Chuyện dọc đường

Bảo trì cần kịp thời như chữa bệnh

26/09/2017, 07:30

Việc bảo trì, sửa chữa đường giống như chúng ta khám sức khỏe định kỳ, nếu phát hiện ra bệnh phải được chữa ngay...

2

Bảo trì cầu Trà Và Nhỏ, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long - Ảnh: QLĐB7

Với tư cách đại diện cho các doanh nghiệp vận tải và người sử dụng, tôi cho rằng, 5 năm từ khi thành lập quỹ, việc bảo trì đường bộ có tiến bộ rõ rệt.

Doanh nghiệp bảo trì đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, máy móc hiện đại hơn. Nhờ vậy, chất lượng đường tốt lên, người dân được sử dụng những cung đường êm thuận hơn, nâng cao tốc độ, rút ngắn thời gian hành trình, giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất phương tiện, giảm giá thành vận tải.

Các kết quả nghiên cứu đã chỉ ra, chi 1 đồng cho bảo trì, bảo dưỡng đường bộ sẽ tiết kiệm được 3 đồng khi phải đầu tư xây dựng mới. Điều đó càng minh chứng vai trò và tầm quan trọng của việc bảo trì. Đặc thù của Quỹ Bảo trì đường bộ là người dân bỏ tiền trực tiếp để mua dịch vụ. Vì thế, việc sửa chữa đường phải kịp thời, “rót” tiền đúng lúc, đúng chỗ.

Từ năm 2012 trở lại đây, khi nền kinh tế đất nước bắt đầu vào chu kỳ tăng trưởng, nhu cầu vận tải đường bộ tăng nhanh. Tỷ lệ vận tải hành khách trên đường bộ bằng 90% tổng lượng vận tải hành khách và khoảng 70% tổng khối lượng vận tải hàng hóa. Nhu cầu vận tải đường bộ tăng, kéo theo số lượng ô tô giai đoạn 2012-2017 tăng bình quân 15%/năm, dự kiến giai đoạn 2018-2020 tỷ lệ ô tô tăng hàng năm là 10 -13%/năm.  Do đó, nhiệm vụ quản lý, bảo trì mạng lưới đường bộ và nguồn vốn từ Quỹ Bảo trì đường bộ càng quan trọng hơn.

Qua tìm hiểu, tôi được biết, trước khi có quỹ, ngân sách giao thường chậm, dẫn đến việc sửa chữa, khắc phục hư hỏng không kịp thời. Thường ngân sách giao tháng 3, thậm chí sang đầu quý II mới giao, sau đó phải tổ chức đấu thầu dẫn đến đấu thầu xong, ký hợp đồng sửa chữa vào mùa mưa nên việc sửa chữa bảo trì không kịp thời, hiệu quả thấp, hư hỏng lan rộng hơn, chi phí sửa chữa cũng lớn hơn.

Kể từ khi có Quỹ Bảo trì đường bộ, ngay từ quý III năm trước đã có kế hoạch bảo trì năm sau nên có đủ thời gian khảo sát, thiết kế, đấu thầu từ năm trước. Sau đó, vào đầu năm, kế hoạch trong giai đoạn mùa khô có thể triển khai thi công. Vì vậy, các hư hỏng được sửa chữa khắc phục sớm, hạn chế phát sinh khối lượng cần sửa chữa, góp phần tiết kiệm cho ngân sách. Bên cạnh đó, do có quỹ, nhiều vị trí điểm đen, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, các hư hỏng do bão, lũ, lụt và các hư hỏng đột xuất khác phát sinh trong quá trình khai thác đã được kịp thời xử lý.

Việc bảo trì, sửa chữa đường giống như chúng ta khám sức khỏe định kỳ để phòng ngừa hay khi phát hiện ra bệnh phải được chữa ngay, nếu không bệnh sẽ thêm trầm trọng và tốn thêm tiền. Điều đó để thấy việc bảo trì hệ thống quan trọng đến mức nào. Để việc “chữa bệnh” cho đường bộ được kịp thời, rất cần cơ chế đặc thù cho quỹ, nhất là trong điều kiện Quỹ Bảo trì đang thu không đủ bù chi. Hệ thống nào cũng cần bảo trì và bảo trì phù hợp giúp phát huy đúng chức năng như đảm bảo tuổi thọ, chất lượng và hiệu quả sử dụng. Ngược lại, bảo trì không tốt là cách sử dụng rất lãng phí, có lẽ lãng phí nhất.

Nguyễn Văn Thanh
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.