Xe tăng IS-3
Tạp chí National Interest đã đăng bài báo có tiêu đề "Xe tăng hạng nặng IS-3: Siêu vũ khí Liên Xô mà bạn chưa từng nghe thấy".
Theo tác giả Caleb Larson, IS-3 được cho là loại xe tăng hạng nặng mạnh nhất Liên Xô, được trang bị vũ khí mạnh và có lớp giáp bảo vệ rất tốt.
Đặc điểm nổi bật của IS-3 là chiếc "mũi nhọn" nằm ở phần giáp phía trước, thiết kế này giúp xe giảm trọng lượng đồng thời gia cố giáp mặt trước của xe tăng trước hỏa lực đối phương, tháp pháo của IS-3 được chế tạo có hình tròn khiến xe tăng có chiều cao thấp nên đối phương rất khó phát hiện để tiêu diệt.
IS-3 có sức tấn công rất mạnh nhờ được trang bị pháo chính cỡ lớn 122mm, tốc độ bắn 2-3 viên/phút, cơ số đạn thông thường là 18 viên đạn pháo nổ mảnh, 8 viên đạn xuyên giáp, trên xe còn bố trí thêm súng máy SGM 7,62mm có 756 viên đạn và súng máy DShK 12,7mm với 250 viên đạn.
Xe tăng IS-3
Tuy nhiên, một trong những nhược điểm của xe tăng là pháo chính không thể hạ nòng như các loại xe khác. Nhưng động cơ công suất 600 mã lực giúp con “quái vật” nặng 46 tấn này có thể di chuyển với tốc độ tối đa 40km/giờ và tầm hoạt động tối đa là 185km.
Liên Xô đã phát triển IS-3 trước Chiến tranh thế giới thứ II, xe tăng được đưa vào sử dụng sau khi kết thúc chiến sự vào mùa xuân năm 1945. Sau đó, Liên Xô đã xuất khẩu loại xe tăng hạng nặng này cho các nước đồng minh, cũng như các nước Trung Đông.
Quân đội Ai Cập sử dụng xe tăng IS-3 trong chiến tranh 6 ngày với Israel. Loại xe tăng này đã khiến Israel khiếp sợ, vì nó có thể chịu được các đòn tấn công từ đạn xuyên giáp 90mm từ xe tăng M48 Patton và các loại vũ khí chống tăng khác.
Mỹ cũng đã rất cảnh giác khi xe tăng IS-3 xuất hiện lần đầu trong cuộc duyệt binh chung của quân đồng minh ở Berlin vào ngày 7/9/1945.
Nhưng cũng chính sự xuất hiện của IS-3 đã kích thích cho sự xuất hiện của nhiều dự án chế tạo xe tăng hạng nặng của phương Tây, trong đó có xe tăng hạng nặng M103 của Mỹ, nhưng tỏ ra kém hữu dụng hơn so với dự kiến do bị trang bị động cơ không hiệu quả và thua xa so với IS-3.
Tóm lại, đối với Liên Xô vào thời điểm IS-3 ra đời, nó được đánh giá là một chiếc xe tăng mạnh mẽ nhất thế giới, còn phương Tây cũng công nhận IS-3 là một mẫu thiết kế rất thành công. Ngày nay còn một chiếc IS-3 nguyên bản vẫn được lưu giữ tại bảo tàng xe tăng Kubinka, Moscow (Nga).
Cuộc diễu binh của quân Đồng minh năm 1945 Nguyên soái Georgy Zhukov (đứng giữa) cùng đại diện tướng lĩnh quân đội Mỹ, Anh và Pháp trong cuộc diễu binh ngày 7-9-1945 tại Berlin, Đức. Ảnh tư liệu: Bộ Quốc phòng Nga Đó là sự kiện do Liên Xô khởi xướng, cùng với sự tham dự của quân đội Anh, Pháp và Mỹ, diễn ra ngày 7-9-1945 tại Berlin, Đức nhằm kỷ niệm kết thúc Thế chiến II. Sau khi chiến thắng Đức Quốc xã, mỗi quốc gia thuộc phe Đồng minh đều tự tổ chức kỷ niệm theo cách riêng của mình. Hai trong số những sự kiện tiêu biểu, có quy mô hoành tráng và được nhiều người biết đến nhất là cuộc duyệt binh Ngày Chiến thắng lịch sử của Hồng quân Liên Xô tại Moscow vào ngày 24/6/1945 và cuộc duyệt binh tương tự của quân đội Anh ngay tại Berlin chưa đầy một tháng sau. Ngày 2/9/1945, phát xít Nhật ký tuyên bố đầu hàng vô điều kiện và hoàn toàn trên chiến hạm USS Missouri của hải quân Mỹ đậu ở vịnh Tokyo, qua đó chính thức đánh dấu chấm hết cho Thế chiến II - cuộc xung đột khốc liệt, đẫm máu nhất lịch sử loài người, kéo dài 6 năm và gây ra thảm họa vô cùng to lớn đối với nhân loại. Hồng quân Liên Xô cùng quân Đồng minh đã làm nên chiến thắng vĩ đại này. Để kỷ niệm sự kiện đó, Nguyên soái Georgy Zhukov, vị chỉ huy lực lượng Hồng quân Liên Xô tiến vào Berlin và là người chấp thuận tuyên bố đầu hàng của phát xít Đức sau đó, đã nảy ra ý tưởng về một lễ diễu binh của quân đội các nước Đồng minh đang đóng tại Berlin. Nguyên soái Zhukov báo cáo về Điện Kremlin và được Tổng tư lệnh Joseph Stalin đồng ý đề xuất này. Về phần mình, phía Mỹ, Anh và Pháp cũng hoàn toàn ủng hộ. Được ấn định vào ngày 7-9-1945 tại Berlin, cuộc diễu binh dự kiến có sự hiện diện của các tướng lĩnh cấp cao nhất trong quân đội các nước Đồng minh là Thống chế Bernard Montgomery (Anh), Đại tướng Dwight Eisenhower (Mỹ) và Đại tướng Jean de Lattre de Tassigny (Pháp). Tuy nhiên, khi mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất thì những tướng lĩnh này bất ngờ viện nhiều lý do để từ chối tham dự và cho biết sẽ chỉ cử đại diện đến. Một lần nữa, Nguyên soái Zhukov phải xin ý kiến từ Moscow liệu có nên tiếp tục tổ chức cuộc diễu binh trong bối cảnh như vậy không. Ngay lập tức, lãnh tụ Stalin chỉ thị rằng, kế hoạch vẫn phải được thực hiện. “Không nên để ý đến việc vắng mặt của lãnh đạo quân đội các nước đó. Chúng ta có thể tự tiến hành cuộc diễu binh như đã định”, Tổng tư lệnh Stalin nhấn mạnh trong bức điện hồi âm gửi Nguyên soái Zhukov. Lực lượng Hồng quân Liên Xô có 2.000 sĩ quan, binh sĩ thuộc Sư đoàn Bộ binh số 248 tham gia diễu binh. Trong khi đó, có thể do sự chỉ đạo từ phía chính quyền các nước nên quân đội Anh, Pháp và Mỹ đều chỉ cử mỗi quốc gia 1.000 quân. Dẫu vậy, phương Tây đã “gỡ lại đôi chút” hình ảnh tại sự kiện này khi lực lượng của họ đều đến từ những đơn vị chủ lực và từng lập nhiều chiến công trong Chiến tranh thế giới thứ hai, bao gồm Lữ đoàn Bộ binh số 131 của Anh, Sư đoàn Bộ binh số 2 của Pháp và Sư đoàn Đổ bộ đường không số 82 của Mỹ. Phát biểu khai mạc cuộc diễu binh dưới sự chứng kiến của khoảng 20.000 người dân Berlin, Nguyên soái Zhukov trong bộ quân phục chỉnh tề gắn những huân, huy chương cao quý dõng dạc tuyên bố: “Kể từ giờ trở đi, nhân loại đã thoát khỏi mối đe dọa bởi phát xít Đức ở phương Tây và quân phiệt Nhật ở phương Đông”. Trong tiếng nhạc hùng tráng, các khối đã diễu hành qua nhiều địa điểm nổi tiếng ở Berlin như tòa nhà Quốc hội Đức (Reichstag) hay cổng Brandenburg. Tiếp sau đội hình binh sĩ là sự xuất hiện của xe tăng, xe bọc thép và pháo tự hành, trong đó điểm nhấn là đội hình 52 xe tăng hạng nặng IS-3 tiên tiến nhất của Liên Xô lúc bấy giờ. Việc lựa chọn tuyến đường diễu binh đi qua các địa điểm trên không phải ngẫu nhiên mà bởi đó là những nơi vừa mới chứng kiến nhiều cuộc giao tranh ác liệt nhất trong chiến dịch tấn công và giải phóng thành phố Berlin của quân Đồng minh. Trong hồi ký của mình, Nguyên soái Zhukov mô tả: “Tôi đã phát biểu tôn vinh quân đội Liên Xô và các lực lượng viễn chinh Đồng minh. Bộ binh, xe tăng và lính pháo binh của chúng tôi đi theo đội hình hoàn mỹ. Cuộc diễu binh tượng trưng cho chiến thắng của quân Đồng minh trước phát xít Đức”. Đáng buồn là cuộc diễu binh không thể trở thành biểu tượng cho sự đoàn kết, đồng thuận của Liên Xô và các đồng minh phương Tây. Trái lại, nó cho thấy những dấu hiệu xuống dốc đầu tiên trong quan hệ giữa hai bên. Chỉ ít lâu sau, thời kỳ Chiến tranh Lạnh đến và chẳng còn ai nhớ tới hoạt động chung lớn cuối cùng của quân đội những nước này vào ngày 7-9-1945 nữa. Đó là lý do mà nó được gọi là “cuộc diễu binh bị lãng quên”. - Nguồn: Văn Hiếu/QĐND |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận