Tin bão khẩn cấp, cơn bão số 2 mới được Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia phát đi. Tới sáng nay, 3/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 110,0 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách đất liền các tỉnh Quảng Ninh-Hải Phòng khoảng 410km về phía Nam Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km và tiếp tục có khả năng mạnh thêm. Đến 4 giờ ngày 4/7, vị trí tâm bão ở khoảng 20,5 độ Vĩ Bắc; 107,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Quảng Ninh-Ninh Bình. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11. Từ trưa và chiều nay (3/7), ở khu vực Vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải, Vân Đồn) có gió mạnh dần lên cấp 6, từ đêm nay mạnh dần lên cấp 7-8, giật cấp 11. Biển động rất mạnh.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) ngày hôm nay còn có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8. Trên đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình từ đêm nay có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, gần sáng và ngày 4/7 có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 7-8, giật cấp 11.
Do ảnh hưởng của bão và di chuyển về phía đất liền nên ở các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 100-250mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt); từ đêm ngày 3-4/7, vùng núi Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to (lượng mưa phổ biến 50-150mm/đợt, có nơi trên 200mm/đợt).
Mặt khác, trong ngày hôm nay, hoàn lưu bão số 2 sẽ gây mưa ở khu vực Nam đồng bằng Bắc Bộ, Bắc và trung Trung Bộ, riêng các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Trên các sông suối khu vực Bắc Bộ, từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2-5m.
Đáng lưu ý, sau thời gian dài nắng nóng, đất bị khô nứt, đặc tính của đất bị phá vỡ và cháy rừng đã xảy ra ở khu vực Trung Bộ, bề mặt thảm phủ bị suy giảm, mưa lớn trên diện rộng gây nguy cơ cao xảy ra lũ quét, lũ do nghẽn dòng, lũ bùn. Sạt lở đất có nguy cơ xảy ra ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng các tỉnh vùng núi Bắc Bộ, từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. Đặc biệt là các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Quảng Ninh (khu vực hầm lò, bãi thải) và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận