Thị trường

Bão số 3 khiến chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng 0,29%

06/10/2024, 14:31

Ảnh hưởng của cơn bão số 3 Yagi; một số địa phương tăng học phí; giá thuê nhà ở tăng… là những nguyên nhân khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,29% so với tháng trước.

Đó là thông tin được Tổng cục Thống kê cho biết tại cuộc họp báo công bố tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2024 vào sáng nay (6/10). 

Theo đó, CPI tháng 9/2024 tăng 0,29% so với tháng trước. Nguyên nhân khiến chỉ số này tăng là do giá lương thực, thực phẩm tăng cao tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bão số 3 Yagi và hoàn lưu bão; một số địa phương thực hiện tăng học phí theo lộ trình của Nghị định số 97/2023/NĐ-CP; giá thuê nhà ở tăng.

Bão số 3 khiến chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng 0,29% - Ảnh 1.

Ảnh hưởng của bão số 3 cùng một số yếu tố khác khiến chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng 0,29%.

Trong mức tăng 0,29% của CPI tháng 9/2024 so với tháng trước, có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.

Trong nhóm tăng, nhóm giáo dục tăng cao nhất 2,09%. Trong đó giá dịch vụ giáo dục tăng 2,33% sau khi một số địa phương điều chỉnh học phí áp dụng cho năm học 2024-2025.

Tháng 9 cũng là thời điểm bắt đầu năm học mới nên nhu cầu đối với các mặt hàng đồ dùng học tập tăng, khiến giá tăng theo.

Tiếp đó là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,92%, đẩy CPI chung tăng 0,31 điểm phần trăm. Ở nhóm này, lương thực tăng 0,77%; thực phẩm tăng 1,06%.

Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng tăng 0,52% chủ yếu do giá thuê nhà tăng 0,42% bởi nhu cầu thuê nhà tại một số địa phương tăng khi bước vào năm học mới; giá điện sinh hoạt tăng 0,37%; nước sinh hoạt tăng 0,16%; giá gas tăng 1,45% do từ ngày 01/9/2024, giá gas trong nước tăng theo giá gas thế giới...

Tính chung quý III/2024, CPI bình quân tăng 3,48% so với quý III/2023. Trong đó, thuốc và dịch vụ y tế tăng 8,24%; hàng hóa và dịch khác tăng 6,94%; giáo dục tăng 5,4%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 4,98%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,98%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,4%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,21%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 1,24%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,15%; bưu chính, viễn thông giảm 0,74%; giao thông giảm 0,88%.

Bão số 3 khiến chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng 0,29% - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chủ trì họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2024.

Tính chung 9 tháng năm 2024, CPI tăng 3,88% so với cùng kỳ năm trước.

Ở chiều ngược lại, yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI 9 tháng năm 2024 là: Chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông chín tháng năm 2024 giảm 1,19% do giá điện thoại thế hệ cũ giảm khi các doanh nghiệp áp dụng chương trình giảm giá, kích cầu đối với các dòng điện thoại thông minh đưa ra thị trường sau một thời gian.

Lạm phát cơ bản tháng 9/2024 tăng 0,27% so với tháng trước, tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 9 tháng năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,69% so với cùng kỳ năm 2023.

Giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 27/9/2024, bình quân giá vàng thế giới ở mức 2.589,67 USD/ounce, tăng 3,77% so với tháng 8/2024. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 9/2024 tăng 1,88% so với tháng trước; tăng 22,66% so với tháng 12/2023; tăng 32,27% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 9 tháng năm 2024, chỉ số giá vàng tăng 26,27%.

Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 9/2024 giảm 1,79% so với tháng trước; tăng 1,7% so với tháng 12/2023; tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 9 tháng năm 2024 tăng 5,46%.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.