Huy động trăm nghìn chiến sĩ, phương tiện chống bão
Chiều 27/10, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo tiền phương phòng, chống bão số 9 (Movale) đã tổ chức cuộc họp khẩn tại Đà Nẵng, đánh giá ảnh hưởng và đề ra các phương án phòng, chống bão.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, lúc 13h chiều 27/10, bão số 9 cách đất liền 440km, khoảng hơn 10 tiếng nữa sẽ đổ bộ đất liền. Sức gió mạnh nhất cấp 14 và giật 17. Bão rất mạnh và suy yếu chậm. Theo dự báo, khi tâm bão ở khu vực Tây Nguyên, sức gió vẫn đạt cấp 7 - 8.
“Đây là cơn bão mạnh nhất trên biển từ 10-20 năm qua, mạnh hơn nhiều so với bão Damrey 2017 và có thể mạnh hơn với bão Xangsane năm 2006”, đại diện Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho hay.
Theo ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, thành phố dự kiến sơ tán từ 35.000 - 140.000 dân tùy cấp độ bão. Tàu thuyền đã được yêu cầu neo đậu, nghiêm cấm ngư dân ở lại trên tàu. Thành phố cũng đã ra nghiêm lệnh không cho người dân ra ngoài từ 20h tối cùng ngày.
Trong khi đó, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tình Quảng Nam cho hay, hiện tại các hồ thủy lợi, mực nước các trạm dưới báo động 1. Các thuỷ điện đã vận hành đưa nước xuống mức thấp nhất để đón lũ. Các thủy điện có thể vận hành đảm bảo an toàn cho hạ du trong đợt này.
Thiếu tướng Doãn Thái Đức, Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu) cho biết, hiện Quân khu 5 đã huy động 66.121 người và 1.716 phương tiện gồm: Tàu lớn, xuồng, trực thăng, ô tô các loại. Quân chủng hàng không có 1.215 người và 121 phương tiện các loại. Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng 3.654 với 185 phương tiện. Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển là 386 người, 16 phương tiện và 602 xuồng các loại. Quân chủng Phòng không - không quân huy động 1.450 lượt người.
Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải Việt Nam huy động 130 người, 7 phương tiện. Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu miền Trung có 52 người và 2 phương tiện.
"Trong trường hợp cần thiết sẽ huy động thêm lực lượng của Quân khu 7 và Quân đoàn 3 (Quân khu 5) các lực lượng của Quân chủng Hải quân, Tổng cục Hậu cần… Bộ Quốc phòng cũng đã cử 2 đoàn công tác vào Khánh Hòa, Quảng Nam để nắm bắt tình hình", Thiếu tướng Đức nói.
Không lơ là, chủ quan
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT kiêm Phó trưởng Ban chỉ đạo tiền phương cho biết, bão số 9 xuất phát điểm hình thành vùng đông Philippines nên không ma sát trong đất nước này. Không có vật cản nên bão đi cực nhanh. Đợt này không có không khí lạnh và khô nên không triệt tiêu được bão.
“Sáng 28/10 bão sẽ đổ bộ, với tính chất cơn bão lịch sư phải cố gắng rà soát nhằm đảm bảo an toàn không chủ quan”, ông Cường nói.
Theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, đây là cơn bão rất nguy hiểm, thời gian không còn nhiều nên phải tập trung ứng phó. Đề nghị các địa phương hết sức chủ động với phương châm 4 tại chỗ. Đảm bảo an toàn trên biển, tiếp tục rà soát tàu huyền cho ra khỏi khu vực nguy hiểm, đưa về nơi tranh trú.
"Các địa phương phải gấp rút sơ tán người dân ra khỏi cơ sở sản xuất ven biển, tập trung sơ tán ở các đảo. Không được để người dân nào trên các lồng bè. Bảo vệ các công tình hạ tầng, nhất là hệ thống truyền tải điện qua khu vực ảnh hưởng do bão. Bảo vệ lương thực, thực phẩm, các khu vực sản xuất dịch vụ, bảo vệ những nhà máy, KCN. Đồng thời cấm người dân đi lại ra ngoài khi bão vào nhất là khách du lịch", Phó thủ tướng nói.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu bảo vệ an toàn hồ đập, đê điều nhất là ở Quảng Nam. Hồ đập không quản lý tốt là rất nguy hiểm. Phải kiểm tra vận hành an toàn hồ chưa, không để nước quá mức phải xả tràn. Cố gắng, tất nhiên xả vẫn phải làm.
"Bộ Quốc phòng và Quân khu 4, Quân khu 5 và các đơn vị quân đoàn đóng chân trên địa bàn tập trung bố trí lực lượng. Khi cần thiết phải đề nghị Quân khu 3 hỗ trợ phía Bắc, Quân khu 7 hỗ trợ ở phí Nam. Đặc biệt là hỗ trợ xuồng nhỏ vào cứu người dân", Phó thủ tướng chỉ đạo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận