Ngày 13/8, tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 cùng một số tàu hộ tống của Trung Quốc đã quay lại xâm phạm vùng biển Việt Nam. Nhóm tàu này trước đó đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía Đông Nam Việt Nam từ đầu tháng 7 đến ngày 7/8. Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Trong dài hạn, rất có thể Trung Quốc sẽ điều các tàu đến rồi đi, tiếp tục thách thức các lực lượng chấp pháp của Việt Nam ở Biển Đông.
Tôi cho rằng, các phản ứng của Việt Nam thời gian qua là nghiêm túc và đúng mức, người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã nhiều lần lên tiếng phản đối và chúng ta cũng đã gửi công hàm tới Trung Quốc.
Đặc biệt, tại Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN và các đối tác từ ngày 31/7 - 3/8 vừa rồi, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có bài phát biểu quan trọng, với lời lẽ rất nguyên tắc, đanh thép nhưng cũng đầy tính nhân văn và hữu nghị, chí tình chí nghĩa. Ông Phạm Bình Minh nói rằng những diễn biến gần đây trên Biển Đông đã làm cho tình hình trở nên bất ổn, việc Trung Quốc kéo tàu Hải Dương 8 đến thăm dò trên vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam là phi pháp.
Kết quả là vấn đề Biển Đông đã được đưa vào tuyên bố chung của hội nghị, cho thấy 10 nước ASEAN rất quan ngại với những hoạt động bồi đắp, quân sự hóa Biển Đông, quan ngại những hoạt động làm phức tạp thêm tình hình.
Cộng đồng quốc tế, dư luận cũng đánh giá phản ứng của Việt Nam trong vụ việc này là tích cực, đúng mực. Nhiều chính giới quốc tế đã lên tiếng phản đối hành vi sai trái của Trung Quốc và ủng hộ hoạt động bảo vệ chủ quyền của ta ở Biển Đông.
Gần đây, trên mạng xã hội và thực tế ở một số nước như Đức, Mỹ, người Việt hải ngoại đã tuần hành biểu tình phản đối Trung Quốc.
Tôi cho rằng đã là người Việt Nam cần phải bình tĩnh, tỉnh táo suy xét, thể hiện lòng yêu nước một cách đúng mức, đúng nơi, đúng thời điểm như người ta thường ví von “phải có trái tim nóng và cái đầu lạnh”. Tuyệt đối không nên đưa lên mạng những thông tin không đúng, xuyên tạc, sai lệch làm lung lạc niềm tin của nhân dân với Nhà nước Việt Nam. Cũng không được có hành vi manh động phá hoại kinh tế, làm bất ổn an ninh chính trị.
Sau sự kiện Formosa, trong nước hiện lan truyền quan điểm sai lệch “thoát Trung”, rất sai lầm. Việt Nam và Trung Quốc trước đây ta nói “núi liền núi, sông liền sông”, bây giờ thêm “biển liền biển” nữa. Trung Quốc là láng giềng vĩnh cửu của Việt Nam, dù thế nào cũng không thể thay đổi láng giềng được.
Hơn nữa, Trung Quốc có gần một tỷ rưỡi dân, đây là thị trường chúng ta xuất khẩu quá tốt, cả thế giới làm ăn với Trung Quốc, tại sao chúng ta không tìm cách hợp tác với họ để bảo vệ mình, phát triển mình, cả kinh tế, chính trị, an ninh, đối ngoại, quốc phòng, văn hóa...
Vậy, để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, chúng ta phải làm gì? Theo tôi, cùng các biện pháp hòa bình mà chúng ta đang thực thi cần mở rộng quan hệ đối ngoại hơn nữa với tất cả các nước, nhất là các nước ASEAN, các nước lớn có lợi ích hành hải ở Biển Đông. Trong hoạt động khoa học, cần mời các học giả quốc tế vào nghiên cứu, làm cho họ hiểu hơn về lịch sử cũng như cơ sở pháp lý, thực tiễn chủ quyền của nước ta ở Biển Đông.
Bên cạnh đó, hệ thống truyền thông cần đăng tải nhiều bài viết về cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông. Chúng ta phải có nhiều bài viết về vấn đề này bằng bằng Tiếng Anh, tiếng Trung Quốc trên các phương tiện truyền thông quốc tế. Hệ thống truyền thông Trung Quốc đã và đang đưa thông tin sai lệch về Biển Đông, thì Việt Nam phải có những bài viết để người dân Trung Quốc và dư luận quốc tế hiểu được vấn đề, hiểu được đâu là đúng, sai, đâu là chính nghĩa...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận