Quản lý

Bất cập thuyền trưởng tàu biển không được điều khiển tàu sông

16/03/2019, 06:44

Người có bằng thuyền, máy trưởng tàu biển không được điều khiển tàu sông pha biển (SB). Nếu muốn chuyển đổi phải học thêm, thi thêm lý thuyết...

img
Sắp tới, thuyền trưởng hạng Nhì, Ba có thể được điều khiển loại tàu có trọng tải lớn hơn so với hiện nay (Trong ảnh: Thuyền viên điều khiển phương tiện thủy trên sông Hồng)


Mượn sinh viên mới ra trường làm thuyền trưởng

Từ giữa năm 2014, sau khi tuyến vận tải ven biển Quảng Ninh - Kiên Giang dành cho tàu pha sông biển VR-SB đi vào hoạt động mở ra xu hướng liên kết giữa vận tải thủy và ven biển. Đến nay, toàn quốc đã có hơn 1.800 tàu SB vận tải hàng hóa, với hàng trăm doanh nghiệp tham gia.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp khai thác tuyến, chỉ riêng nguồn thuyền viên được đào tạo từ lĩnh vực đường thủy không đủ để đáp ứng nhu cầu vận tải bằng tàu SB mà phải tuyển thuyền viên được đào tạo nghề tàu biển. Tuy nhiên, người có bằng thuyền, máy trưởng tàu biển lại không được điều khiển tàu SB. Nếu muốn chuyển đổi phải học thêm, thi thêm môn lý thuyết tổng hợp theo chương trình đào tạo của đường thủy mới được đổi sang bằng thuyền, máy trưởng phương tiện thủy tương ứng.

Chẳng hạn, người đang có bằng thuyền trưởng tàu biển được điều khiển tàu đến 50GT phải thi lý thuyết mới được đổi sang bằng thuyền trưởng phương tiện thủy hạng Nhì. Điều này gây khó cho cả doanh nghiệp và người điều khiển tàu.

“Thực tế, tàu biển thường xuyên đi lại trên đường thủy, vào cảng thủy nên rất thành thạo cả quy tắc đi lại trên biển lẫn sông. Máy tàu biển và máy tàu SB cũng có cấu tạo tương tự nhau. Vì thế, quy định phải thi thêm để chuyển đổi bằng thuyền, máy trưởng tàu biển sang bằng phương tiện thủy chỉ rất hình thức”, đại diện Công ty CP Thương mại và Vận tải Thái Hà nói.

Ông Vũ Đức Ngọ, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Vũ Gia Tam cho biết, đường thủy yêu cầu loại bằng cấp cao hơn so với hàng hải khiến cho việc chuyển đổi càng khó khăn hơn. Người có bằng thuyền trưởng hạng Nhất tàu biển hạng dưới 3.000 GT (tương đương tàu trọng tải khoảng 5.300 tấn) rất dày dặn kinh nghiệm, quản lý và điều khiển cả tàu nội địa và quốc tế, nhưng đa số chỉ có bằng trung cấp nghề. Thế nhưng bằng thuyền trưởng phương tiện thủy lại yêu cầu phải có bằng cao đẳng nghề.

“Vì vậy, để chuyển sang bằng thuyền trưởng hạng Nhất tàu SB lại phải học lên cao đẳng, sau đó phải học thi thêm để chuyển đổi. Do đó, người có bằng loại trên hầu hết chỉ thi để chuyển đổi sang bằng điều khiển tàu SB được đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng hạng Hai, tương đương thuyền phó của tàu biển”, ông Ngọ cho biết.

Có xu hướng chuyển từ tàu biển sang tàu SB, nhưng việc chuyển bằng từ tàu biển sang bằng tàu SB gặp khó dẫn đến tình trạng thiếu chức danh thuyền, máy trưởng.

“Nhiều doanh nghiệp vận tải tàu SB lâm vào tình cảnh “túng quá làm liều”, chấp nhận mượn những sinh viên mới ra trường có bằng cao đẳng nhưng đủ điều kiện “hợp thức hóa” chức danh thuyền trưởng trên tàu SB. Còn trên thực tế công việc trên tàu vẫn giao cho thuyền trưởng hạng Hai, người có kinh nghiệm đi biển lâu năm quản lý, điều khiển”, ông Ngọ nói thêm.

Sẽ sửa thông tư

img
Phương tiện thủy lưu thông trên sông Hồng qua Hà Nội

Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam cho biết, những bất cập trên đang được đơn vị này rà soát, tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp, địa phương.

“Cục ĐTNĐ Việt Nam đang khẩn trương hoàn thiện để trình Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung một số nội dung Thông tư 56/2014 và Thông tư 02/2017 của Bộ GTVT liên quan việc thi, kiểm tra, chuyển đổi giấy chứng chỉ chuyên môn thuyền viên… Trong đó, nội dung dự thảo đã bỏ quy định khi chuyển đổi bằng thuyền, máy trưởng tàu biển sang phương tiện thủy nội địa phải dự thi và đạt yêu cầu của môn thi lý thuyết tổng hợp theo chương trình đào tạo của đường thủy các hạng tương ứng. Khi đề xuất được chấp thuận, bằng thuyền, máy trưởng được đổi ngang sang bằng phương tiện thủy nội địa hạng tương ứng.

Cũng theo ĐTNĐ Việt Nam, nội dung các thông tư trên cũng sẽ được sửa đổi theo hướng tạo thuận lợi hơn cho thuyền viên trong việc thi nâng các hạng bằng, chứng chỉ chuyên môn. Chẳng hạn, người có bằng thuyền trưởng hạng Ba trở lên và thời gian thực tế đảm nhận chức danh này đủ 6 tháng là được thi lấy chứng chỉ điều khiển phương tiện đi ven biển, thay vì phải 18 tháng như hiện nay. Người có bằng thuyền trưởng, máy trưởng hạng Nhì chỉ cần đủ 24 tháng đảm nhiệm chức danh thực tế được dự thi lấy bằng thuyền, máy trưởng hạng Nhất, rút ngắn hơn 6 tháng so với hiện nay.

Điểm mới nổi bật khác được quy định trong dự thảo là điều kiện để thi lấy bằng thuyền, máy trưởng hạng Nhất không còn phải tối thiểu là “tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương” như hiện nay mà chỉ cần “tốt nghiệp trung học cơ sở”.

Theo ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa VN, việc giảm bớt điều kiện về học vấn đầu vào của nghề thuyền viên, cũng như cho phép một số hạng bằng thuyền trưởng được điều khiển phương tiện có trọng tải lớn hơn so với hiện nay là phù hợp thực tế.

“Có nhiều thuyền viên ở Đồng bằng sông Cửu Long thành thạo nghề nhưng không theo đuổi học hành từ nhỏ nên khó có được bằng tốt nghiệp phổ thông trung học. Hơn nữa, thực chất điều khiển phương tiện thủy cũng chỉ là một nghề thông thường, nếu đề cao tiêu chí học vấn sẽ khiến hạn chế nguồn nhân lực phục vụ vận tải thủy”, ông Liêm nói.

Chấm thi tự động trên máy, nâng cờ tàu được điều khiển

Dự kiến trong năm 2019, Cục Đường thủy nội địa VN triển khai toàn quốc việc sát hạch, chấm thi trên hệ thống máy tính tự động tại các kỳ thi lấy bằng, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên để tăng cường sự khách quan, minh bạch.

Cục cũng đang xây dựng dự thảo sửa đổi thông tư quy định về đảm nhiệm chức danh trên phương tiện thủy theo hướng cho phép thuyền trưởng, máy trưởng hạng Nhì, Ba được điều khiển phương tiện có trọng tải lớn hơn so với hiện nay; điều chỉnh định biên thuyền viên tối thiểu phù hợp hơn với thực tế. Chẳng hạn, thuyền trưởng hạng Ba hiện nghiên cứu để cho phép được điều khiển tàu chở hàng có trọng tải lớn hơn 150 tấn, đoàn lai 400 tấn; hạng Nhì được điều khiển loại tàu chở hàng, đoàn lai có trọng tải lớn hơn 1.000 tấn... so với quy định hiện nay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.