Mặc dù bão số 2 đang chuẩn bị đổ bộ vào đất liền nhưng du khách vẫn hồn nhiên vui đùa với sóng biển Sầm Sơn |
Theo ghi nhận, vào khoảng 11h ngày 16/7, trên bãi biển Sầm Sơn (TP. Sầm Sơn, Thanh Hóa) có hàng trăm du khách từ người lớn đến trẻ em vẫn lao ra mép nước hồn nhiên vui đùa với những con sóng trong khi trời mưa khá nặng hạt, gió cũng bắt đầu thổi mạnh.
Trước tình trạng này, Đội cứu hộ, cứu nạn bãi biển Sầm Sơn dùng loa truyền thanh, còi phát đi lời cảnh báo, yêu cầu du khách không được tắm biển, những người làm công tác cứu hộ cũng xuống tận mép nước, căng cờ báo hiệu, yêu cầu mọi người lên bờ, nhưng dường như du khách vẫn bỏ ngoài tai.
Ghi nhận cho thấy, sóng biển Sầm Sơn mỗi lúc một to và đục ngầu nhưng không làm "nản lòng" du khách |
Sóng biển mỗi lúc một to, nước biển đục ngầu và gió mỗi lúc càng mạnh, trời có lúc mưa khá nặng hạt nhưng vẫn không hề làm nao lúng sự "thích thú" của các nhóm du khách, nhất là các bạn trẻ. “Chúng tôi thấy trời có lúc tạnh, lúc mưa nên chưa thấy nguy hiểm, nên cứ tranh thủ ra tắm biển chút thôi. Thấy đài, báo đưa tin là chiều tối nay bão mới vào, nên không lo gì”, một du khách ở Hà Nội thản nhiên nói.
Biển Sầm Sơn trưa ngày 16/7 |
Còn theo kinh nghiệm của nhiều người dân đi biển, trước khi bão đổ bộ vào đất liền nếu trời lúc mưa, lúc tạnh, thậm chí có hửng sáng, oi bức, sóng biển cao dần, nước đục ngầu…có nghĩa, bão lớn đang tiến vào bờ.
Trước đó, như Báo Giao Thông đưa tin, sáng ngày 16/7 UBND tỉnh Thanh Hóa đã họp và yêu cầu các lực lượng chức năng theo dõi chặt diễn biến của bão số 2. Khẩn trương hoàn thanh trước 17h ngày 16/7 các công việc sau: Nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi; Sử dụng mọi phương tiện, bằng mọi biện pháp kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn. Tổ chức hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại nơi tránh trú kể cả tàu vận tải và du lịch. Tổ chức di dời, neo đậu lồng bè nuôi trồng thủy sản...Đồng thời chỉ đạo chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây và triển khai phương án đảm bảo an toàn tại các bến cảng, khu du lịch. Ngoài ra cũng tập trung các phương tiện, vật tư để sẵn sàng di dời dân khi có lệnh.
Tại Hà Tĩnh, theo ghi nhận của PV, trong sáng nay trời có mưa to; mực nước trên các sông đầu nguồn như: Ngàn Trươi, Cẩm Trang đang dâng cao. Tại các huyện ven biển như: Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Kỳ Anh, Nghi Xuân cơ quan chức năng đang triển khai, kêu gọi các tàu thuyền cập bến an toàn. Còn các tàu lớn không về kịp, sẽ dùng bộ đàm bắt tín hiệu yêu cầu cập cảng những tỉnh lân cận. Trưa nay (16/7), ông Bùi Tuấn Sơn - Giám đốc BQL Các cảng cá Hà Tĩnh cho biết, tính đến 9h15 sáng 16/7 đã có 359 tàu cá các loại của nội và ngoại tỉnh và các cảng cá, khu neo đậu trên địa bàn Hà Tĩnh để tránh trú bão. “Tại cảng cá và khu neo đậu tránh bão Cửa Sót (thuộc huyện Lộc Hà) có 205 tàu thuyền (28 tàu ngoại tỉnh, 177 tàu nội tỉnh), trong đó có 90 tàu trên 90CV. Tại khu neo đậu tránh bão Cửa Nhượng (thuộc huyện Cẩm Xuyên) có 92 tàu thuyền (20 tàu ngoại tỉnh, 72 tàu nội tỉnh). Tại cảng cá Xuân Hội (thuộc huyện Nghi Xuân) có 62 tàu thuyền nội tỉnh, trong đó có 28 tàu trên 300CV, 34 tàu dưới 300CV”, ông Sơn cho hay. Cũng theo ông Sơn: theo báo cáo từ Bộ đội Biên Phòng Hà Tĩnh thì tính đến sáng sớm nay (16/7) vẫn khoảng 260 tàu cá các loại đang hoạt động trên các vùng biển Hà Tĩnh chưa vào bờ. Hiện các cơ quan chức năng đang khẩn trương kêu gọi các tàu thuyền nhanh chóng tìm nơi trú bão. |
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận