Ngày 27/9, liên quan đến vấn đề bảo tồn biệt thự cổ trăm tuổi ven sông Đồng Nai, chia sẻ với Báo Giao thông, ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết Tỉnh ủy đã chỉ đạo nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị của biệt thự cổ.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, địa phương đã nghĩ đến một số phương án. Thứ nhất, sẽ nghiên cứu, khảo sát xem xét nắn tuyến hay bóp vỉa hè có hợp lý hay không.
Thứ hai, hướng đến việc triển khai đường đi vòng quanh như Nhà thờ Đức Bà tại TP.HCM.
Thứ ba, đang có nhiều ý kiến đề xuất dời lùi biệt thự vào trong.
"Các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục mổ xẻ, tìm phương án phù hợp để bảo tồn biệt thự cổ", ông Đức cho hay.
Trong khi đó, theo Sở GTVT Đồng Nai, tuyến đường ven sông hiện đã triển khai, do đó muốn đưa ra phương án bảo tồn biệt thự cổ có thể phải nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch.
Tuy nhiên, cần có đơn vị tư vấn giám sát, khảo sát hiện trạng thực tế để tính toán đưa ra phương án phù hợp.
Còn lãnh đạo thành phố Biên Hòa cho biết, thành phố đã chỉ đạo đơn vị thi công tạm thời dừng thi công tại vị trí trước nhà cổ để chờ quyết định về phương án từ tỉnh.
"Công nhân sẽ thi công ở những nơi khác trước để đảm bảo tiến độ của đường ven sông", lãnh đạo thành phố nói.
Về vấn đề này, Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho biết, thời gian qua, ông cũng quan tâm đến việc bảo tồn biệt thự cổ.
Theo ông, tỉnh Đồng Nai nên mua lại căn biệt thự cổ trên để dễ dàng hơn trong công tác tu sửa, bảo tồn, giữ gìn, phát triển.
Để phát huy giá trị biệt thự cổ, cần phải quy hoạch lại khu vực. Bởi vì ở đây không chỉ đơn giản là giữ lại ngôi nhà cổ và nắn đường mà biệt thự này có thể trở thành điểm đến hấp dẫn của tỉnh Đồng Nai.
Cần quy hoạch lại không gian, cảnh quan, biến nhà cổ thành công trình công cộng, làm bảo tàng, nhà cộng đồng, nhà triển lãm… Nhưng như vậy cần nghiên cứu thêm về bãi xe, bến thuyền… để thu hút khách du lịch từ các nơi đổ về.
Tuyến đường ven sông rất có ý nghĩa, đó một điểm nổi bật của đô thị Biên Hòa. Tuy nhiên trên tuyến vẫn chưa có điểm nhấn thì phải biến ngôi biệt thự cổ thành điểm nhấn đặc biệt.
Có thể tỉnh nên tổ chức cuộc thi thiết kế, đề xuất phương án chỉnh trang khu vực này. Giúp thu hút người Biên Hòa, người Đồng Nai đến tham quan mà các nơi khác như TP.HCM, Bình Dương… cũng tìm đến.
"Phát triển được du lịch đường sông, kết nối Biên Hòa và TP.HCM về giao thông thủy sẽ là rất tốt", ông Sơn nói.
Tiến sĩ khoa học, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho hay, qua nghiên cứu, ông nhận thấy khu vực này dư không gian để nắn đường, không ảnh hưởng gì.
Nhưng việc nắn đường sẽ phải tận dụng được các không gian khác và phải có quy hoạch tổng thể để tạo nên một không gian lớn bao gồm đường, nhà, không gian xanh, bến thuyền, cảnh quan.
"Tôi đánh giá biệt thự cổ rất có tiềm năng, đẹp, mang giá trị văn hóa. Nếu đầu tư, bảo tồn đúng cách sẽ tạo nên cảnh quan xứng tầm cho khu vực này", ông Sơn nhấn mạnh.
Được biết ngày 26/9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai đã làm việc với nhiều đơn vị liên quan và quyết định giữ lại công trình biệt thự cổ trăm tuổi ven sông Đồng Nai để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử.
Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đồng Nai biệt thự cổ Võ Hà Thanh (còn gọi là nhà lầu ông Phủ) được khởi công xây dựng từ năm 1922 khánh thành năm 1924, tọa lạc bên phải sông Đồng Nai (khu phố 5, phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa). Ngôi biệt thự đã xuống cấp do đã lâu không được trùng tu, tôn tạo.
Từ năm 2016, ngành văn hóa thể thao du lịch nhận thấy một số giá trị về mặt kiến trúc của công trình này nên đã chỉ đạo Ban quản lý di tích - danh thắng tỉnh nghiên cứu, đánh giá sơ bộ và đề nghị bổ sung vào danh mục đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh.
Tuy nhiên sau đó có một số vướng mắc nên không đưa vào danh mục đề nghị xếp hạng di tích.
Ông Trần Quang Toại, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Đồng Nai khẳng định, ngôi nhà có ý nghĩa lịch sử và văn hóa sâu sắc, được xây dựng cùng thời với Tòa bố hành chính Biên Hòa đầu thế kỷ 20. Tất cả vật liệu xây dựng đều nhập từ Pháp, làm nổi bật giá trị kiến trúc.
Đường ven sông Đồng Nai, dài 5,2km, nối từ cầu Hóa An đến xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu, khởi công từ năm 2021 với tổng vốn đầu tư 1.300 tỷ đồng.
Để làm đường UBND thành phố Biên Hòa đã lên kế hoạch GPMB bao gồm khu đất nơi biệt thự cổ tọa lạc. Theo thông tin từ chủ đầu tư, 2/3 diện tích căn nhà nằm trong phạm vi dự án, vì vậy biệt thự có thể bị đập bỏ.
Hiện địa phương mới giải phóng mặt bằng được khoảng 2/3 diện tích đất, tiến độ sản lượng đạt khoảng gần 65%. Nhà thầu tập trung thi công lu nền đường, cấp phối đá dăm, thảm nhựa, gia cố bê tông, làm hệ thống thoát nước ở một số đoạn.
Khi đi vào khai thác, tuyến đường này sẽ đảm bảo lưu thông từ Biên Hoà đi Vĩnh Cửu và một số địa phương khác, tạo cảnh quan đẹp, nổi bật cho khu nội ô của thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận