Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói chuyện với ngư dân tỉnh Quảng Ngãi đang neo đậu tàu thuyền tại Quảng Bình. Ảnh: Xuân Tuyến |
Cho rằng đây là cơn bão rất mạnh, nếu không ứng phó kịp thời, hiệu quả thì thiệt hại sẽ rất lớn, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải có phương án cụ thể, trước hết tập trung bảo đảm an toàn cho các hoạt động trên biển; Tiếp tục kiểm đếm, thông tin cho tàu thuyền hoạt động trên biển (bao gồm cả tàu khai thác thủy sản, tàu vận tải, tàu du lịch…) về nơi tránh trú, thoát khỏi vùng nguy hiểm. “Đây là trách nhiệm của các Đài Thông tin duyên hải, Bộ Tư lệnh biên phòng, Bộ NN&PTNT, Bộ GTVT, chính quyền địa phương ven biển và gia đình các chủ tàu”, Phó Thủ tướng nói.
Đối với khu vực ven biển (nhất là tại các địa phương dự kiến bão sẽ đổ bộ, ảnh hưởng trực tiếp từ Thanh Hóa đến Quảng Trị), Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền còn hoạt động ven bờ, triển khai cấm biển, không để tàu thuyền còn hoạt động trong vùng nguy hiểm. Cùng với đó, phải bảo đảm an toàn cho tàu thuyền tại nơi tránh trú, hướng dẫn sắp xếp, neo đậu an toàn, đối với khu vực vùng tâm bão có khả năng đổ bộ có thể kéo tàu thuyền lên bờ hoặc di chuyển sâu vào đất liền để hạn chế thiệt hại tại nơi neo đậu như một số trận bão trước đây; chủ động di dời, hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn các lồng bè nuôi trồng thủy sản, nhà nổi. “Khẩn trương rà soát, kiên quyết sơ tán triệt để người dân tại các khu vực nguy hiểm, tuyệt đối không được để người ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, trên các tàu thuyền (kể cả ở nơi neo đậu) khi bão đổ bộ vào”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN khu vực miền Trung - Tây Nguyên, đến chiều 14/9, trên địa bàn có nhiều tàu cá, ngư dân gặp nạn trên đường về trú tránh bão số 10. Đầu giờ chiều 14/9, tàu SAR 412 (Trung tâm Phối hợp cứu nạn hàng hải khu vực II) đã đưa 11 ngư dân trên tàu ĐNa 90875TS của chủ tàu Nguyễn Cư (Sơn Trà, Đà Nẵng) bị hỏng máy khi ở vùng biển Thừa Thiên - Huế (lúc 9 giờ sáng 14/9) cập cảng X50 (Đà Nẵng) an toàn. Cùng ngày (14/9), tàu cá BĐ 93593 TS của ông Trần Trung Trinh (trú xã Cát Khánh, Phù Cát), tiếp cận và lai dắt tàu cá BĐ 93065TS do ông Nguyễn Đức Thái (SN 1983, ở thôn Xuân An, xã Cát Minh, huyện Phù Cát, Bình Định) làm thuyền trưởng kiêm chủ tàu, trên tàu có 8 thuyền viên, bị chết máy khi đang hoạt động tại tọa độ 13 độ 13’N - 109 độ 40’E (cách Sông Cầu, Phú Yên khoảng 33 hải lý về hướng Đông Đông Nam) sáng 14/9. |
Các địa phương cần tiếp tục rà soát, chủ động triển khai các biện pháp gia cố cần thiết để bảo vệ các tuyến đê biển, đê cửa sông, đặc biệt là các khu vực xung yếu, công trình đang thi công. Những việc này phải hoàn thành trước khi bão ảnh hưởng đến ven biển vào trưa 15/9.
Trong đất liền, Phó Thủ tướng yêu cầu nhanh chóng thu hoạch các diện tích lúa đã chín với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất.
Các bộ, ngành, địa phương được yêu cầu triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập thủy lợi, thủy điện. Chủ động triển khai các phương án bảo đảm ATGT đường thủy, đường bộ, đường sắt, đường hàng không tại các khu vực bão ảnh hưởng trực tiếp.
Tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét khi mưa lớn để chủ động sơ tán, di dời người dân; cử người canh gác, hướng dẫn giao thông tại các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, nước chảy xiết.
Yêu cầu Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn duy trì ứng trực, chuẩn bị sẵn lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sàng hỗ trợ, đảm bảo tính mạng và tài sản cho người dân. Bảo đảm toàn cho người và tài sản, an ninh tại các khu vực người dân sơ tán.
Ngay sau cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Đoàn công tác của Chính phủ đã vào Quảng Bình để trực tiếp kiểm tra công tác ứng phó trước bão của các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình (vùng được dự báo bão sẽ đổ bộ trực tiếp). Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cũng tham gia đoàn công tác.
Người dân Quảng Trị neo đậu tàu thuyền phòng chống bão |
Tới kiểm tra các điểm xung yếu, nơi neo đậu tàu thuyền của ngư dân các tỉnh, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã trực tiếp kiểm tra và thăm hỏi tình hình, công tác chuẩn bị đối phó với bão của các ngư dân địa phương và ngư dân các tỉnh về neo đậu tàu thuyền trú tránh bão. Phó Thủ tướng đánh giá cao công tác chuẩn bị tích cực, chủ động của địa phương. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý các địa phương và các lực lượng tuyệt đối không được có tâm lý chủ quan vì đây là cơn bão rất mạnh, nếu không ứng phó kịp thời, hiệu quả thì thiệt hại sẽ rất lớn.
Đối với Quảng Bình, Phó Thủ tướng yêu cầu phải có phương án cụ thể, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trước hết tập trung bảo đảm an toàn cho các hoạt động trên biển, hướng dẫn các phương tiện, tàu thuyền còn hoạt động trên biển về nơi tránh trú, thoát khỏi vùng nguy hiểm.
Còn tại Hà Tĩnh, Nghệ An, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc khẩn trương rà soát, kiên quyết sơ tán triệt để người dân tại các khu vực nguy hiểm, tuyệt đối không được để người ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, trên các tàu thuyền, kể cả ở nơi neo đậu khi bão đổ bộ vào; chủ động triển khai các biện pháp gia cố cần thiết để bảo vệ các tuyến đê biển, đê cửa sông, đặc biệt là các khu vực xung yếu, công trình đang thi công. Tất cả công tác chuẩn bị phải hoàn thành trước khi bão đổ bộ.
* Cùng ngày, Bộ GTVT có Công điện khẩn số 49 yêu cầu Đài Thông tin duyên hải tăng cường thời lượng phát sóng, thường xuyên cập nhật, xử lý ngay thông tin và thông báo kịp thời diễn biến, hướng di chuyển của bão số 10 cho tàu thuyền để ra khỏi hoặc không đi vào vùng nguy hiểm.
Cục Hàng hải VN được yêu cầu chỉ đạo các Cảng vụ Hàng hải nắm chắc số lượng tàu thuyền, phương tiện vận tải thủy đang neo đậu tại cảng, vùng nước neo đậu quanh các đảo, luồng lạch và hướng dẫn tàu thuyền vào khu neo đậu an toàn. Bộ GTVT cũng yêu cầu các đơn vị có báo cáo cụ thể số lượng tàu thuyền trước 24 giờ bão đổ bộ vào bờ; Chỉ đạoTrung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng để tham gia cứu nạn, cứu hộ khi có lệnh. Cục Đường thủy nội địa VN chỉ đạo các Chi cục và các Cảng vụ Đường thủy nội địa hướng dẫn tàu thuyền, phương tiện vận tải thủy vào khu neo đậu an toàn trong luồng lạch, vùng thủy nội địa.
Tổng cục Đường bộ VN tập trung vật tư, thiết bị và nhân lực khắc phục hậu quả do các đợt mưa, lũ vừa qua gây ra trên các tuyến quốc lộ. Chỉ đạo các Cục QLĐB chuẩn bị vật tư dự phòng như: Dầm cầu thép, rọ thép, sẵn sàng ứng cứu, đảm bảo giao thông trên các tuyến quốc lộ và quốc lộ ủy thác. Cục Hàng không VN chỉ đạo các đơn vị chủ động phòng, chống, rà soát thống kê các trang thiết bị, neo đậu tàu bay tại cảng hàng không, đảm bảo công tác bay an toàn trong mọi tình huống và có biện pháp bảo vệ các công trình nhà ga, phương tiện vận tải để hạn chế thiệt hại do bão gây ra. Cục Đường sắt VN, Tổng công ty Đường sắt VN thực hiện nghiêm ngặt chế độ tuần tra, chốt gác các công trình, vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm như: Cầu, đường yếu, dễ bị ngập nước; khu vực hay xảy ra lũ quét, các đoạn đường đèo dốc, đá rơi, đất sụt, các khu vực đường sắt ở phía hạ lưu đê, đập thủy lợi, hồ chứa nước...
Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị nêu trên tổ chức trực ban 24/24h và thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ GTVT theo số Fax: 024.39421242, ĐT: 024.39410235, Mobile: 090.4855855 và email: banpclb@mt.gov.vn.
Bão tăng cấp 12, đổ bộ Nghệ An đến Quảng Trị Hồi 19h hôm qua (14/9), vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,0 độ Vĩ Bắc; 109,9 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình khoảng 360km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115 - 135 km/h), giật cấp 15. Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20 - 25km và còn mạnh thêm. Đến 7h ngày 15/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,8 độ Vĩ Bắc; 107,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150km/h), giật cấp 15. Dự báo trong 12 - 24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km; khoảng trưa đến chiều mai (15/9), vùng tâm bão số 10 sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị gây gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 15, sau đó tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Do ảnh hưởng của bão, đến hết đêm nay (15/9), ở các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Nghệ An có mưa to đến rất to (100-300mm), riêng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có nơi trên 400mm; Từ hôm nay đến hết ngày 16/9, ở Thanh Hóa, các tỉnh phía Nam Đồng bằng Bắc bộ, Hòa Bình và Sơn La có mưa vừa, mưa to đến rất to (50-150mm, có nơi trên 200mm). Từ đêm 14/9 đến ngày 17/9, trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi sẽ xuất hiện 1 đợt lũ. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế. Hoãn, hủy nhiều chuyến bay Trong ngày hôm qua (14/9), Vietnam Airlines không khai thác 9 chuyến trên các đường bay giữa Hà Nội và Đà Nẵng/Huế (VN187, 1547/46); giữa TP HCM và Đồng Hới/Huế/Đà Nẵng (VN 7135, 140, 1376/77, 1400/01); Đồng thời, lùi giờ khai thác đối với chuyến bay VN430 trên đường bay Seoul (Hàn Quốc) - Đà Nẵng sang ngày hôm sau. Hôm nay (15/9), hãng ngừng khai thác 13 chuyến bay trên các đường bay giữa Hà Nội/TP HCM - Huế/Đà Nẵng (VN105, 110, 112, 113, 117, 122, 125, 140, 160, 161, 163, 170, 187) và 2 chuyến bay giữa Đà Nẵng và Đà Lạt (VN1954, 55). Ngoài ra, một số chuyến bay nội địa của Vietnam Airlines cũng sẽ bị chậm do ảnh hưởng dây chuyền. Tương tự, hãng hàng không Vietjet cũng thông báo ngừng khai thác các chuyến bay đi và đến các sân bay khu vực miền Trung trong ngày 14/9/2017 gồm: VJ374, VJ375, VJ376, VJ377 chặng TP HCM - Chu Lai - TP HCM. Phía Jetstar Pacific cho biết, trong chiều tối 14/9, hãng có 4 chuyến bay phải ngừng khai thác gồm: BL226/BL227 giữa TP HCM - Chu Lai và BL350/BL351 giữa TP HCM - Đồng Hới. Ngày 15/9, có 12 chuyến bay ngừng khai thác bao gồm: BL482/BL483/BL582/BL583/BL233/BL232/BL520/BL521/BL350/BL351/BL431/BL430, giữa TP HCM - Thanh Hóa/Huế/Vinh/Đồng Hới và giữa Huế - Đà Lạt, Đồng Hới - Chiang Mai (Thái Lan). T.Bình |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận