Bảo tồn văn hóa truyền thống khó từ cơ chế, chính sách

23/04/2014, 06:51

Đó là ý kiến nhận định của nhiều đại biểu tham dự Hội nghị đánh giá 5 năm triển khai thực hiện Quyết định về Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam diễn ra mới đây tại Hà Nội.

Các nghệ nhân ngồi vỉa hè đánh cồng chiêng trong một lễ hội
Các nghệ nhân ngồi vỉa hè đánh cồng chiêng trong một lễ hội


Đánh cồng chiêng trong nhà bê tông  


“Năm 2007 tỉnh Đắk Lắk có khoảng 10.800 chiếc cồng chiêng. Tuy nhiên, đến năm 2010 chúng tôi kiểm tra lại chỉ còn trên 3.000 chiếc và đến năm 2012 chỉ còn có 2.000 chiếc. Qua đó có thể thấy được số lượng cồng chiêng đã bị suy giảm đáng kể”. Ông Y Wái Byă - Giám đốc Sở VH,TT&DL Đắk Lắk cũng cho biết, có những buôn, làng trước kia 100% nhà sàn, nhưng gần đây khi kinh tế xã hội phát triển, nhà sàn còn rất ít. 


Từ đó, vị Giám đốc Sở VH, TT&DL Đắk Lắk kiến nghị: “Nhà nước phải tìm cách bảo tồn, lưu giữ không gian văn hóa cồng chiêng, gồm cả không gian nhà sàn và không gian xung quanh gắn với núi, suối… Bởi vì đánh cồng chiêng trong nhà xây bê tông không phù hợp với tập quán truyền thống. Hơn nữa, cồng chiêng và nhà sàn không còn thì bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên chắc chắn sẽ mất”.
 

"Năm 2008 ở Đắk Lắk có 64 con voi rừng do đồng bào thuần dưỡng đưa về nhà phục vụ đời sống. Hiện nay chỉ còn 40 con, có những năm chết 6 con. Chúng ta dùng sức voi để phục vụ cho người, suốt ngày đi trên đường trong khi voi phải đi trong rừng, ăn thức ăn trong rừng mới hợp với quy luật tự nhiên. Chúng tôi dự tính nếu cứ tình trạng này, đến năm 2020 voi sẽ biến mất".

 

Ông Y Wai Byă
Giám đốc Sở VH, TT&DL Đắk Lắk

Về phần mình, ông Lữ Ngọc Cư - Ủy viên chuyên trách Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho rằng, thổi kèn hay đánh chiêng giờ đây tập trung về phố xá, những nơi dân cư đông đúc trong khi không gian rừng thiêng bị thu hẹp. Tổ chức lễ hội thiên về sân khấu hóa nhiều hơn, còn lễ hội mang tính tự nhiên, truyền thống, quần chúng không được thể hiện đầy đủ.

Cũng theo ông Cư: “Không gian văn hóa cồng chiêng là di sản Tây Nguyên đang bị mai một, đặc biệt khi mất đi không gian linh thiêng của mình. Việc hát, kể sử thi và các hình thức hát dân ca, dân vũ, những nhạc cụ dân tộc vẫn được duy trì nhưng trong chừng mực nào đó vẫn thiếu linh hồn bản sắc, hệ thống các lễ hội đã thay đổi hoặc mai một dần; kiến trúc dân gian đặc sắc của Tây Nguyên ngày càng trở nên khan hiếm. Các nghề thủ công truyền thống khó có khả năng cạnh tranh để tồn tại, thậm chí có một số nghề đã mất hẳn”.


Ông Cư còn mở rộng vấn đề: “Đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo chiếm một vị trí đáng kể. Tuy nhiên, hiện nay tôn giáo phi truyền thống phát triển mạnh và những ảnh hưởng tiêu cực của nó cũng khá lớn. Bên cạnh đó còn xuất hiện những đạo lạ... lôi kéo nhiều bộ phận quần chúng vào những hoạt động sai trái, gây phức tạp tình hình an ninh, trật tự xã hội”.

Bất cập về chính sách  


Liên quan đến Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, TS. Trần Hữu Sơn - Giám đốc Sở VH, TT&DL Lào Cai - đánh giá: “5 năm qua, chúng ta làm tốt, nhưng vẫn còn một số bất cập. Đầu tiên là việc kinh phí đầu tư ở vùng cao cũng bằng đầu tư cho đồng bằng, cứ số dân nhiều thì kinh phí nhiều và định mức của vùng cao gấp ba lần định mức của vùng thấp là chưa hợp lý. Ví dụ, tỉnh tôi có 50 vạn dân còn tỉnh Thái Bình 1,5 triệu dân nhưng khi tổ chức hoạt động văn hóa ở Thái Bình chỉ mất một ngày để xuống tất cả các cơ sở, còn ở Lào Cai chúng tôi muốn xuống được xã thôi cũng phải đi một ngày, muốn xuống bản thì phải hai ngày đường thì đương nhiên kinh phí cực kỳ tốn kém. Chúng tôi tính toán là tổ chức buổi tuyên truyền lưu động hoặc một hoạt động của đội thông tin lưu động ở Lào Cai tốn kém gấp  5-7 lần của Thái Bình trong khi kinh phí của chúng tôi ít hơn rất nhiều. Vì thế chúng tôi đề nghị Quốc hội sửa lại chính sách ấy”, ông Sơn nhấn mạnh.


Ông Sơn cũng chia sẻ: “Có những cái chúng ta nghĩ hộ đồng bào dân tộc không phát huy được nhưng đến khi đồng bào tự làm lại hiệu quả. Như năm 2010 cháy gần 1.000 ha rừng ở Hoàng Liên Sơn, bao nhiêu phương tiện kỹ thuật sử dụng chữa cháy không được, nhưng người dân tộc Mông, Dao đã dập tắt hỏa hoạn bằng tri thức bản địa rất hiệu quả. Hay như trong văn hóa, nhiều điển hình người dân làm du lịch, giữ gìn bản sắc làng bản rất tốt trong khi một số làng bản mà người dân được cán bộ hướng dẫn nhiều quá, cuối cùng không biết bảo tồn gì”.


“Do vậy, phải xuất phát từ kinh nghiệm của người dân, phải nghiên cứu từng người dân để đưa ra chính sách. Đặc biệt phải nghiên cứu vùng cao và nghiên cứu khoa học chứ không để các nhà khoa học ngồi trong tủ kính nghĩ hộ người dân vùng cao và đưa ra những chính sách, những chủ trương thiếu thực tế”, ông Sơn kết luận.

Phạm Lý


Bắt xây chợ rồi bỏ hoang


Theo TS. Trần Hữu Sơn - Giám đốc Sở VH, TT&DL Lào Cai, vì chưa nghiên cứu kỹ tính đặc thù của vùng cao, nên nhiều khi đã đưa mô hình từ dưới đồng bằng lên khiến một số chính sách không đi vào cuộc sống ở các vùng dân tộc thiểu số, điển hình là Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Ví dụ, mỗi một xã nông thôn mới phải có một cái chợ. Xin thưa xã chúng tôi khó khăn cần gì chợ, nhưng cứ bắt xây chợ, cuối cùng chợ xây xong bỏ hoang. Toàn quốc bây giờ có hơn 100 chợ bỏ hoang, tỉnh Đắk Nông xây dựng 45 chợ thì 41 chợ bỏ hoang, tỉnh Lào Cai chúng tôi nghèo hơn thì xây được 18 cái chợ thì cả 18 chợ bỏ hoang. 

 

Rồi theo quy hoạch mỗi xã có một nghĩa trang trong khi diện tích trung bình một xã của chúng tôi là 40km2. Từ nhà tới nghĩa trang đi hai chục km thì khiêng làm sao được quan tài. Trong tất cả các chính sách tôi thấy buồn cười nhất là chính sách xây dựng nông thôn mới, vì tiêu chí không phù hợp tí nào cả”.

 

Lý Phạm

 

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.