Bão vào Tây Nguyên, làm 3 người chết, hàng trăm ngôi nhà đỗ sập (Ảnh: Nhiều nhà dân tại huyện Lắk, Đắk Lắk bị ngập sâu). |
Chiều tối ngày 4/11, ông Huỳnh Bài, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, vào khoảng 7h sáng bão số 12 bắt đầu càn quét lên địa bàn huyện. Bão gây mưa lớn và kèm theo gió giật mạnh đã gây thiệt hại nặng nề cho địa phương. Hiện, đã xác định một 1 người chết và 2 người bị thương nhẹ và hàng trăm ngôi nhà bị sập và tốc mái. Được biết, nạn nhân tử vong là ông Y Soah Niê (72 tuổi, xã Yang Mao, huyện Krông Bông).
Bão khiến hàng trăm nhà dân tại xã Yang Tao (huyện Krông Bông) bị sập, tốc mái và làm một người tử vong |
“Hiện, có 720 ngôi nhà bị sập tốc mái, bị sập, trong đó có 108 ngôi nhà sập hoàn toàn. Theo thống kê ban đầu, đã có 1 ông già tử vong và 2 người bị thương nhẹ. Người tử vong, theo gia đình cho biết là do bị sập nhà, tuy nhiên chính quyền đang xác minh lại. Một số vùng dân di cư, do nước suối dâng cao, hiện, anh em chưa tiếp cận vùng bị cô lập. Đến thời điểm hiện tại, trời vẫn đang còn mưa, khả năng nước đập sẽ dâng cao, tôi đang tổ chức cho các lực lượng sẵn sàng ứng cứu để hỗ trợ kịp thời cho người dân khi có tình huống xấu xảy ra”, ông Bài cho hay.
Tại TP Đà Lạt bão đổ bộ khiến các cây cổ thụ bị gẫy đổ, gây ách tắc giao thông (Ảnh: Cây ngã đổ trên đường Đinh Tiên Hoàng - TP Đà Lạt) |
Tại Lâm Đồng, chiều cùng ngày, ông Phạm Triều, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) cho biết, tính đến chiều nay, mưa bão đã làm cho hai người thiệt mạng do nước lũ cuốn trôi tại xã Đạ Cháy. Hai nạn nhân là bà Nguyễn Thị Tân (61 tuổi, ngụ TP Đà Lạt) và Nguyễn Thị Xuân (50 tuổi, quê tỉnh Đắk Lắk). Nguyên nhân ban đầu khiến hai nạn nhân tử vong là do hai người đóng cửa ở trong nhà nên khi nước lũ đột ngột dâng cao khiến ngôi nhà bị cuốn trôi làm cả hai chết đuối.
Cũng theo ông Triều, tại địa bàn huyện Lạc Dương đã có hàng chục ngôi nhà bị tốc mái, khoảng 50ha hoa màu của người dân bị ngập gây thiệt hại nặng nề.
Trước đó, ghi nhận tại TP Đà Lạt mưa bão là hơn 10 cây cổ thụ bị ngã đổ; trong đó, 1 cây thông cao hơn 30m, đường kính gốc hơn 50cm đổ ập xuống nhà dân.
Một cây cổ thụ bị ngã đỗ trên đường Lê Hồng Phong, TP Buôn Ma Thuột. |
Chiều ngày 4/11, Ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk cho biết, do ảnh hưởng của bão số 12, từ ngày 01 - 04/11 trên địa bàn tỉnh có mưa diện rộng. Các huyện khu vực phía Đông, Đông Nam và phía Nam tỉnh có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa từ ngày 1 đến 7h sáng ngày 04/11 phổ biến đạt từ 100 - 150mm, riêng tại xã Cư Prao huyện M’Drắk đạt 328mm. Do ảnh hưởng của gió bão hiện các huyện phía Đông, Đông Bắc, Đông Nam từ 3h ngày 04/11 có gió mạnh cấp 6 đến cấp 8, huyện M’Drắk gió mạnh cấp 9 giật cấp 10. Bão gây thiệt hại về nhà cửa, tài sản tại các huyện khu vực phía Đông tỉnh gồm: M’Đrăk, Ea Kar, Krông Bông, Krông Năng có gió mạnh, mưa lớn. Tại huyện M’drắk, Ea Kar đã có một số nhà dân, trụ sở cơ quan và trường học tốc mái, hư hỏng. Ngoài ra, một số cột điện bị gãy đổ gây mất điện cục bộ.
Nước lũ cuồn cuộn tại cầu Ia Mlăh trên Quốc lộ 25 qua Gia Lai. |
Tại tỉnh Gia Lai, do ảnh hưởng của bão khiến nhiều tuyến Quốc lộ bị ngập và sạt lở. Trao đổi với Báo Giao thông ông Nguyễn Hữu Quế, Giám đốc sở GTVT, Phó Ban ATGT tỉnh Gia Lai cho biết, tình trạng mưa lớn khiến các dòng suối lớn ở thượng nguồn đổ về gây ngập cục bộ ở đoạn đường trên QL 25 khiến giao thông bị chia cắt tại đoạn qua xã Ia Sao (thị xã Ayun Pa). Hiện, Ban ATGT tỉnh Gia Lai đã yêu cầu lực lượng CSGT và các lực lượng khác sử dụng xe cảnh sát đưa người dân và phương tiện đi qua đoạn đường bị ngập.
"Tại đèo Tô Na trên quốc lộ 25 đoạn giáp giới giữa Thị xã Ayun Pa và huyện Krông Pa bị sạt lở khoảng 4-5m3. Đơn vị thi công đã tiến hành đưa các máy xúc gạt ủi để đảm bảo ATGT. Các máy móc và công nhân cũng túc trực tại đây để ứng phó trường hợp sạt lở lớn", ông Quế cho biết thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận