Xã hội

Bão số 9: Đà Nẵng cấm người, phương tiện ra đường từ tối 27/10

26/10/2020, 19:02

Bí thư Đà Nẵng đề nghị Chủ tịch UBND thành phố ban hành lệnh cấm người, phương tiện ra đường từ tối 27/10 để phòng, chống bão số 9.

img
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đề nghị cấm người và phương tiện ra đường từ tối 27/10 để phòng, chống bão số 9

Không được tự ý triển khai cứu hộ khi chưa có lệnh

Chiều 26/10, Ban chỉ huy PCTT&TKCN TP Đà Nẵng họp bàn phương án phòng, chống bão số 9 (Molave). Tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng yêu cầu tất cả các sở, ngành vào cuộc phòng, chống bão hiệu quả.

Theo Bí thư Đà Nẵng, đây là cơn bão rất mạnh và hướng di chuyển rất phức tạp, thành phố vừa phải chống gió, vừa phải chống lũ. Ông Quảng yêu cầu các đơn vị vạch ra kế hoạch cụ thể, chi tiết phòng, chống bão số 9. Đồng thời đề nghị UBND thành phố giao trách nhiệm cho người đứng đầu các địa phương, nếu xảy ra sơ suất trong phòng, chống bão.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ chiều tối ngày 27/10, bão số 9 sẽ gây mưa to đến rất to, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Vùng gần tâm bão sức gió mạnh nhất cấp 12-13 (115-150 km/giờ), giật cấp 15, sóng biển cao từ 8-10 m, biển động dữ dội.

"Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống trước khi bão số 9 đổ bộ. Các tổ chức, đoàn thể đều phải tham gia chứ không được “khoán trắng” cho các đơn vị chuyên trách", ông Quảng nói.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng yêu cầu từ cấp thành phố đến quận, huyện, phường xã phải thành lập các tổ để tiến hành kiểm tra việc triển khai phòng, chống bão. Lưu ý kiểm tra nơi an toàn của nơi sơ tán dân, chọn nơi sơ tán dân thì nơi đó phải đảm bảo chống gió, chống lũ. Các công trình đang thi công thì phải kiểm tra kỹ, không để người dân tập trung vào các khu vực lán trại, nhất là nơi công nhân đang thi công, nguy cơ mất an toàn rất cao.

"Đề nghị Chủ tịch UBND thành phố ban hành thông báo về việc cấm người dân và các phương tiện không được lưu thông trên đường từ chiều tối 27/10, trừ người và phương tiện đang làm nhiệm vụ. Thời điểm này cấm để đảm bảo cho người dân chứ không phải hạn chế quyền công dân", ông Quảng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Quảng cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương lập danh sách lực lượng tổ chức ứng trực, lực lượng cứu hộ, cứu nạn (CHCN) ở các địa phương và tổ chức đầu mối để khi xảy ra tình huống thì kịp thời chỉ đạo.

img
Người dân chèn chống nhà cửa trước giờ bão số 9 đổ bộ

"Phải có biện pháp đảm bảo an toàn cho lực lượng CHCN. Các lực lượng không tự ý triển khai cứu hộ cứu nạn khi chưa có lệnh. Đi cứu một người mà thiệt hại 2-3 người thì không phải mục tiêu của chúng ta", ông Quảng nói.

Sẵn sàng sơ tán hơn 140 nghìn dân

Thông tin tại cuộc họp cho hay, đến thời điểm hiện tại, các địa phương đã rà soát, lên danh sách và lập kế hoạch sơ tán dân theo phương án đã được Chủ tịch UBND quận, huyện duyệt. Dự kiến số lượng sơ tán đối với kịch bản bão gió cấp 8-11: Tổng số hộ sơ tán là 19.215 với tổng số người 72.136. Đối với kịch bản bão gió cấp 12-13: Tổng số hộ sơ tán là 35.229 với tổng số người 140.868.

Ngoài ra, Ban chỉ huy PCTT&TKCN TP Đà Nẵng cho hay, thành phố ưu tiên sơ tán tại chỗ, đến các nhà kiên cố, an toàn, gần nhất trong khu vực. Sơ tán tập trung tại các địa điểm đã được quận, huyện lựa chọn và được Sở Xây dựng thẩm định.

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đề nghị Văn phòng UBND TP Đà Nẵng trong ngày 27/10 phải tổ chức họp với Ban quản lý tòa nhà Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng, đây là trung tâm chỉ huy của TP Đà Nẵng, nên phải kiểm tra chặt chẽ, kiểm tra toàn bộ các tầng và có phương án phòng, chống để đảm bảo an toàn.

Chiều cùng ngày, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng có công điện gửi các cơ quan, đơn vị triển khai biện pháp ứng phó bão số 9 Molave. Trong đó, yêu cầu các quận, huyện sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân đến nơi an toàn, chằng chống nhà cửa, cây xanh, neo đậu lồng bè nuôi trồng thủy sản và đưa người ra khỏi khu vực trước 15h ngày 27/10.

Các lực lượng chức năng kiên quyết nghiêm cấm người dân, phương tiện và ghe thuyền không có nhiệm vụ phòng chống lụt bão đi lại đánh bắt cá trên sông, vùng trũng thấp và ngập lũ. Tổ chức lực lượng canh gác, chốt chặn tại các khu vực ngập sâu, ngầm, cầu tràn qua suối, nhất là khi có nước chảy xiết...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.