“Chúng ta không thể khiến người Mỹ thất vọng thêm nữa!”
Và trong một bài phát biểu bất thường tối 2/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phải thốt lên: “Quá đủ rồi!”.
Trong bài phát biểu được phát trong khung giờ vàng, từ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ sự tức giận khi liên tiếp xảy ra các vụ xả súng để lại bi kịch cho rất nhiều người vô tội.
Ông đặt câu hỏi rằng: “Vì Chúa, còn phải cần bao nhiêu vụ tàn sát nữa, chúng ta mới sẵn sàng chấp nhận hành động (ngăn bạo lực súng đạn – PV)?”
Tổng thống Mỹ Joe Biden hối thúc Quốc hội thông qua dự luật kiểm soát súng đạn. Ảnh - Reuters
Tổng thống Mỹ Joe Biden (thuộc đảng Dân chủ) kêu gọi Quốc hội thông qua một loạt các biện pháp lịch sử mà đảng Cộng hòa đã phản đối tại Quốc hội trong đó có cấm bán vũ khí tấn công hoặc có thể nâng độ tuổi tối thiểu đối với người được phép mua súng từ 18 lên 21 và bãi bỏ những lá chắn trách nhiệm bảo vệ các nhà sản xuất súng khỏi bị kiện nếu xảy ra vụ việc bạo lực do những người mang súng của các hãng này gây ra.
“Chúng ta không thể khiến người Mỹ thất vọng thêm nữa” – ông Biden nói.
Theo thống kê của Gun Violence Archive, một tổ chức thu thập dữ liệu độc lập, tính đến ngày 24/5, ngày thứ 144 trong năm, nước Mỹ đã chứng kiến 231 vụ xả súng.
Theo định nghĩa, một vụ xả súng hàng loạt là sự việc trong đó trên 4 nạn nhân thiệt mạng hoặc bị thương do súng bắn. Không có tuần nào trong năm 2022 trôi qua mà không xảy ra ít nhất 4 vụ xả súng hàng loạt.
Cũng theo Gun Violence Archive, số người thiệt mạng vì bạo lực súng đạn tại Mỹ cho đến tháng 5/2022 là khoảng 18.000 người bao gồm cả các vụ tự sát và bị sát hại.
Các Nghị sĩ Quốc hội đang tìm kiếm các biện pháp để tăng cường kiểm tra lý lịch của người mua súng và thông qua luật cho phép giới chức thực thi pháp luật tịch thu súng của những người có vấn đề về tâm thần.
Nhưng các biện pháp kiểm soát súng đạn mới đều đối mặt với những rào cản rất lớn từ đảng Cộng hòa, đặc biệt là có thể vướng mắc ở Thượng viện Mỹ.
Các nhà vận động về an toàn súng đạn hối thúc Tổng thống Mỹ Joe Biden thực hiện các biện pháp mạnh hơn để kiểm soát bạo lực súng đạn nhưng Nhà Trắng muốn Quốc hội thông qua dự luật vì luật có tác động lâu dài hơn là sắc lệnh Tổng thống.
Một ủy ban của Hạ viện Mỹ đang xây dựng một dự luật nhắm đến việc gây áp lực cao hơn với luật súng đạn quốc gia nhưng được nhận định ít có khả năng được thông qua tại Thượng viện.
Do đó, bài phát biểu Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tối qua được cho là nhằm tạo thêm áp lực, hỗ trợ cho thỏa thuận kể trên.
Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ rất ít khi phát biểu buổi tối tại Nhà Trắng. Điểm sơ qua có 1 lần trong đại dịch Covid-19 năm 2021 và 1 lần sau vụ xả súng tại Texas tuần vừa rồi.
Cán cân giữa hai đảng tại Thượng viện đang chia đều: 50 ghế thuộc về đảng Dân chủ và 50 ghế thuộc về đảng Cộng hòa. Trong khi, mỗi một điều luật cần ít nhất 60 phiếu để có thể được thông qua tại Thượng viện.
NPR: Mỹ nên học Scotland và nhiều quốc gia khác
Báo NPR của Mỹ nhận định, sau các vụ xả súng kinh hoàng, nhất là ở trong khuôn viên trường học như ở Uvalde, Mỹ có lẽ là quốc gia duy nhất vẫn lặp lại những lời kêu gọi, hối thúc, chia buồn, đau thương nhưng lại không tìm được lời giải đáp.
Trong khi đó, tại Scotland, Vương quốc Anh, chỉ cần 1 vụ xả súng gây chết người cách đây 26 năm, nước này gần như lập tức thông qua luật cấm sở hữu tư nhân đối với hầu hết các loại súng ngắn cũng như các loại súng bán tự động và bắt buộc phải đăng ký sở hữu súng ngắn.
Người dân tại Iowa an ủi nhau sau vụ xả súng bên ngoài Nhà thờ Cornerstone. Ảnh - Reuters
Từ đó tới nay, không còn vụ xả súng ở trường học thương tâm nào xảy ra ở Anh nữa.
Nhiều năm qua, cộng cả Anh Quốc, Scotland, xứ Wales số người thiệt mạng vì súng chỉ khoảng 30 người/năm trong khi ở Mỹ gấp hơn 646 lần như vậy (so sánh với con số 19.384 người thiệt mạng trong cả năm 2020).
Rào cản lớn nhất khiến nước này khó cấm hoàn toàn kiểm soát súng đạn là vì quyền sở hữu vũ khí được quy định trong Hiến pháp Mỹ.
Tuy nhiên, NPR chỉ ra rằng, trên thế giới đã có nhiều quốc gia có lịch sử tương tự như Mỹ về quyền sở hữu súng đạn nhưng họ đều đã thông qua các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt, chẳng hạn như Canada hay Australia.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận