Một nạn nhân bị thương đang được nhân viên y tế cấp cứu trong vụ xả súng kinh hoàng |
Được huấn luyện, chuẩn bị kỹ
Phát biểu sau cuộc họp bất thường của Chính phủ Pháp tại Điện Elysee, Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve xác nhận có ba tay súng liên quan tới vụ tấn công đẫm máu xảy ra sáng cùng ngày (7/1) ở trụ sở tòa soạn Tạp chí Charlie Hebdo. Vụ thảm sát khiến 12 người thiệt mạng, trong đó có Tổng biên tập, bốn họa sỹ biếm họa, ba phóng viên, hai cảnh sát.
Các quan chức cảnh sát Pháp tuyên bố đã nhận dạng và công bố ảnh ba nghi can: Hai anh em Said Kouachi và Cherif Kouachi, đều là người Pháp ở độ tuổi 30, tên còn lại là Hamyd Mourad, 18 tuổi. Cherif Kouachi từng bị kết tội khủng bố năm 2008 vì giúp đưa các tay súng vào lực lượng phiến quân tại Iraq và bị tuyên 18 tháng tù giam.
Sáng sớm 8/1 (theo giờ Việt Nam), Hamyd Mourad ra đầu thú khi thấy tên mình được công bố trên phương tiện thông tin đại chúng. Hiện Mourad đang bị giam giữ chờ thẩm vấn. Đến chiều qua, thêm 7 người bị bắt giữ, được cho là thân nhân hoặc bạn bè của các nghi phạm.
Một nhân chứng bên trong tòa nhà bị tấn công nói với truyền thông Pháp rằng, một kẻ tấn công đã tự xưng là thành viên của Al-Qaeda. Trong một video do người dân quay được cho thấy một tên hô “báo thù cho Nhà tiên tri Mohammad”. Các tay súng mặc bộ đồ đen, hành động như những biệt kích Hồi giáo đã trải qua huấn luyện và dường như được chuẩn bị kỹ lưỡng.
Chuyên gia tư vấn an ninh Anne Giudicelli của tổ chức TERR(o)RISC khẳng định: “Rõ ràng đã có hoạt động do thám trước đó. Chúng tìm thấy kẽ hở trong hệ thống an ninh và chọn một phương án đảm bảo thành công”. Trước đó, tạp chí Charlie Hebdo đã cho đăng tải chân dung biếm họa thủ lĩnh phiến quân Nhà nước Hồi giáo Abu Bakr al-Baghdadi.
Chiều qua (8/1), thêm một vụ nổ súng ở ga tàu điện ngầm phía Nam Thủ đô Paris khiến 1một cảnh sát thiệt mạng. Kẻ nổ súng đã chạy thoát và cảnh sát cho rằng “có thể có liên quan nào đó” giữa hai vụ việc, theo BBC. Cũng trong chiều qua, hãng tin AFP dẫn lời người quản lý trạm xăng gần Villers-Cotteret thuộc khu vực Aisne ở miền Bắc nước Pháp “đã nhận ra 2 người đàn ông tình nghi tham gia vụ xả súng ở tòa soạn Tạp chí Charlie Hebdo, trên xe có súng và ống phóng lựu”.
Đoàn kết là vũ khí mạnh nhất
Ông Bernard Cazeneuve cam kết các lực lượng đang làm hết khả năng để truy bắt hai kẻ còn lại trong thời gian nhanh nhất có thể, bảo vệ người dân tối đa. Cảnh báo an ninh đã được áp dụng ở mức cao nhất tại Paris, vùng phụ cận, các nhà ga, sân bay, bến tàu và những nơi tập trung đông người.
Nhiều tờ báo lớn ở Pháp ra sáng ngày 8/1 đã đồng loạt đổi màu măng-séc truyền thống và thay vào đó là măng-séc màu đen và chạy to dòng chữ “Chúng tôi là Charlie Hebdo”. Hơn 100 nghìn người tập hợp tại Paris và 15 thành phố giơ cao thẻ nhà báo, cây bút và các biểu ngữ “Chúng tôi là Charlie Hebdo”, “Chúng tôi không run sợ”.
Trong số những người có mặt có nhiều chính trị gia của Pháp và EU. Tổng thống Pháp François Hollande tuyên bố rằng, đoàn kết là vũ khí mạnh nhất của nước Pháp để bảo vệ nền tự do, chống lại các hành động dã man.
Hiện Italia đã đặt mức cảnh báo an ninh cao nhất sau vụ xả súng ở nước láng giềng. Thủ tướng Italy Matteo Renzi và Bộ trưởng Nội vụ Angelino Alfano họp khẩn cấp, đưa ra các biện pháp để đảm bảo an ninh tối đa cho các cơ quan của Chính phủ, Tòa thánh Vatican và các cơ quan đại diện nước ngoài ở Thủ đô Rome và các thành phố lớn.
Tại Đan Mạch, tờ Jyllands-Posten từng đăng tải một loạt tranh biếm họa về Nhà tiên tri Mohammad, cũng tăng cường an ninh sau vụ tấn công. Còn Chính phủ Anh khuyến cáo công dân “nếu đang ở Paris hay một khu vực nào của nước Pháp, hãy thận trọng và làm theo các chỉ dẫn về an ninh của nhà chức trách Pháp. Nguy cơ khủng bố rất cao. Các cuộc tấn công có thể xảy ra bất cứ lúc nào.”
Ngọc Tiến
* Chiều qua (8/1), trả lời câu hỏi của PV Báo Giao thông về vụ việc, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết: “Việt Nam lên án các hoạt động khủng bố dưới mọi hình thức và cho rằng vụ tấn công khủng bố là một hành động dã man, không thể chấp nhận được. Việt Nam xin gửi lời chia buồn và cảm thông sâu sắc đến Chính phủ, nhân dân Pháp và gia đình những người bị nạn và tin tưởng rằng những kẻ chủ mưu sẽ sớm bị trừng trị thích đáng". Cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có điện chia buồn thăm hỏi, gửi những người đồng cấp của Pháp. * Khi còn sống ông Stephane Charbonnier, Tổng biên tập Tạp chí Charlie Hebdo từng nói: “Tôi không thể hình dung có thể sống trong một đất nước mà mình không thể cười về một chủ đề nào đó bởi vì tôi có thể bị vào tù hoặc bị sát hại. Nếu thế thì thà chết cho rồi” và “Với chúng tôi, điều được xem là vô trách nhiệm chính là nhượng bộ trước mối đe dọa cực đoan”, theo ABC News. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận