Cho ý kiến về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khi Quốc hội thảo luận nội dung này tại phiên họp hôm qua (5/11), nhiều ĐBQH lo lắng về thực trạng tội phạm liên quan đến người nghiện ma túy có chiều hướng gia tăng và những vụ giết người dã man xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt cũng như một số loại hình tội phạm mới xuất hiện.
“Ngáo đá” gây án mạng nghiêm trọng
Từ ngày 1/10/2018 - 30/9/2019, Bộ Công an đã điều tra, làm rõ 37.454 vụ phạm pháp hình sự, đạt tỷ lệ 78% (án rất nghiêm trọng đạt 91,32%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,02%); Qua phòng ngừa, đấu tranh đã góp phần làm giảm 1,95% số vụ phạm pháp hình sự, nhiều loại tội phạm được kéo giảm như: Giết người giảm 9,39%, trộm cắp tài sản giảm 4,3%, cướp tài sản giảm 12,98%, chống người thi hành công vụ giảm 0,51%, gây rối trật tự công cộng giảm 45,32%, đánh bạc, tổ chức đánh bạc giảm 44,98%...
Các vụ giết người có liên quan đến ma túy với hành vi gây án dã man, giết nhiều người, giết người thân trong gia đình, giết phụ nữ và trẻ em... là một trong những vấn đề được Đại tướng Tô Lâm đề cập trong báo cáo phòng chống tội phạm.
Nhắc đến các vụ việc đối tượng bị bệnh tâm thần hoặc bị ảo giác do sử dụng ma túy tổng hợp gây ra, Bộ trưởng Công an dẫn ví dụ vụ Nguyễn Võ Ngọc Bảo giết mẹ đẻ và em trai ruột ở Ninh Thuận, vụ Nguyễn Hoàng Nam chém chết bố, mẹ, bà nội tại TP HCM hay vụ Trương Tín giết bà ngoại, mẹ đẻ và dì ruột tại TP HCM…
Tiết lộ “những con số biết nói” như phát hiện, thu giữ 1.222kg heroin, 1,05 triệu viên ma túy tổng hợp, 614kg thuốc phiện, 815kg cần sa và 6.254kg ma túy tổng hợp chỉ trong khoảng thời gian từ đầu năm đến nay, Bộ trưởng Tô Lâm thông tin: Số lượng ma túy tổng hợp bị phát hiện tăng 523,34% so với năm 2018.
“Tình trạng thanh, thiếu niên sử dụng ma túy tổng hợp trong các quán bar, nhà hàng, quán karaoke diễn ra phức tạp, ngày càng phát hiện nhiều dạng mới của ma túy khó kiểm soát...”, Bộ trưởng nói và cho biết, đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến các vụ án mạng bộc phát, dã man.
Chia sẻ lo lắng của cử tri về tệ nạn ma túy, ĐB Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) cho biết, ma túy là hiểm họa, nếu không xóa bỏ hay ngăn chặn sẽ có nguy cơ hủy hoại cả dân tộc. “Thời gian qua, chúng ta đã đấu tranh và triệt phá các vụ ma túy lớn, nhưng có thể nói, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Con số cả tấn ma túy bị bắt giữ trong thời gian qua nói lên điều đó”, ĐB Cương nói.
Dẫn câu chuyện mới năm ngoái, ngành chức năng của Cần Thơ đã phát hiện 24 học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật về ma túy, sử dụng ma túy, trong đó có 8 người bị khởi tố, ĐB Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) thông tin thêm: Công an huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn cũng vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can vụ mua bán trái phép chất ma túy xảy ra vào tháng 3/2019, trong đó, 5/6 bị can còn đang ngồi trên ghế nhà trường.
“Học sinh không chỉ sử dụng ma túy mà còn trao đổi, mua bán ma túy mọi nơi, mọi lúc, có thể là mang đến nhà, bán trong nhà vệ sinh của trường học, thậm chí bán ngay trong lớp học. Ma túy được học sinh bán như đa cấp, mua 10 viên được miễn phí 3 - 4 viên, nếu bán được tiếp cho người khác thì tiếp tục có lợi”, ĐB Ngân nói.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, hoạt động của tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia gia tăng mạnh. Thủ đoạn chủ yếu là đối tượng người nước ngoài thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam, tạo vỏ bọc ngụy trang, lợi dụng các chính sách thông thoáng về hải quan để tổ chức sản xuất ma túy. Vụ 7 đối tượng người Trung Quốc sản xuất trái phép chất ma túy tại Kon Tum là một ví dụ điển hình.
“Việt Nam có đường biên giới dài, cả đường bộ, đường biển rất khó kiểm soát. Số người nghiện ma túy trong nước tiếp tục tăng, trong khi công tác cai nghiện chưa hiệu quả và gặp nhiều khó khăn. Mà còn người nghiện thì còn nhu cầu sử dụng ma túy, sẽ kích thích các đối tượng bằng mọi cách mua bán, vận chuyển ma túy để kiếm siêu lợi nhuận”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Hiến kế kéo giảm tội phạm ma túy, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) lưu ý, cần siết chặt việc phát hiện ma túy qua các cửa khẩu chính ngạch, tiểu ngạch, cảng biển, cảng hàng không. Ngoài ra, cần có quy định giải quyết việc khi phát hiện đối tượng sử dụng ma túy, đợi tòa án tuyên đối tượng đủ điều kiện đưa vào trại cai nghiện phải mất vài tháng, dẫn tới có đối tượng đã gây án trước khi đưa vào trại.
Giết người dã man chỉ vì mâu thuẫn nhỏ
Bên cạnh vấn nạn ma túy, việc liên tiếp xảy ra các vụ án mạng dã man, giết chết nhiều người, kể cả phụ nữ và trẻ nhỏ… trong khi nguyên nhân gây án đôi khi rất nhỏ nhặt cũng là vấn đề làm “nóng” nghị trường quốc hội trong 2 ngày qua.
Các lực lượng chức năng phát hiện 15.953 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế (giảm 18,03% so với cùng kỳ năm 2018), 321 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và chức vụ (giảm 4,18% so với cùng kỳ năm 2018). Đặc biệt, đã đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo bảo đảm đúng tiến độ, khắc phục được nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản, cung cấp hồ sơ, tài liệu, đánh giá chứng cứ, xác định tội danh, thu hồi tài sản. Công tác phát hiện, điều tra, xử lý tham nhũng ở địa phương có nhiều tiến bộ, từng bước khắc phục dần tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.
ĐB Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) nhấn mạnh con số 1.153 vụ án giết người xảy ra năm 2019, trong đó có những vụ án đặc biệt nghiêm trọng bởi tính chất dã man, tàn ác mất hết tính người, trái với luân thường, đạo lý.
“Theo thống kê, số lượng các vụ án mạng xảy ra trong gia đình chiếm từ 18%-20%, tức là khoảng 200 vụ/năm. Nhiều vụ án giết người thân lại mang tính chất thảm sát, giết nhiều người, đối tượng quyết liệt thực hiện đến cùng hành vi phạm tội cho thấy thực trạng là sự băng hoại về đạo đức, về văn hóa gia đình truyền thống”, ĐB Thuỷ nói và phân tích, nếu như trước đây, những vụ án giết người chủ yếu là do mâu thuẫn, thù tức âm ỉ kéo dài thì vài năm trở lại đây, 40% vụ án giết người xảy ra là do mâu thuẫn bộc phát nhất thời, trong đó nhiều vụ án lý do dẫn đến giết người rất đơn giản, do va chạm giao thông, xích mích trong uống rượu, bia hoặc đơn giản chỉ là không đồng ý với lời nói, cách ứng xử, thậm chí là với cái nhìn…
Dẫn ví dụ về vụ án gây chấn động dư luận xảy ra đầu tháng 9 vừa qua tại Đan Phượng (Hà Nội) chỉ vì nửa mét đất mà người anh đã ra tay sát hại gần như cả gia đình người em trai với 4 mạng người, ĐB Thủy cũng đề cập đến vụ giết người khiến dư luận bàng hoàng chấn động xảy ra tại Thái Nguyên khi người anh trai đã dùng dao và súng truy sát cả gia đình người em gái cũng chỉ vì lý do kinh tế, nợ nần tiền bạc.
“Có thể thấy chỉ vì nguyên nhân kinh tế, song nhiều vụ án giết người thân lại mang tính chất thảm sát, giết nhiều người, đối tượng quyết liệt thực hiện đến cùng hành vi phạm tội cho thấy thực trạng rất đáng lo ngại”, ĐB Thủy cho hay.
Từ những vụ án mạng nêu trên, ĐB Thủy khẳng định, vấn đề đã không đơn giản là những tranh chấp mâu thuẫn trong gia đình mà ở đây là sự băng hoại về đạo đức, về văn hóa gia đình truyền thống. Do đó, phòng ngừa án mạng trong gia đình không thể phó thác một mình cho ngành công an mà đòi hỏi cần nhìn nhận lại từ công tác giáo dục, quản lý, tuyên truyền và xây dựng văn hóa trong gia đình, nhà trường và xã hội.
Xuất hiện một số loại tội phạm mới
Một trong những vấn đề nổi cộm của công tác phòng chống tội phạm thời gian gần đây, là xuất hiện một số loại hình tội phạm mới, gây khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra và xử lý. Như trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, có hiện tượng giả mạo chữ ký trên sổ tiết kiệm để chiếm đoạt; giả mạo thông tin khách hàng để làm thẻ tín dụng; một số doanh nghiệp nước ngoài và trong nước cấu kết với nhau xin lập dự án, thông đồng với cán bộ ngân hàng để vay vốn, nâng khống giá trị máy móc, thiết bị, chuyển tiền ra nước ngoài...
Đặc biệt, tình trạng người nước ngoài lợi dụng địa bàn Việt Nam để phạm tội sử dụng công nghệ cao, thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người dưới hình thức mang thai hộ, mua bán bào thai.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an Nghệ An:
Hơn 70 đối tượng mừng sinh nhật bằng ma túy đá, thuốc lắc
Số lượng ma túy thu được trong các vụ án ngày càng lớn, không phải tính bằng lượng, bằng kilogram như trước đây mà tính bằng tạ. Số người nghiện ma túy trẻ hóa và gia tăng nhanh. Tình trạng ngáo đá và nhiều đối tượng ngáo đá đã gây ra các vụ thảm án gây dư luận bức xúc. Chỉ tính riêng năm 2019, tại địa bàn tỉnh Nghệ An, phát hiện 21 vụ, 73 đối tượng tổ chức sử dụng ma túy đá và thuốc lắc để mừng ngày sinh nhật trong các vũ trường, quán bar, khách sạn nhưng không bị xử lý trách nhiệm hình sự dẫn đến nhờn luật.
Theo quy định hiện hành, hành vi tổ chức và chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy do những người nghiện ma túy thực hiện đều không bị xử lý bằng hình sự. Hướng dẫn này là trái với thực tiễn, “trói tay, trói chân” các cơ quan bảo vệ pháp luật, là một trong những nguyên nhân quan trọng làm sót, lọt tội phạm, phát sinh băng nhóm và gia tăng người nghiện trong lớp trẻ.
ĐB Dương Ngọc Hải (TP HCM):
Lợi dụng sự thông thoáng hải quan để vận chuyển ma túy
Tại TP HCM, chỉ từ tháng 3 - 5/2019 đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép các chất ma túy, trong đó có 3 vụ lớn mà tang vật thu giữ của 3 vụ này là trên 1,7 tấn ma túy các loại. Các đối tượng là người Việt Nam cấu kết với người nước ngoài, lợi dụng chính sách thông thoáng trong công tác kiểm tra hải quan để vận chuyển, mua bán trái phép các chất ma túy từ các nước khác, trong đó có khu vực tam giác vàng vào TP HCM để trung chuyển đi nước thứ 3.
Chúng ta cải cách thủ tục hải quan để tạo thông thoáng cho các doanh nghiệp, giúp nhanh chóng giải phóng hàng hóa và phù hợp với các thông lệ quốc tế nhưng vẫn phải đảm bảo kiểm soát được các hành vi gian dối để xuất nhập hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là hành vi vận chuyển, mua bán trái phép các chất ma túy và các loại hàng hóa khác. Đừng để sự thông thoáng của hải quan trở thành kẽ hở để các tội phạm liên quan đến ma túy lợi dụng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận