽ khiến người lên mạng livestream có thể vi phạm pháp luật, bôi nhọ danh dự người khác, phát ngôn kích động, chia rẽ vùng miền.

Ngày nay, dùng “quyền lực livestream” như dùng một con dao hai lưỡi mà không phải ai cũng có đủ bản lĩnh để dừng ở đúng lằn ranh pháp luật cho phép.

Điều đáng lo lắng là những hành vi này lại được rất rất nhiều người ủng hộ, mà trường hợp của bà Nguyễn Phương Hằng vừa qua là một ví dụ. Nó cho thấy sự “vô pháp vô thiên” trong cư xử trên không gian mạng.

Không ít người không hề biết việc công khai xúc phạm nhân phẩm người khác có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Riêng trẻ em, càng được pháp luật bảo vệ.

Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng với hành vi gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em. Trường hợp gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% trở lên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ Luật Hình sự.

Nên nhớ, đừng bao giờ tấn công một đứa trẻ vì “ghét cái thái độ”, nhất là tấn công trên mạng.

Nếu một đứa trẻ trở thành tâm điểm của dư luận, bất luận khen hay chê, tâm sinh lý của đứa trẻ đó sẽ bị ảnh hưởng thế nào? Đó là trách nhiệm người lớn phải nghĩ tới, không chỉ cho những đứa trẻ khác, mà cho cả chính con mình.

Dùng bạo lực mạng xã hội chống lại bạo lực học đường chỉ cho thấy sự chệch chuẩn trong đạo đức của các bậc phụ huynh mà thôi.

Nguyễn Nga

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.