Gian trưng bày triển lãm ảnh nghệ thuật “Tháng ba mùa hoa gạo”vắng bóng khách - Ảnh: Văn Huế |
Bảo tàng Hà Nội xây dựng trên khu đất rộng gần 54.000 m2, nhìn ra đại lộ Thăng Long, với tổng kinh phí 2.300 tỷ đồng, khánh thành vào năm 2010. Tuy nhiên sau 7 năm, đến nay bảo tàng vẫn đang... trưng bày tạm.
Cỏ mọc bao phủ lối đi, khách tham quan thưa thớt
Nằm ngay sát mặt đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, gần với Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Bảo tàng Hà Nội có một hệ thống kiến trúc đậm chất nghệ thuật. Thậm chí, năm 2016, tờ Business Insider đã chọn ra danh sách những bảo tàng có kiến trúc đẹp nhất thế giới, trong đó có Bảo tàng Hà Nội của Việt Nam.
Là công trình chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (2010), Bảo tàng Hà Nội được xây dựng trên tổng diện tích khoảng 54.000m2, cao 30,7m. Công trình gồm 4 tầng nổi và 2 tầng hầm, diện tích xây dựng xấp xỉ 12.000m2, diện tích sàn hơn 30.000m2 (kể cả tầng hầm và tầng mái). Bảo tàng đã được khánh thành vào ngày 6/10/2010. Ước tính có 50.000 hiện vật được trưng bày tại đây.
Theo số liệu thống kê của Bảo tàng Hà Nội, năm 2015, bảo tàng đón 79.235 khách tham quan tự do và 12.064 khách nước ngoài; Năm 2016, bảo tàng đón 89.399 khách tham quan tự do và 21.561 khách nước ngoài; từ đầu năm 2017 đến nay, bảo tàng đã đón được 27.080 khách tự do đến tham quan và 13.353 khách nước ngoài với tổng số 40.433 khách tham quan bằng 36,4% năm 2016. |
Tới thăm Bảo tàng Hà Nội những ngày đầu tháng 7, PV Báo Giao thông ghi nhận Bảo tàng Hà Nội có vị trí và không gian rất đẹp, thuận tiện giao thông đi lại. Tuy nhiên, nhiều lần có mặt tại đây, chúng tôi chứng kiến cảnh vắng vẻ đến lạ thường. Ngay từ ngoài đường Phạm Hùng vào cổng chính, du khách dễ dàng bắt gặp ngay lối vào là phòng triển lãm ảnh nghệ thuật “Tháng ba mùa hoa gạo”, với vài cái xích lô cũ, bên trong nhiều ảnh trưng bày nhưng không có một ai lai vãng.
Ngay trong sáng 4/7, là ngày Bảo tàng Hà Nội mở cửa đón khách nhưng cũng chỉ có lác đác vài em học sinh đến đây tham quan. Một bảo vệ cho hay, bảo tàng mở cửa từ thứ ba đến chủ nhật hàng tuần. “Những ngày mới mở thì rất đông, thậm chí khách các tỉnh và du khách nước ngoài đến tham quan tại bảo tàng phải xếp hàng dài xuống tận sân. Tuy nhiên, thời gian gần đây rất ít người đến, cuối tuần thì có khách Trung Quốc, Hàn Quốc đến tham quan nhưng cũng chỉ lác đác”, người bảo vệ cho biết.
Tiếp xúc với PV, chị Nguyễn Thị Nguyệt, quê ở Thanh Hóa - một khách tham quan hiếm hoi trong ngày 5/7 chia sẻ: “Tôi đưa con lên Hà Nội chơi trong dịp nghỉ hè, cháu cứ ao ước đến tham quan Bảo tàng Hà Nội, sáng tranh thủ cho cháu đến tham quan nhưng thấy vắng quá. Tuy không phải mua vé nhưng một số phòng để đồ vật, tranh ảnh có những chỗ rất tối. Có rất nhiều hiện vật quý được trưng bày, nhưng có một số hiện vật lại không có chú thích rõ ràng, nên khi xem thì không biết đó là hiện vật gì và thuộc niên đại nào”.
Trong khi đó, theo một chuyên gia bảo tàng, Bảo tàng Hà Nội hiện “chỉ có vỏ mà không có ruột” khi có cả cái nhà đồ sộ để trưng bày nhưng lại thiếu chương trình sưu tập hiện vật từ trước đó. Nhiều hiện vật trưng bày ở bảo tàng chỉ là sự tập hợp từ các cá nhân, doanh nghiệp, giống như gian trưng bày đồ cổ và phân loại ra. Có lẽ điều này khiến từ khi mở cửa đến nay, khách đến thăm quan vẫn rất vắng vẻ.
Bảo tàng Hà Nội được xây dựng bề thế, luôn rộng cửa đón khách nhưng vẫn vắng vẻ, đìu hiu - Ảnh: K.Linh |
7 năm khánh thành vẫn trưng bày tạm
Điều đáng nói nữa Bảo tàng Hà Nội đã khánh thành 7 năm qua, mặc dù có trang web từ 2013 nhằm giới thiệu thông tin, quảng bá hình ảnh nhưng chưa hiệu quả, thu hút khách tham quan.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, bà Nguyễn Thị Hồng Điệp, phụ trách truyền thông, Phòng Giáo dục, Công chúng và tuyên truyền Bảo tàng Hà Nội cho biết, đến nay, Bảo tàng Hà Nội vẫn đang hoàn thiện dự án trưng bày bên trong. Theo văn bản của UBND thành phố thì đến tháng 10/2019, Bảo tàng Hà Nội mới chính thức đi vào hoạt động.
“Hiện nay, Bảo tàng Hà Nội mới chỉ là trưng bày tạm”, bà Điệp nói. Cũng theo bà Điệp, từ năm 2010 đến nay khách đến tham quan Bảo tàng Hà Nội hoàn toàn được miễn phí, đến năm 2019 khi bảo tàng chính thức đi vào hoạt động mới thu vé. “Thực tế, hiện nay bảo tàng cũng chưa có nhiều hoạt động quảng bá, ngoài hoạt động giáo dục, vì đang trong quá trình hoàn thiện công tác trưng bày”, bà Điệp cho hay.
Về vấn đề gian trưng bày thiếu ánh sáng, bà Điệp nói, thực tế quá trình sử dụng lâu năm có một số bóng đèn của bảo tàng bị cháy và để thay thế được loại bóng này là nhập khẩu từ Đức. Theo đó, để mua được một bóng đèn này thì chi phí rất cao, vì thế hàng ngày, tuần, tháng kiểm tra thống kê báo cáo lãnh đạo để có kế hoạch đặt bên Đức mua chuyển về nên rất khó khăn.
Lý giải về hoạt động trưng bày mất tới 9 năm mới hoàn thiện sẽ rất lãng phí, bà Điệp giải lý giải: “Đầu tiên chủ dự án bảo tàng là Sở Xây dựng, sau khi quá trình thi công chuyển về Sở Văn hóa - Thể thao. Chính vì vậy, đã làm chậm tiến độ ở nhiều khâu, từ nội dung thiết kế cho đến cả thủ tục thanh toán. Có thể nói, bảo tàng Hà Nội có không gian rất đẹp, dễ thu hút khách nhưng nhiệm vụ chính trị chưa hoàn thành, chưa xong phần không gian trưng bày thì không thể đẩy mạnh các hoạt động khác được, đó cũng là lý do chưa có nhiều du khách đến với bảo tàng như thời gian qua”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận