Đường đi của bão Tembin |
Trước diễn biến phức tạp của bão Tembin gần Biển Đông, sáng 23/12, Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai tổ chức hội nghị trực tuyến ứng phó với bão Tembin.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, nhận định đây là cơn bão mạnh đổ bộ vào Nam Bộ, một số địa phương còn chủ quan, kinh nghiệm ứng phó hạn chế.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Hoài, tập quán sinh sống, điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng đang là những bất lợi khi bão đổ bộ. Khu vực Nam Bộ hiện có 29 điểm sạt lở khu dân cư tập trung ven biển với chiều dài 121 km, các tuyến đê biển từ Quảng Ngãi đến Cà Mau mới chỉ được thiết kế đảm bảo an toàn với bão cấp 9.
Tại hội nghị, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, dự kiến đêm nay, rạng sáng mai bão Tembin sẽ đi vào biển Đông, trở thành cơn bão số 16, bão di chuyển chủ yếu theo phía Tây với tốc độ 20-25km/h.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tại cuộc họp. (Ảnh: zing.vn) |
Cũng theo ông Cường, các trung tâm khí tượng của Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hong Kong đều nhận định sau khi đi vào biển Đông, bão số 16 sẽ liên tục mạnh thêm, cao nhất khi vào đến phía Tây đảo Trường Sa có thể đạt cấp 11-12, giật cấp 15, hướng vào Nam Bộ, ảnh hưởng trực tiếp Bà Rịa Vũng Tàu - Cà Mau vào đêm 25, rạng sáng 26/12.
Tuy nhiên do hoàn lưu bão lệch về phía Bắc và phía Tây nên vùng có gió lớn có thể mở rộng đến Bắc Bình Thuận.
Ông Cường cho biết thêm, dù đêm nay có không khí lạnh bổ sung nhưng cường độ yếu nên khó tác động đến quỹ đạo và cường độ bão.
“Khi vào bờ, bão có thể giảm nhẹ cấp nhưng thời gian từ đảo Trường Sa vào đến đất liền chưa đến 1 ngày nên tốc độ yếu đi chưa rõ ràng. Do đó cần ứng phó với phương án bão đổ bộ cấp 10-11, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4”, ông Cường nói.
Thậm chí, nếu bão vẫn giữ nguyên cấp 12, giật cấp 15 khi đổ bộ thì lần đầu tiên phải nâng cấp độ rủi ro lên cấp 5 - cấp thảm họa.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các địa phương tập trung ứng phó với bão Tembin, ngưng các cuộc họp không cần thiết. Tổng rà soát các phương án, kịch bản trước, trong và sau khi cơn bão đổ bộ. Kiên quyết di dời người dân đến nơi an toàn, đảm bảo tài sản của người dân, tránh xảy ra rủi ro đáng tiếc.
“Sẵn sàng hành động, chuẩn bị đối phó với thiên tai cấp độ 5, cấp thảm họa”, ông Cường nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận