Trẻ em đặc biệt “khoái” đồ ăn nhanh |
Fastfood là hợp mốt
Tối 26/7, tại một số địa điểm bán đồ ăn nhanh KFC, Lotteria… ở Hà Nội, lượng khách vẫn rất đông. Dường như, thông tin liên tiếp về khoai tây chiên có chứa chất ung thư và sự cố thịt bẩn của KFC, McDonald’s ở Trung Quốc không mấy ảnh hưởng đến tâm lý thực khách Việt.
Nhân viên cửa hàng KFC trên đường Nguyễn Khánh Toàn cho hay, từ đầu tháng 7 đến nay, việc bán hàng vẫn diễn ra bình thường. Về vấn đề sự cố thịt bẩn, nhân viên bán hàng này khẳng định: “Đấy là KFC Trung Quốc, chứ KFC Việt Nam có sự cố gì đâu?”. Tương tự, nhân viên Lotteria trên đường Cầu Giấy tự tin: “Lotteria là thương hiệu lớn, sản phẩm tuyệt đối an toàn”.
"Đồ ăn nhanh với nhiều thịt, chất béo quá giàu dinh dưỡng và dễ sản sinh ra axit béo (do được chế biến ở nhiệt độ cao) dễ gây béo phì, các bệnh tim mạch, bệnh về máu... Tốt nhất, trẻ chỉ nên ăn đồ nhanh một lần/tuần. Với trẻ đã béo phì thì cần nói không với đồ ăn nhanh”.
TS. Nguyễn Thị Lâm |
Tại cửa hàng KFC trên phố Nguyễn Khánh Toàn, chị Mai (nhà ở C3, Khu tập thể Nghĩa Tân) cho hay, nhà chị thường đi ăn tiệm vào cuối tuần và hai đứa trẻ luôn “bỏ phiếu” cho KFC. “Mình nghĩ một vài tuần mới ăn một lần thì cũng không sao, còn chất lượng thực phẩm thì ăn ngoài “khuất mắt trông coi”, tiệm nào chả như tiệm nào”, chị Mai phân trần.
Ngồi ở bàn bên cạnh, Bình (học sinh trường THPT Cổ Loa, huyện Đông Anh) cho biết: “Ngoài chơi facebook thì còn phải ăn fast food, trẻ phải thế. Cuối tuần, đưa bạn gái đi chơi, muốn có chỗ vừa ăn vừa trò chuyện, giá cũng không quá “chát” thì vào KFC thôi”.
Ông Nguyễn Thanh Phong - Cục phó Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, ngành Y tế vẫn thường kiểm tra định kỳ, đột xuất các chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh. Vừa qua, đoàn đã lấy mẫu khoai tây KFC đi kiểm nghiệm và kiểm tra một số nhà hàng KFC trên địa bàn Hà Nội nhưng chưa phát hiện vi phạm nào. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chuỗi nhà hàng đồ ăn nhanh”, ông Phong nói.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, từ nhiều năm nay, các sự cố về an toàn thực phẩm đồ ăn nhanh vẫn diễn ra như bao cao su trong bánh của Burger King (Mỹ); bánh McDonald’s kẹp đuôi chuột (Chile); thịt thối tại KFC, McDonald’s (Trung Quốc)...
Tại Việt Nam, trên trang web otofun, thành viên thanhnt chia sẻ câu chuyện đưa con đi ăn gà rán KFC, đến khi con ăn gần hết mẹ cầm lên định gặm nốt mới phát hiện ra mùi... thối. Trước đó, một khách hàng của KFC trên đường Hoàng Quốc Việt cũng tố cánh gà rán có mùi lạ. Tháng 4/2013, một khách hàng của KFC đường Bà Triệu đã chụp ảnh một con sâu nằm trong bát súp rau...
“Ăn” nhau thương hiệu
Tới thời điểm này, Việt Nam đã có gần chục thương hiệu đồ ăn nhanh thiết lập mạng lưới cửa hàng khắp toàn quốc, như Lotteria có 160 cửa hàng, KFC 140 cửa hàng, Jollibee 30 cửa hàng, Burger King 20 cửa hàng... Theo thống kê từ Bộ Công thương, doanh số ngành thức ăn nhanh tăng khoảng trên 20% mỗi năm, riêng KFC, Lotteria, Jollibee luôn có mức tăng trưởng trên 30%.
Đầu tháng 2/2014, “ông vua” đồ ăn nhanh của Mỹ McDonald’s chính thức bước chân vào thị trường Việt Nam. Hàng nghìn người mua đã xếp hàng trong ngày đầu McDonald’s khai trương cho thấy thị trường này còn nhiều tiềm năng. Bởi Việt Nam có 65% dân số dưới độ tuổi 35, tầng lớp trung lưu có thu nhập khá và cao tăng trưởng nhanh, giới trẻ lại có xu hướng “sính” Tây.
Tuy nhiên, khi nói về trào lưu fastfood này, TS. Nguyễn Văn Toản (nguyên cán bộ Viện Nghiên cứu Giáo dục) cho rằng, đây là ảnh hưởng của thị hiếu “sính Tây” và cũng thể hiện giới trẻ Việt đang thiếu một sân chơi, nơi trò chuyện thích hợp. Theo TS. Toản, ở nước ngoài, fastfood là món ăn rẻ tiền dành cho giới bình dân. Trong khi ở Việt Nam, các cửa hàng đồ ăn nhanh chỉ dành cho giới trung lưu trở lên ở các đô thị. “Đồ ăn nhanh thuần Việt như xôi, các loại bánh truyền thống... cũng rất ngon, nhưng do kinh doanh theo kiểu nhỏ lẻ, tự phát, không gây dựng được thương hiệu, chất lượng dịch vụ... nên đã thua trắng đồ ăn “Tây” trên sân nhà”, TS. Toản nói.
Quỳnh Anh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận