Tổng thống đắc cử của Mỹ Joe Biden
Lúc này, Trung Quốc không còn chỉ là đối thủ lớn nhất với Mỹ mà còn là quốc gia mà Washington bắt buộc phải tìm cách để sống chung. Ông Joe Biden có thể vượt qua thách thức này như thế nào trong nhiệm kỳ Tổng thống sắp tới?
Đối thủ chưa từng có
Tạp chí National Interest nhận định, nếu kế hoạch của chính quyền Trung Quốc thành hiện thực, trong thời gian tới, Bắc Kinh sẽ thay thế Washington ngồi ghế lãnh đạo trên khá nhiều lĩnh vực.
Chưa kể, hiện nay, “con rồng châu Á” vẫn còn là công xưởng sản xuất của thế giới, đối tác thương mại số 1 của hầu hết các nền kinh tế quan trọng, động cơ hàng đầu của nền kinh tế toàn cầu kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Song, Mỹ cũng không thể làm gì khác ngoài thuyết phục Trung Quốc tự kiềm chế, hợp tác với Washington. Nếu không, khả năng cao hai nước sẽ đối mặt với cuộc chiến thảm khốc hoặc phải sống trong một bầu không khí ngột ngạt đến khó thở.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng đội ngũ của ông sẽ phải thay đổi chiến lược so với người tiền nhiệm để vượt qua thử thách trí tuệ bậc nhất này. Nhưng theo nhà báo Graham Allison của National Interest, rất may, ông Biden lại có sự chuẩn bị khá tốt.
Với thâm niên hàng chục năm làm Phó Tổng thống, Chủ tịch Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Thượng viện và một thành viên cơ quan lập pháp thời Chiến tranh Lạnh, ông có thời gian phải vật lộn với nhiều quyết định chính trị khó khăn và có cách nhìn cẩn thận về cách vận hành trên thế giới.
Để tạo ra tương quan lực lượng đủ sức điều chỉnh hành vi Trung Quốc, Mỹ cần thu hút nhiều quốc gia khác có quyền lực mạnh tương đương về cùng phe. Với ông Biden, là một chính trị gia giàu kinh nghiệm, ông hiểu rõ, điều quan trọng nhất đối với mọi lãnh đạo khi điều hành đất nước đó là nâng cao tiêu chuẩn sống cho người dân.
Cho nên, tất cả những nỗ lực ép buộc họ phải chọn giữa liên minh quân sự với Mỹ để đảm bảo an ninh và xây dựng quan hệ kinh tế với Trung Quốc - yếu tố thiết yếu xây nên thịnh vượng cho các nước này, đều là vô ích.
Xây dựng một mạng lưới các cường quốc liên kết và trở thành đồng minh của nhau đang là nhiệm vụ khó nhằn hơn rất nhiều so với dưới thời Liên minh Xô-viết nhưng sẽ là việc mà ông Biden nên làm, theo National Interest.
Học cách sống chung
Mặt khác, Tổng thống đắc cử của Mỹ hiểu rằng, Washington và Bắc Kinh cùng sống chung dưới một bầu trời, mỗi bên đều phải đối mặt với những thách thức mang tính sống còn mà họ không thể tự mình đơn phương giải quyết, đơn cử như lĩnh vực công nghệ và thiên nhiên. Do vậy, hai bên đều phải tìm ra cách sống chung nếu không muốn cùng lôi nhau đi xuống.
Ông Biden hiểu sâu sắc điều này vì từng trải qua và hiểu rõ về một thế giới xoay quanh khái niệm tự diệt lẫn nhau (MAD) mà đa phần thế hệ hiện nay không biết. Chắc chắn, ông không thể quên, các nhà lập pháp Mỹ đã phải đối mặt với những khó khăn như thế nào khi xây dựng đất nước xoay quanh ý tưởng thế giới MAD hạt nhân - tự hủy diệt lẫn nhau - trong khi chấp nhận nó sẽ ảnh hưởng tới khả năng điều hành đất nước một cách lành mạnh.
Sau cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, ông John F.Kenedy và những người kế nhiệm đã học được bài học mà ông Ronald Reagan đã tóm lược lại đó là: Một cuộc chiến hạt nhân không thể mang lại chiến thắng cho bất cứ ai. Chưa kể, trong bối cảnh hiện nay, ngoài MAD về hạt nhân, Tổng thống đắc cử của Mỹ Joe Biden hiểu nước Mỹ còn phải đối mặt với MAD về khí hậu.
Dưới mái nhà Trái Đất, cùng hít chung bầu không khí, cả Mỹ và Trung Quốc - hai quốc gia phát thải lớn nhất - nếu không thay đổi sẽ có thể phá vỡ bầu khí quyển đến mức không thể sống nổi.
Thừa nhận thực tế đó, ở dưới thời Tổng thống Barack Obama, ông Biden đã cùng Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đưa ra thỏa thuận khí hậu với Trung Quốc, tạo điều kiện cho Hiệp ước Paris có bước tiến lớn.
Tuy sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút lại thỏa thuận này nhưng theo nhiều nguồn tin nội bộ, ông Biden sẽ đưa Mỹ tái gia nhập thỏa thuận này ngay ngày đầu tiên chính thức nhậm chức, làm việc với Trung Quốc để vươn tới những mục tiêu tham vọng hơn.
Trừ trường hợp bất thường, còn không Trung Quốc, dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ là đối thủ lớn nhất trong lịch sử thế giới như ông Lý Quang Diệu từng nói. Với dân số gấp 4 lần nước Mỹ, một người Trung Quốc chỉ cần làm việc với năng suất bằng 1 nửa người Mỹ, nước này đã có quy mô GDP cao gấp 2. Như vậy, Bắc Kinh có thể đầu tư gấp đôi vào quốc phòng như họ đang làm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận