Thời sự

Bảo tàng tư nhân và những hiện vật rợn người

30/04/2014, 09:49

Nhiều năm sưu tầm, bảo tàng chiến sỹ bị địch bắt tù đầy của các cựu binh đã có hơn 2.000 hiện vật. Nhưng thật tiếc chỉ có một phần rất nhỏ được trưng bày, khiến du khách đến ...

Ông Uỵch kể lại những lần bị giam cùm trong chuồng cọp ở nhà tù Phú Quốc
Ông Uỵch kể lại những lần bị giam cùm trong chuồng cọp ở nhà tù Phú Quốc


Năm tháng không quên


Câu hỏi đầu tiên mà tôi đặt ra cho ông Lâm Văn Bảng - Giám đốc Bảo tàng bị địch bắt tù đày, là lý do nào khiến ông quyết định lập bảo tàng này? Ông chậm rãi kể, từ hồi còn là công nhân giao thông ở huyện Phú Xuyên, thấy mọi người cứ chăm chú quan sát quả bom được đưa lên cao, ông nghĩ những hiện vật như thế sẽ không thể chỉ là vô tri vô giác, mà sẽ là bằng chứng để mọi người hiểu hơn về ý chí cách mạng kiên trung của những người lính Cụ Hồ. Thế nên ông quyết định lập bảo tàng này. Toàn bộ khuôn viên hơn 2.000m2 của gia đình ở thôn Nam Triều, Nam Phong, Phú Xuyên, Hà Nội được ông làm phòng trưng bày với 8 khu. Mỗi khu là một chủ đề riêng biệt để vạch trần tội ác của Mỹ, Ngụy đối với các chiến sỹ bị bắt và bị đưa ra tù đày ở đảo Phú Quốc và Côn Đảo.
 

Bất giác ông Uỵch đọc cho tôi nghe câu thơ: “Trong khu này có hồn của bạn tôi/Hiện vật đây thắm đượm máu xương rơi/Bao đồng đội nơi đảo tù Phú Quốc”.

Giờ bảo tàng thường xuyên có 15 cựu chiến binh thay phiên nhau túc trực, trông giữ, bảo vệ hiện vật và mở cửa đón khách tham quan. Trong đó có 10 thành viên đã từng bị bắt và tù đày ở Phú Quốc. Các thành viên đến với bảo tàng hoàn toàn tự nguyện, ngày nắng hay mưa vẫn đạp xe đến trông nom bảo tàng. Hôm chúng tôi đến, các cựu chiến binh đang tìm cách chống thấm dột, nước mưa hắt tại khu trưng bày số 6. Đây là khu mới được xây dựng trưng bày các hình thức tra tấn hết sức dã man không khác gì thời trung cổ của cai ngục đối với các chiến sỹ bị tù. Những hiện vật, nhân chứng như sống lại tố cáo tội ác của ngụy quyền Sài Gòn, khiến người xem đi từ cảm xúc này đến cảm xúc khác. 

Đây là bức ảnh chiến sỹ Cát ở Từ Liêm, Hà Nội bị tên cai ngục Nhu tuốt 10 đầu móng tay. Chiến sỹ Khổng Minh Liệu ở Tân Hồng, Ba Vì bị địch đóng đinh vào chân. Chiến sỹ Lê Văn Hùng bị địch dìm vào phi nước và lấy búa gõ vào thành phi cho nhức óc. Kia là những bức ảnh chụp lại hình ảnh các tù binh bị cai ngục mổ bụng, moi gan, treo ngược trên cành cây cho dốc máu đến chết. Và hình ảnh nhiều chiến sỹ cách mạng khác bị cho vào thùng phi rồi bị dội nước sôi ngập đầu, hình ảnh chiến sỹ dùng dao tự rạch bụng để thể hiện ý chí kiên trung với cách mạng cũng được các cán bộ ở bảo tàng này phục dựng rất công phu.


Cũng ở gian trưng bày này, có nhiều hiện vật quý như hồ sơ chiến sỹ cách mạng bị tù đày từ những năm 1954 - 1973, hay lời thú tội của tên cai ngục Trần Văn Nhu, thẻ căn cước của các tù binh, hay viên đá được bọn cai ngục dùng để đập đầu tù binh cho tới chết cũng được lưu giữ rất cẩn thận... Đây là những hiện vật rất quý giá mà phải mất rất nhiều công sức các cựu binh ở đây mới sưu tập được.

“Khu trưng bày có hồn của bạn tôi”


Trong số 8 khu trưng bày, tôi ấn tượng nhất là khu ngoài trời với những chuồng cọp thấp chỉ vừa đúng một người nằm, ngồi lom khom. Chuồng cọp được tái hiện chân thực bằng dây thép gai và có hình nộm người bị nhốt bên trong. Ông Kiều Văn Uỵch - Phó Giám đốc bảo tàng dẫn chúng tôi ra khu trưng bày mà nước mắt rưng rưng. Vì chính ông cũng đã từng nằm trong chuồng cọp này cách đây hơn 40 năm. Và giờ đây, ông tái hiện chính mình, tái hiện những ngày tháng gian khổ, qua bao nhiêu hình thức tra tấn dã man nhưng vẫn một lòng kiên trung.


Ông nhớ lại cái ngày bị bắt và bị đưa vào trại giam Phú Quốc. Nhiều lần chống đối lệnh của những tên cai ngục nên ông bị nhốt vào chuồng cọp bằng thép gai, thấp lè tè ngồi không được, nằm không xong, duỗi chân chạm gai nhọn. “Mỗi đợt bị giam trong chuồng cọp khoảng từ 10 - 15 ngày. Rất nhiều chiến sỹ đã hy sinh. Để các chiến sỹ sau đỡ bị gai nhọn đâm vào da thịt, nên hễ ai bị nhốt trong chuồng cọp đều cố gắng bẻ đầu gai cho bớt sắc nhọn. Lâu ngày, các đầu nhọn ít dần nên chiến sỹ đỡ gian khổ hơn nhiều” - ông Uỵch nhớ lại.


Chuồng cọp ở đảo tù Phú Quốc đều được để ngoài trời mưa nắng cháy rát. Ban đêm, bọn cai ngục dội nước ớt bột, nước xà phòng vào tù binh nhốt trong chuồng cọp để hòng tiêu hao sức khỏe, ý chí chiến đấu của các chiến sỹ cách mạng. Thế nhưng không một ai nản lòng.


Có lẽ vì thế mà tại khu trưng bày này được các cựu chiến binh bố trí dưới tán cây Bồ Đề xanh mát, yên tĩnh như một phần bù đắp lại những tháng ngày các chiến sỹ bị đọa đày trong chuồng cọp. 

Những điều trăn trở


Năm 2006, Bảo tàng Các chiến sỹ bị địch bắt tù đày đã được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) cấp phép. Cũng từ đấy, nhiều người biết đến bảo tàng này và về thăm. Đến nay, mỗi năm có hàng vạn lượt khách đến thăm bảo tàng. Có hôm khách đến đông quá, bảo tàng phải mở cửa đến 9h tối.


Ông Bảng tâm sự, điều làm ông trăn trở nhất bây giờ là không đủ chỗ trưng bày hết hơn 2.000 hiện vật, bởi diện tích trưng bày của bảo tàng rất nhỏ và xuống cấp. “Tôi mong muốn toàn bộ hiện vật sẽ được trưng bày hết để bất cứ ai đến thăm bảo tàng cũng đều cảm nhận được hết những tháng ngày gian khổ, đọa đày của những cựu tù như chúng tôi ở nhà tù Côn Đảo và Phú Quốc. “Hãy để hiện vật lên tiếng!” - Ông Bảng nói.


Tôi có ý hỏi ông về tương lai của bảo tàng khi các ông không còn đủ sức khỏe nữa, ông Bảng cười cho biết: “Đã có dự định sẽ chuyển giao toàn bộ lại cho thế hệ tiếp sau duy trì bảo tàng này. Hiện tại con trai cả của ông đang là Thạc sỹ chuyên ngành văn hóa nên đã sẵn sàng tiếp nhận”.

Thiện Anh

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.