Xã hội

Bão số 13 giống bão mạnh Hải Yến, đi lượn lờ, khó đoán định

12/11/2020, 11:46

Dự báo bão số 13 chịu nhiều hình thái chi phối khi đi vào Biển Đông, hướng di chuyển rất phức tạp...

img
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia đưa ra 3 kịch bản dự báo bão số 13

3 kịch bản dự báo bão số 13

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, tới 10 giờ hôm nay, 12/11, tâm bão số 13 cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 730km về phía Đông Đông Nam.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 250km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 120km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24h tới, bão số 13 di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 10 giờ ngày 13/11, vị trí tâm bão ở khoảng 15,3 độ Vĩ Bắc; 114,7 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 300km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 13,0 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 112,5 đến 120,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 10 giờ ngày 14/11, vị trí tâm bão ở khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 110,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Nam quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.

Nhận định về đường đi bão số 13, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết: "Tới nay, dự báo hướng bão theo tính toán của các đài quốc tế với Việt Nam chưa có sự thống nhất cao; có phương án tính toán đi lên phía Bắc, có nơi tính đâm thẳng vào Trung Trung Bộ, có dự báo lại đi xuống phía Nam. Tuy nhiên, phần lớn nhận định trong khoảng 2-3 ngày tới, áp cao cận nhiệt đới, là nhân tố dẫn đường cơn bão trên Biển Đông lại có hướng suy yếu, do đó khi bão số 13 dịch chuyển vào gần bờ sẽ có xu hướng câu lên phía Tây Bắc, đâm vào các tỉnh phía Bắc của Trung Trung Bộ".

img
Dự báo bão số 13 có hướng đi phức tạp khó đoán định

Qua đó, ông Khiêm đưa ra 3 kịch bản. Cụ thể, kịch bản 1, dự báo bão số 13 sẽ đi chếch lên phía Bắc. Gió trên biển ở cấp 12 giật cấp 15. Khi vào bờ thì giảm 2 - 3 cấp, cường độ còn ở cấp 9 - 10.

"Theo tính toán kịch bản này có 80% xác suất sẽ xảy ra. Theo đó, thời gian ảnh hưởng của gió mạnh do bão số 13 kéo dài từ đêm 13 đến ngày 15/11. Các địa phương miền Trung sẽ có mưa to đến rất to. Lượng mưa chi tiết phụ thuộc vào phạm vi ảnh hưởng và hướng tuyến di chuyển của bão số 13 và sẽ tiếp tục được cập nhật trong những giờ tới", ông Khiêm phân tích.

Kịch bản 2 có xác suất thấp hơn xảy ra khi áp cao nhiệt đới tác động yếu hơn kịch bản 1. Khi đó bão sẽ đi hướng vào Bắc Trung Bộ, tốc độ di chuyển chậm nên thời gian ảnh hưởng kéo dài hơn đến ngày 16/11. Tuy nhiên, lượng mưa do ảnh hưởng bão số 13 sẽ thấp hơn, từ 100 - 150mm ở khu vực ven biển ở Bắc và Trung Trung Bộ. Tác động của bão sẽ nhẹ so với kịch bản 1.

Đối với kịch bản 3, ông Khiêm cho biết, rất ít khả năng xảy ra tuy nhiên vẫn cần lên phương án đề phòng. "Bão số 13 sẽ chuyển hướng vào Trung Trung Bộ (các tỉnh từ Quảng Ngãi - Đà Nẵng). Kịch bản thứ 3 này ít có khả năng xảy ra, nhưng lượng mưa sẽ lớn và dồn dập hơn, có thể trong 6 tiếng đã đạt 100-150mm. Bão cũng sẽ tan nhanh hơn so với kịch bản 1 và 2", ông Khiêm thông tin.

Cần mở rộng phạm vi ảnh hưởng bão số 13

img
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo ứng phó với bão số 13 sáng 12/11

Tại cuộc họp ứng phó với bão số 13 sáng 12/11, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, đường đi cơn bão số 13 rất giống với bão mạnh Hải Yến từng xảy ra vào tháng 11/2013.

"Cơn bão Hải Yến đổ bộ vào nước ta ngày 3/11/2013 cũng có đường đi giống với bão số 13, không đi thẳng mà lượn lờ, khó đoán định. Do đó, cần phải bám sát, phân tích sâu dự báo để có phương án ứng phó phù hợp", ông Cường nói và nhấn mạnh: "Hiện phạm vi ảnh hưởng trên biển rất lớn, do đó cần mở rộng phạm vi ảnh hưởng trên đất liền, bước đầu xác định từ Thanh Hóa tới Bình Thuận".

Trước tình hình diễn biến phức tạp của bão số 13, ông Cường nhấn mạnh các địa phương trong vùng có thể chịu ảnh hưởng kiên quyết không để tàu thuyền nào được hoạt động trong vùng bão. Đặc biệt chú ý tới khu vực đang chịu tổn thương nặng nề do các đợt mưa lũ trước từ Quảng Bình tới Phú Yên; rà soát, sẵn sàng sơ tán dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực thấp trũng có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất.

Theo báo cáo, tất cả các hồ chứa khu vực Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên tới nay cơ bản đã đầy nước. Do đó, ông Cường yêu cầu tổ chức vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện theo quy trình đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du; đối với các hồ đập xung yếu cần chủ động hạ thấp mực nước để đảm bảo an toàn; vận hành linh hoạt, luân phiên đối với các hồ thuộc hệ thống liên hồ; kiểm tra việc cung cấp thông tin cho chính quyền, người dân khu vực hạ du trước khi xả lũ theo quy định; tổ chức các đoàn kiểm tra, bố trí lực lượng thường trực tại các trọng điểm đê điều, hồ đập, công trình phòng chống thiên tai ven biển, đặc biệt là các vị trí bị hư hỏng, do mưa lũ vừa qua để kịp thời phát hiện và xử lý khi có sự cố.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.