Báo Nga cho rằng Venezuela còn 10.000 tấn vàng chưa được khai thác, tất cả chúng đều đang nằm trong các mỏ ở khu vực gần biên giới ở phía Đông Nam của nước này.
Theo một báo cáo của trang Sputnik xuất bản cách đây vài hôm, ngoài trữ lượng dầu mỏ khổng lồ, Venezuela được cho là có 10.000 tấn vàng chưa được khai thác, phần lớn nằm ở phía đông nam của đất nước.
Hiện có khoảng 300.000 công nhân khai thác mỏ, dang làm việc trong các khu vực có những mỏ vàng nằm sâu trong các cánh rừng ở Đông Nam Venezuela.
Lực lượng này đang giúp cung cấp cho chính quyền Venezuela các phương tiện rất cần thiết để duy trì hoạt động và trả tiền cho thực phẩm, thuốc men, sản phẩm vệ sinh, hàng hóa nhập khẩu quan trọng khác.
Theo dữ liệu mới của Ngân hàng Trung ương Venezuela, các tổ chức khai mỏ quy mô vừa và nhỏ đã bán một lượng lớn tương đương 17 tấn kim loại quý nói trên cho chính phủ nước này kể từ năm 2016 (với tổng giá trị khoảng 650 triệu USD).
Công việc khai thác vàng gắn liền với những rủi ro, nặng nhọc và nguy hiểm. Theo báo Sputnik, một công nhân trẻ từng nói với hãng tin Reuters của Anh rằng anh ta bị nhiễm bệnh sốt rét năm lần, thêm vào đó là phải làm việc theo các ca 12 giờ không nghỉ.
Những người công nhân khai thác vàng ở Venezuela thường sử dụng các công cụ nguyên thủy, bao gồm cuốc, xẻng, ròng rọc. Ngay cả việc đào hầm cũng phải làm bằng tay.
Tỷ lệ tai nạn rất cao, tội ác thì luôn vây quanh vì các băng đảng tội phạm cũng muốn nhân cơ hội và tình huống rối ren như thời gian này để tìm cách kiếm tiền trên cơn sốt vàng.
Tuy nhiên, vì siêu lạm phát tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến tiền lương của của rất nhiều người Venezuela. Vì vậy, việc khai thác vàng vẫn là một công việc hấp dẫn đối với rất nhiều người.
"Nhà nước đang mua vàng, mọi người đều mua vàng, bởi vì đó là những gì có thể giúp cho chính phủ hoạt động tốt", Jhony, một nhà buôn vàng ở Puerto Ordaz, một thị trấn cách thủ đô Caracas khoảng 650 km về phía đông nam, cho biết.
Jhony bán vàng của mình cho các đầu mối thu mua của chính phủ, nơi vàng sẽ được tập hợp, nung chảy và cô thành các thỏi để chuyển đi.
Hầu hết vàng khai thác được ở Venezuela được cho là sẽ chuyển bán cho các cơ sở tinh luyện của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuần trước, báo Bloomberg đã báo cáo rằng Sardes, một công ty môi giới vàng Thổ Nhĩ Kỳ, đã chuyển một số kim loại quý trị giá 900 triệu USD từ Venezuela sang Thổ Nhĩ Kỳ trước khi lệnh trừng phạt của Mỹ đối với tài sản của nhà nước của Venezuela có hiệu lực.
Đổi lại, Venezuela đã sử dụng một số tiền bán vàng này để mua các sản phẩm thực phẩm của Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm mì ống, sữa bột.
Thương mại hai chiều giữa Venezuela và Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng từ 804 triệu USD lên khoảng 892 triệu USD trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2018.
Venezuela đã buộc phải bắt đầu bán bớt một số dự trữ ngoại hối, bao gồm cả vàng, vào năm 2016, giữa áp lực từ các lệnh trừng phạt và hạn chế tài chính của Mỹ.
Ước tính chính phủ Venezuela đã thiệt hại tới 350 tỷ USD doanh thu trong những năm gần đây kể từ khi bị Hoa Kỳ siết chặt trừng phạt.
Khoảng hai phần ba số tiền dự trữ còn lại của Venezuela (ước chừng khoảng 8,8 tỷ USD) được bảo quản dưới dạng vàng. Kể từ năm 2016, trữ lượng vàng của đất nước này ước tính đã giảm từ hơn 350 tấn xuống chỉ còn dưới 165 tấn.
Cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế kéo dài ở Venezuela đã leo thang vào tháng trước sau khi lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido tuyên bố mình là "Tổng thống lâm thời".
Hoa Kỳ, Canada và hơn một 10 quốc gia châu Âu và châu Mỹ Latinh khác đã lên tiếng ủng hộ nỗ lực tiếp quản của ông Juan Guaido, trong khi Nga, Trung Quốc, Mexico, Cuba, Bolivia, Nicaragua, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ đã phản đối và kêu gọi các cường quốc bên ngoài không can thiệp vào công việc nội bộ của Venezuela.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận