Luật sư nhận định về vụ việc bảo vệ dân phố bất ngờ nổi cơn điên sát hại bé 6 tuổi ở TP.HCM. (Ảnh hiện trường vụ việc. Báo: Tri Thức Trẻ) |
Liên quan đến vụ việc bảo vệ dân phố bất ngờ nổi cơn điên sát hại bé 6 tuổi ở TP.HCM đang gây xôn xao dư luận, PV Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng Luật Chính Pháp để làm rõ hơn một số vấn đề có liên quan.
Nhận định về hành vi của thủ phạm, luật sư Cường đánh giá đây một vụ việc có tính chất nghiêm trọng, gây kinh hoàng trong đời sống nhân dân bởi nó cho thấy hiện tượng mất an toàn nơi công cộng. Vụ việc này có dấu hiệu tội phạm, vì vậy cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án giết người để thực hiện các hoạt động điều tra, làm rõ nguyên nhân, động cơ gây án và nhân thân, lai lịch của hung thủ để có biện pháp xử lý phù hợp.
"Theo những thông tin ban đầu, rất có thể đối tượng gây án mắc bệnh tâm thần làm mất hoặc hạn chế khả năng nhận thức mới dẫn đến hành vi manh động, máu lạnh như vậy. Vì vậy, sau khi khởi tố vụ án, có thể cơ quan điều tra sẽ tiến hành trưng cầu giám định tâm thần với đối tượng này để làm căn cứ giải quyết vụ việc theo pháp luật", ông Cường nhấn mạnh.
Khi được hỏi về đối tượng gây án có tiền sử tâm thần vẫn được làm bảo vệ dân phố, chính quyền địa phương có trách nhiệm gì trong việc xem xét, quyết định giao nhiệm vụ cho người này. Luật sư Cường cho rằng, thực tế có nhiều người bị mắc bệnh tâm thần, xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau, sau thời gian điều trị thì họ đã khỏi bệnh và vẫn học tập, làm việc bình thường như những người khác.
Tuy nhiên, khi tuyển dụng lao động là người có tiền sử bệnh tâm thần thì cần phải theo dõi, phải hạn chế để xảy ra những nguyên nhân khiến họ bị kích động hoặc rơi vào trạng thái tâm lý không tốt dẫn đến tái phát bệnh cũ.
"Cụ thể với vụ việc này, nếu đối tượng gây án có tiền sử bệnh tâm thần thì cũng cần kiểm tra lại hồ sơ tuyển dụng dân phòng của phường này, kiểm tra tại thời điểm tiếp nhận đối tượng này làm dân phòng, tình trạng sức khỏe và lí lịch như thế nào", ông Cường gợi ý.
Trước những câu hỏi mà dư luận đặt ra rằng, thời gian qua nhiều vụ người bị tâm thần gây án giết người, đã có nhiều ý kiến cho rằng nên có biện pháp mạnh với đối tượng này (xử lý giống người bình thường) và có biện pháp như cách ly để đảm bảo an toàn cho những người xung quanh, luật sư Cường bày tỏ quan điểm, về bản chất thì những người bị bệnh tâm thần làm mất hoặc hạn chế khả năng nhận thức là những người bệnh, những người này cần được xã hội cảm thông, giúp đỡ để họ chữa bệnh, tái hòa nhập cộng đồng. Bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể mắc bệnh, trong đó có cả bệnh tâm thần. Vì thế, không nên mặc cảm, miệt thị hay thù ghét với những người này.
Theo quy định pháp luật, chỉ có người tự do về ý chí, minh mẫn, tỉnh táo... mới phải chịu trách nhiệm đối với hành vi của mình. Nếu một người bị mắc bệnh làm mất khả năng nhận thức thì họ không phải chịu trách nhiệm đối với hành vi của mình nhưng bị bắt buộc chữa bệnh. Người bị hạn chế khả năng nhận thức vẫn phải chịu trách nhiệm với hành vi của mình ở mức độ nhận thức còn lại.
Trước đó, như Báo Giao thông đã đưa tin, tối 26/11, Công an Q.Tân Phú, TP.HCM cho biết, đã bắt khẩn cấp đối với Hoàng Nhất Giang (34 tuổi, trú tại P.5, Q.11), là bảo vệ dân phố của P.5, Q.11 để điều tra về hành vi "giết người".
Thông tin ban đầu, chiều cùng ngày, Hoàng Nhất Giang đang ngồi trong chốt gác gần địa chỉ 96 Trịnh Đình Trọng (P.Hòa Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM) thì phát hiện bé trai khoảng 6 tuổi (trú tại Q.Tân Phú) đi ngang qua đường.
Bất ngờ, Giang cầm một con dao nhỏ (loại dao giống dao cạo râu trong tiệm hớt tóc) đi ngang qua đường Trịnh Đình Trọng khống chế và dùng dao cắt cổ bé, bị tấn công bất ngờ, bé trai cố chạy được mấy bước thì nằm gục, tử vong ngay bên đường.
Sau khi gây án, Giang cầm dao trở lại chốt dân phố và đóng cửa lại ở bên trong. Nghe tin cháu bị cắt cổ, cậu ruột của bé chạy sang chốt dân phố yêu cầu Giang mở cửa. Tuy nhiên Giang mở cửa ra và tiếp tục cầm dao tấn công cậu ruột của bé trai. Thấy vậy, người dân hỗ trợ tước dao, khống chế Giang.
Được biết, Hoàng Nhất Giang có tiền sử bị tâm thần phân liệt và có giấy tờ chứng nhận tâm thần. Vụ việc được các cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ.
Điều 13, Bộ luật hình sự hiện hành quy định Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự như sau: "1. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. 2. Người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự, nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1 Điều này trước khi bị kết án, thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự". |
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận