Du khách sử dụng dịch vụ thuyết minh tự động tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Ảnh: VM |
Chủ động khám phá di tích, di sản
Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám vừa ra mắt hệ thống thuyết minh tự động (Audio Guide) sau gần hai năm triển khai. Hệ thống này có 8 ngôn ngữ gồm: Việt, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc. Theo đó, khách có thể chọn thiết bị thuyết minh được cài đặt sẵn nội dung với giá thí điểm 30 - 50 nghìn đồng/thiết bị ở quầy vé.
Thiết bị này được nối vào tai nghe và hoạt động dựa theo bộ định vị được cài sẵn ở các địa điểm cần thuyết minh. Khách sẽ nhận thêm tờ hướng dẫn kèm 14 điểm cần thuyết minh từ khu nhập đạo, vườn bia Tiến sĩ, Đại thành, khu Thái học. Kết thúc quá trình tham quan, khách có thể trả lại thiết bị tại cửa ra.
"Việc triển khai ứng dụng thuyết minh trên điện thoại thông minh tại Hoàng Thành Thăng Long còn có ưu điểm nổi bật khác là góp phần quảng bá rộng rãi các giá trị văn hóa, lịch sử của khu di sản. Người dùng còn dễ dàng chia sẻ những nội dung về các điểm dừng chân hấp dẫn trong Hoàng Thành, điều đó góp phần quảng bá du lịch, khiến du khách tò mò và mong muốn đến với khu di sản. Đây là công cụ hữu hiệu cho việc truyền thông quảng bá, phát triển du lịch”. Bà Nguyễn Thị Yến |
Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội cũng vừa chính thức áp dụng phần mềm thuyết minh tự động miễn phí trên ứng dụng di động mang tên “Hoàng thành Thăng Long”. Ứng dụng cho phép người dùng tải miễn phí từ kho ứng dụng App Store và có thể khám phá Hoàng Thành Thăng Long với nội dung thuyết minh được thể hiện dưới 3 hình thức: Văn bản, hình ảnh và video. Ứng dụng này có nhiều ưu điểm, khắc phục được những hạn chế của loại hình Audio Guide khi kinh phí không quá lớn, du khách có thể tìm hiểu trước.
Ngoài ra, du khách cũng có thể nắm bắt được những thông tin về thời gian mở cửa, địa điểm tham quan, giá vé… từ ứng dụng này. Họ cũng có thể gửi phản hồi về điểm đến ngay trên ứng dụng để ban quản lý có cơ sở hoạch định những chính sách mới, giúp sản phẩm du lịch ngày một hấp dẫn hơn.Hiện tại, ứng dụng có 3 ngôn ngữ: tiếng Việt, Anh và Nhật. Dự kiến, trong thời gian tới, ứng dụng sẽ cập nhật thêm 2 ngôn ngữ tiếng Pháp và tiếng Trung.
Có thể nói, việc ứng dụng công nghệ thông minh vào du lịch mang tới nhiều lợi ích nhất định. Đó là một công cụ hướng dẫn thuyết minh tại chỗ cho khách tham quan, đặc biệt tiện lợi cho những khách đi nhóm nhỏ hoặc đi lẻ. Theo ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đây là lần đầu tiên khu Văn Miếu có một bản thuyết minh tương đối chuẩn hóa, có nội dung dựa trên những cơ sở khoa học, được lấy ý kiến của các chuyên gia cả về văn hóa, sử học, bảo tàng.
“Từ khi áp dụng tới nay, lượng khách sử dụng khá đều và tương đối ổn định. Đặc biệt, có rất nhiều khách Việt sử dụng. Đây là tín hiệu rất tốt vì khi áp dụng, chúng tôi hướng tới cho khách nước ngoài là chính. Nguồn kinh phí thực hiện là xã hội hóa, các thiết bị được nhập từ Canada tương đối tốn kém nên công tác quản lý phải hết sức chặt chẽ, tránh những tình huống hãn hữu như mất đồ”, ông Kiêu chia sẻ và cho biết thêm, trong tháng 3, trung tâm sẽ cập nhật thêm 4 ngôn ngữ nữa và dự kiến sẽ triển khai dự án tích hợp với điện thoại thông minh.
Nâng cao, phát triển du lịch
Được biết, hiện tại, nhiều di tích, bảo tàng đang tiến hành thực hiện mô hình thuyết minh tự động như: Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật… Trước đó, có một số bảo tàng cũng thí nghiệm áp dụng hệ thống này như Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và đều có những hiệu quả tích cực cho những du khách muốn tự mình khám phá di sản.
“Trước kia, những thuyết minh mang tính tự phát, bây giờ có một bản chuẩn được xây dựng cẩn thận. Điều này đối với du lịch rất quan trọng khi hiện nay, một số đơn vị lữ hành có hướng dẫn viên nhưng tại những điểm đặc biệt, thông tin của họ có thể chưa chuẩn”, ông Kiêu đánh giá.
Đồng quan điểm, Bà Nguyễn Thị Yến, Trưởng phòng Hướng dẫn thuyết minh, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cho rằng, các bảo tàng và khu di tích không thể đứng ngoài cuộc cách mạng công nghệ số, kể cả trong công tác truyền thông quảng bá. Bởi lẽ trên thế giới, nhiều nước đã ứng dụng công nghệ để quảng bá di sản, phục vụ du khách, nâng cao chất lượng phục vụ ngày càng chuyên nghiệp.
Bà Yến cho biết thêm, việc áp dụng công nghệ số mang tới nhiều thuận lợi cho du lịch. Với khách quốc tế, lượng hướng dẫn viên không đáp ứng đủ nhu cầu của khách thì ứng dụng sẽ hỗ trợ rất nhiều, tính tiện ích cao, nhất là những ngôn ngữ hiếm. Còn với những khách đoàn vẫn đăng ký thuyết minh tại điểm vì điều này có ưu thế hơn, người thật việc thật và đó là trải nghiệm nhiều cảm xúc hơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận