Bên cạnh chiếc Poster quảng cáo cho loại xe BMW đời mới là những chiếc xe đạp cũ kĩ trên đường phố - Ảnh: AFP |
Cách showroom mới của Rolls-Royce 2 tòa nhà, bà Hà (gần 80 tuổi) và Hiền (53 tuổi) đang bán khoai tây và đu đủ cho người đi đường.
Họ phải dậy từ 4h sáng để tới chợ đầu mối, sau đó đạp xe xuống phố để bán rong. Bà Hà hiện sống cùng 8 người họ hàng và kiếm được 2,5 USD (50.000 đồng) một ngày. Trong khi đó, bà Hiền kiếm được khoảng 5 USD. Cả hai cho biết, họ chẳng mấy quan tâm đến những chiếc siêu xe lẫn trong dòng xe máy trên đường phố.
Khoảng cách thu nhập gia tăng đang là vấn đề trên toàn cầu. Nhưng tại Việt Nam, tương phản này đặc biệt rõ. Giao thông Hà Nội tràn ngập những chiếc xe máy được buộc cả tá hàng hóa. Xe tải, ôtô, xe máy đi cạnh chiếc xe đẩy của người bán rong và những chiếc xe đạp chất đầy hàng. Trong khung cảnh đó, sự xuất hiện của những chiếc Rolls-Royce có vẻ gây ấn tượng với người nước ngoài hơn là người Việt.
Sự xuất hiện của những chiếc xe sang đang được coi là dấu hiệu cho tăng trưởng kinh tế tại đây. Việt Nam thực sự đã tiến rất xa trong vài chục năm qua.
Tràng Tiền Plaza (Hà Nội) hiện là nơi giới thượng lưu lui tới mua sắm các mặt hàng xa xỉ như Louis Vuitton, Cartier và Burberry. Năm ngoái, McDonald’s cũng đã mở cửa hàng đầu tiên tại TP HCM (Việt Nam), hợp tác với Henry Nguyễn - Tổng giám đốc IDG Ventures. Ông cho biết mục tiêu là mở hơn 100 cửa hàng McDonald’s tại Việt Nam trong một thập kỷ.
Forbes Việt Nam ra mắt đầu năm 2014 và là nơi cho thấy sự giàu có của tầng lớp thượng lưu. Ấn bản đầu tiên của tạp chí này nói về ông Phạm Nhật Vượng – tỷ phú USD đầu tiên và thường được gọi là "Donald Trump của Việt Nam". Tài sản của ông vào khoảng 1,5 tỷ USD, chủ yếu từ cổ phần trong Vingroup – chủ sở hữu nhiều trung tâm thương mại, tòa nhà cao cấp và công viên mô phỏng nổi tiếng nhất Việt Nam.
Đặng Lê Nguyên Vũ - nhà sáng lập thương hiệu Cà phê Trung Nguyên lớn lên trong một gia đình bình thường tại Tây Nguyên, từng tự rang cà phê và kỳ cạch giao hàng bằng xe đạp. Ngày nay, Việt Nam đã là đối thủ của Brazil trong sản xuất cà phê. Và Trung Nguyên trở thành thương hiệu đồ uống hàng đầu, mở nhiều cửa hàng trong nước và xuất khẩu sang nhiều nước khác.
Giới thượng lưu Việt Nam có lối sống khá sang trọng. Nhưng để nhận biết sự chuyển dịch, phương tiện giao thông có lẽ là thước đo tốt hơn cả. Thập niên 90, xe đạp vẫn còn là phương tiện di chuyển chính. Những chiếc xích lô cũng rất dễ dàng bắt gặp. Sau đó, kinh tế phát triển đã khiến xe máy và ôtô dần trở nên phổ biến.
Đầu năm 2011, Việt Nam được Ngân hàng Thế giới (World Bank) đánh giá là nước có "thu nhập trung bình". Và rất nhiều gia đình cũng đang tìm mua những chiếc Toyota Corolla hay Chevrolet Cruze. Số liệu cho thấy lượng xe hơi bán tại Việt Nam đã tăng gấp đôi trong 2 năm, từ 9.500 chiếc năm 2012 lên 21.700 chiếc năm 2014. Số liệu này sẽ cao hơn nhiều nếu thuế nhập khẩu không quá cao và thuế cho những chiếc lắp ráp tại Việt Nam không lên tới 60%, ông Gaurav Gupta - Giám đốc GM Việt Nam cho biết.
Số xe hơi xa xỉ bán ra cũng tăng với tốc độ tương tự, lên 4.700 chiếc năm 2014. Vài năm trước, Mercedes và BMW còn thống trị thị trường xe sang tại đây. Nhưng còn giờ, đó là Rolls-Royce, Porsche, Audi, Lexus, Infiniti và có thể là cả Lamborghini. Con số này sẽ còn ấn tượng hơn nữa nếu xét đế việc một chiếc xe giá 60.000 USD tại Mỹ có giá gần 180.000 USD tại Việt Nam, Gupta cho biết.
Trong showroom mới của Rolls-Royce cạnh sảnh một khách sạn 5 sao, một chiếc Wraith - dòng tầm trung của hãng, có giá 979.000 USD. Những chiếc đắt nhất phải có giá cao hơn tới hàng trăm nghìn USD. Người mua thường yêu cầu thêm chi tiết, như biển tên với chữ ký dát vàng, ông Phạm Bửu Hội - Giám đốc Marketing của Roll-Royce Motor Cars Hà Nội cho biết. Tổng chi phí vì vậy có thể lên tới 2,5 triệu USD. Còn khi được hỏi về phương tiện di chuyển hàng ngày, ông cười lớn và cho biết: "Tôi đi xe máy, cũng như mọi người thôi".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận