Chỉ đạo khẩn, quyết liệt phòng ngừa thiệt hại do bão lũ
Đến thời điểm này, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng đã có công điện khẩn về chỉ đạo công tác ứng phó với mưa bão số 9.
Các đơn vị, lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương đang gấp rút triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, di dời người dân ra khỏi vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng, thiệt hại.
Các phương tiện tàu thuyền đã bị cấm vươn khơi. Ngành GTVT các địa phương triển khai các biện pháp đảm bảo ATGT trên các tuyến đường trọng yếu.
Trong sáng và chiều 26/10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Ngãi đã có công văn yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tình hình mưa lũ để chủ động ứng phó kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Rà soát phương án, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với các tình huống, sự cố bất thường; chủ động chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Chỉ đạo kiểm tra, rà soát ngay các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi làm việc, nơi đóng quân của các đơn vị; kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt sâu để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm tràn. Kiên quyết không cho người, phương tiện đi qua những khu vực ngập sâu, nguy hiểm, nơi dễ sạt lở đất.
Hiện nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, các địa phương ven biển tiếp tục tổ chức nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi (bao gồm cả ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, hoạt động gần bờ).
Thông báo cho tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển biết diễn biến, hướng di chuyển và vị trí của bão để chủ động di chuyển vào bờ, tìm nơi trú ẩn an toàn, không đi vào phạm vi ảnh hưởng hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm; thường xuyên kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động ngoài khơi.
Các cơ quan, đơn vị thực hiện đình hoãn các cuộc họp không cần thiết, tập trung thực hiện công tác chỉ đạo phòng chống bão lũ cho đến khi bão tan. Chuẩn bị các phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đề phòng các tình huống xảy ra, đảm bảo an toàn về người, tài sản.
Theo lãnh đạo UBND TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam), ngay trong sáng nay, các địa phương ven biển, cửa sông chuẩn bị phương án sơ tán dân cư khỏi các khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu do ảnh hưởng của bão.
UBND TP. Hội An chuẩn bị phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản của nhân dân, khách du lịch ven biển, các đảo, trên các lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy hải sản. Kiên quyết không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè. Mọi công tác dự kiến sẽ hoàn thành trước 18h ngày 27/10.
"Từ chiều 26/10, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An tiếp tục triển khai chằng chống di tích kiến trúc trong khu phố cổ đang có nguy cơ sụp đổ, nhất là Chùa Cầu.
Trong sáng nay, tranh thủ thời tiết chưa biến động, chính quyền địa phương tiến hành ngay việc cung cấp lương thực thực phẩm cho xã đảo Tân Hiệp, ít nhất đảm bảo 1 tuần", ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP. Hội An cho hay.
Ông Bhling Mia, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam), thông tin, hiện nay, chính quyền các địa phương trên địa bàn Tây Giang đang tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở các vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các tuyến đường có nguy cơ sạt lở… để thực hiện các biện pháp cảnh báo, hạn chế đi lại.
Chủ động phương án thực hiện sơ tán, di dời nhân dân đến nơi an toàn đối với những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét.
Theo Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, hiện lực lượng đã chỉ đạo các đơn vị biên phòng thực hiện nghiêm công điện của cấp trên; thường trực 100% quân số và túc trực 24/24 giờ để sẵn sàng hỗ trợ, phối hợp với người dân ứng phó với bão.
Các đồn biên phòng tuyến biển cử cán bộ, chiến sĩ hướng dẫn và giúp nhân dân sắp xếp neo đậu tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn.
Đại tá Nguyễn Bá Thông, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Quảng Nam, cho biết, hiện nay, Bộ Chỉ huy cũng chỉ đạo Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm phối hợp với địa phương dự kiến vận động di dời 130 hộ dân ở trên đảo có khả năng ảnh hưởng trực tiếp của bão về nơi tránh trú an toàn.
Riêng đối với tuyến biên giới, Bộ Chỉ huy chỉ đạo các đơn vị tiếp tục thực hiện công tác đề phòng sạt lở; các đơn vị phối hợp với địa phương di dời người dân từ nơi có khả năng sạt lở đến những vị trí an toàn.
Hiện tất cả đơn vị biên phòng trên 2 tuyến đang sát cánh cùng chính quyền và nhân dân địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 9, nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra.
Đà Nẵng: Cho học sinh nghỉ học, sơ tán dân trước 15h chiều mai
Chiều 26/10, UBND TP Đà Nẵng có công điện về ứng phó bão số 9 (Molave). Theo đó, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện tạm dừng các cuộc họp, hội nghị, hội thảo,… không cần thiết để tập trung ứng phó với cơn bão số 9.
Sẵn sàng triển khai ngay phương án sơ tán các hộ dân, sinh viên, công nhân sống trong các nhà trọ, nhà tạm, nhà không kiên cố, nhà khu vực ven biển, các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, nước biển dâng do bão đến nơi an toàn. Yêu cầu các chủ phương tiện neo đậu tàu thuyền đúng nơi quy định, tổ chức kéo tàu thuyền nhỏ, thuyền thúng lên bờ hoàn thành trước 15h ngày 27/10.
"Nghiêm cấm không cho người ở lại trên lồng bè khi thiên tai, nghiêm cấm người dân, phương tiện và ghe thuyền không có nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão đi lại, đánh bắt cá trên sông, vùng trũng thấp và ngập lũ", Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu.
Đồng thời, UBND thành phố Đà Nẵng cũng yêu cầu Sở GD&ĐT cho học sinh, sinh viên và học viên nghỉ học vào chiều ngày 27/10 và cả ngày 28/10.
Đối với Sở Xây dựng, UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu tổ chức phòng, chống cho các công trình xây dựng, có biện pháp neo giữ, gia cố giàn giáo thi công, lưới bao che, hàng rào tôn; khẩn trương hạ cần trục tháp, cẩu và các thiết bị thi công trên cao, đảm bảo an toàn, hoàn thành trước 15hngày 27/10. Khẩn trương hoàn thành chằng chống và rong tỉa cây xanh đường phố, hạn chế ngã đổ…
Trong một diễn biến liên quan, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo PCTT&TKCN TP Đà Nẵng chiều cùng ngày, ông Lê Thành Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng cho biết, đến thời điểm hiện tại, Sở đã lên kế hoạch đảm bảo ATGT trước khi bão số 9 đổ bộ. Cụ thể, yêu cầu lực lượng TTGT chốt chặn ở các vị trí ngập nước. Tại các cây cầu lớn trên địa bàn thành phố, tùy theo cấp gió lực lượng chức năng sẽ thực hiện chốt chặn 2 đầu.Nếu gió đạt cấp 7 thì cấm xe mô tô và xe thô sơ. Gió cấp 10 sẽ cấm tất cả phương tiện qua cầu.
"Các tàu du lịch đã di dời vào sông Cổ Cò, còn tàu Rồng trên sông Hàn xin được neo đậu tại chỗ, Sở GTVT đã lập biên bản yêu cầu neo đậu, chèn chống đảm bảo an toàn...", ông Hưng cho hay.
Ông Lê Trung Chinh, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng yêu cầu ngay bây giờ phải có phương án cụ thể và khẳng định chúng ta bị ảnh hưởng chứ không làm kiểu tùy theo cấp gió mà triển khai. Cầu, đường nào cần cấm phải cấm ngay.
Quảng Ngãi: Cấm tất cả tàu thuyền ra biển
Ngày 26/10, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương. Đồng thời, UBND tỉnh này cũng đã phát đi Công điện hỏa tốc số 03/CĐ-UBND về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống bão số 9.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội tỉnh thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng Ngãi về việc tập trung ứng phó với thiên tai, tăng cường công tác tìm kiếm cứu nạn và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác phòng, chống, ứng phó với bão, mưa lũ lớn, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh.
Giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi, Chi cục Thủy sản, UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động (bao gồm cả phương tiện vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại) từ 20h ngày 26/10. UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng yêu cầu dừng tất cả các cuộc họp chưa cần thiết để tập trung phòng chống bão.
UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức kiểm tra, triển khai thực hiện phương án ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của cấp xã, các đơn vị trên địa bàn đã được phê duyệt. Đặc biệt lưu ý phải sẵn sàng kế hoạch và tổ chức sơ tán, di dời dân đến nơi tránh trú bão an toàn.
Kiên quyết di dời, sơ tán những hộ có nhà yếu, đơn sơ không bảo đảm an toàn, đối với trường hợp không hợp tác thì thực hiện cưỡng chế nếu cần thiết; tổ chức kiểm tra nhà, trụ sở... bảo đảm an toàn khi đưa người dân đến sơ tán.
Hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa; huy động lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai hỗ trợ người dân thực hiện, nhất là đối với những hộ chỉ có người già yếu, phụ nữ, neo đơn, khuyết tật. Hoàn thành trước 17 giờ ngày 27/10.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm hoặc quay về bờ ngay để neo đậu an toàn.
Tiếp tục theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra (nhất là đối với các tàu, thuyền còn ở trong khu vực ảnh hưởng của bão).
Lưu ý các tàu thuyền neo đậu ở các khu vực bãi ngang ven biển phải vào nơi trú tránh hoặc có biện pháp bảo vệ an toàn.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 9, sử dụng tất cả các phương tiện truyền thông hiện có (hệ thống truyền thanh địa phương, loa truyền thanh lưu động, loa tay…) để truyền tin dự báo, cảnh báo bão, hướng dẫn nhân dân di dời, sơ tán, chằng chống nhà cửa, bảo đảm người dân nắm được thông tin, chủ động phòng, chống bão.
Theo Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Ngãi, tính đến 9h30 ngày 26/10, số tàu cá của tỉnh đang hoạt động trên các vùng biển là: 275 tàu với 3.823 lao động.
Quảng Nam: Học sinh nghỉ học 2 ngày
Trước đó, sáng 26/10, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam vừa quyết định cho học sinh mầm non, tiểu học, THCS, THPT và học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nghỉ học 2 ngày (ngày 27-28/10) để phòng tránh bão số 9.
Theo thông tin dự báo, con bão số 9 đang hình thành trên Biển Đông, tiếp vào áp sát đất liền. Cơn bão số 9 có cường độ mạnh, sẽ đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh miền Trung, gây mưa lớn, làm tăng nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất trong những ngày đến.
Để chủ động ứng phó với bão số 9, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam yêu cầu lãnh đạo các cơ sở giáo dục trong tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa bão để kịp thời có phương án phòng chống hiệu quả.
Đặc biệt ờ vùng trũng thấp, những nơi có thể chịu ảnh hưởng của lũ, thủ trưởng các đơn vị cần chỉ đạo, quán triệt cho học sinh và phụ huynh, cán bộ, giáo viên đề phòng lũ quét, lũ ống, sạt lở đất... đảm bảo an toàn trong việc đi lại để tránh thiệt hại về người và tài sản có thể xảy ra.
Cũng trong sáng 26/10, UBND tỉnh Quảng Nam có công điện chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai các công tác ứng phó với cơn bão số 9.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Công an tỉnh Quảng Nam, Sở GTVT tỉnh Quảng Nam triển khai lực lượng tại các tuyến giao thông huyết mạch để hướng dẫn, phân luồng, phân tuyến các phương tiện giao thông cơ giới đi lại an toàn; nghiêm cấm các phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt các phương tiện chở người qua lại khi có bão.
Sở GTVT tỉnh Quảng Nam phối hợp với các địa phương chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư kịp thời khắc phục ngay các điểm bị sạt lở đất đá, cây cối ngã đổ trên đường bảo đảm thông tuyến, đi lại an toàn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận