Tin tức mới nhất cơn bão số 3 (bão Wipha), thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia lúc 23h đêm 2/8 cho biết, vào đêm 2/8, bão số 3 đã đi vào khu vực Bắc Quảng Ninh.
Tại trạm Móng Cái (Quảng Ninh) đã đo được gió mạnh 17m/s (cấp 7), gió giật mạnh 23 m/s (cấp 9), ven biển Quảng Ninh- Hải Phòng đã có gió giật cấp 6- 7.
Hồi 22h ngày 2/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,6 độ Vĩ Bắc; 108,0 độ Kinh Đông trên khu vực tỉnh Quảng Ninh, cách Hải Phòng khoảng 190km, cách Nam Định khoảng 230km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Dự báo trong 12 giờ tới bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 5-10km, men theo vùng bờ biển các tỉnh Quảng Ninh- Hải Phòng và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 10h ngày 3/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 20,9 độ Vĩ Bắc; 106,7 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Hải Phòng-Nam Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 8.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, sau đó đổi hướng di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10km và suy yếu dần thành vùng áp thấp trên khu vực đất liền các tỉnh Đồng Bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).
Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8): Phía Bắc vĩ tuyến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 110,0 độ Kinh Đông.
Cảnh báo gió mạnh và sóng lớn trên biển: Ở vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải, Vân Đồn) có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Sóng biển cao từ 2-4m, biển động rất mạnh.
Dự báo mưa lớn: Từ nay đến ngày 4/8, ở Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to (tổng lượng mưa phổ biến 100-300mm/đợt, riêng khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa 200-400mm).
Khu vực Hà Nội: Từ đêm có mưa to đến rất to (tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm.
Tại Hải Phòng, theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, lúc 22h tối 2/8, theo dự báo chỉ còn khoảng hơn 1 giờ nữa bão Wipha sẽ đổ bộ vào đây nhưng tại thành phố Cảng tình hình thời tiết khá yên ắng.
Từ chiều cùng ngày, trên địa bàn thành phố thỉnh thoảng có mưa, gió nhưng gió giật không mạnh. Theo kinh nghiệm của những người dân vùng biển, trước khi bão đổ bộ sẽ lặng gió, thời tiết oi bức nhưng những diễn biến trước cơn bão số 3 không có những biểu hiện trên.
Trước đó nhằm ứng phó với cơn bão số 3, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hải Phòng đã kêu gọi 3.344 phương tiện/14.172 lao động, 465 lồng bè/1.290 lao động, 350 chòi canh/288 lao động được đưa về nơi tránh trú bão an toàn.
Bộ Chỉ huy quân sự thành phố Hải Phòng đã bố trí sẵn sàng 9.707 người và 152 phương tiện để tham gia phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn khi có lệnh.
Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 1 cũng điều động tàu SAR 411 và SAR 273 ứng trực tại vịnh Lan Hạ, Cát Bà và các cano 02, 03, 06 ứng trực tại khu vực bắc sông Cấm.
Các quận Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền đều đã có phương án di dân tại các khu tập thể cũ, nhà xung yếu.
Tại Quảng Ninh, lúc 22hh30 tối 2/8, ông Lê Văn Ánh, Bí thư thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện trên địa bàn TP Móng Cái có gió giật mạnh kèm theo mưa nặng hạt.
Tại khu vực cầu Bắc Luân đang có mưa rất to. Hiện ban lãnh đạo TP Móng Cái cùng đoàn công tác của tỉnh Quảng Ninh do Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng trực tiếp chỉ đạo, theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão để ứng phó kịp thời.
Hiện sông Ka Long nước đang dâng cao, tuyến phố đi bộ đường Trần Phú cũng đang bị ngập nặng.
Tại Cô Tô, ông Trần Như Long, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô cho biết, hiện tàu bè và người trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản trên địa bàn đã về vị trí an toàn để tránh trú bão số 3.
Khi nhận tin bão số 3 đổ bộ, trước ngày 31/7, chính quyền địa phương đã thông báo rộng rãi trên loa truyền thanh về cơn bão số 3 để du khách có kế hoạch rời đảo về trước khi cấm biển. Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn 307 khách tự nguyện ở lại, trong đó có 4 khách quốc tế. "Tất cả những khách này ở trong khách sạn, được động viên và thông báo không ra khỏi nhà trong thời gian bão”, ông Long nói.
Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác đã kiểm tra thực tế công tác phòng chống bão số 3 tại khu neo đậu, tránh trú bão khu vực biển Nhà máy đóng tàu Hạ Long, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Quảng Ninh không được chủ quan mà phải tiếp tục tập trung chống bão, trước hết là an toàn cho các tàu trên biển. Tiếp tục rà soát xem còn tàu thuyền nào trên biển hay không thì phải yêu cầu vào khu neo đậu, tránh trú.
Cần chuẩn bị kỹ phương châm 4 tại chỗ, chủ động phương tiện, thiết bị, nguồn nhân lực ứng phó nhanh, kịp thời. Đảm bảo phương án sơ tán, di dời người dân khi cần thiết. Mục tiêu cao nhất là phải đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân. "Trong trường hợp bão không đổ bộ trực tiếp vào Quảng Ninh thì vẫn có ảnh hưởng từ hoàn lưu bão gây mưa lớn, do vậy, mọi phương án ứng phó phải được chuẩn bị kỹ càng, không được chủ quan, lơ là", Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận