Ngân hàng đầu tiên hé lộ kết quả hoạt động kinh doanh 9 tháng là SeABank. Ngân hàng này cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2021, SeABank vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ở nhiều mảng hoạt động.
Cụ thể, mới hết quý 3 song chỉ tiêu tổng tài sản đã được ngân hàng hoàn thành tới 99,7% kế hoạch năm, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020. Chỉ tiêu cho vay khách hàng cũng được hoàn thành 92% kế hoạch năm, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020.
SeABank hé lộ kết quả kinh doanh quý 3 với thu thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 181%
Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu quan trọng khác như tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) hiệu quả ở mức 35,35% và tỷ lệ nợ xấu đến hết quý 3 chỉ 1,68%.
Ngoài ra, các hoạt động ngân hàng điện tử cũng có tốc độ tăng trưởng nhanh với số lượng người dùng mở ebank mới tăng 130% và số giao dịch trực tuyến tăng 191% so với cùng kỳ 2020.
Không công bố lợi nhuận ước thực hiện, song đáng chú ý thu thuần từ hoạt động dịch vụ của SeABank tăng mạnh 181%.
Một số dự báo cho rằng lợi nhuận quý 3 của các ngân hàng sẽ giảm mạnh so với hai quý đầu năm.
Theo dự báo của Công ty FiinGroup, lợi nhuận quý 3 của 9 ngân hàng ước tính giảm khoảng 13% so với quý 2 do các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng và dành một phần nguồn lực để giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Cũng theo dự báo FiinGroup, ngân hàng dự kiến có kết quả giảm mạnh nhất là VIB (giảm gần 40% so với quý 2) do các mảng kinh doanh chính là cho vay mua nhà, ô tô và phân phối bảo hiểm bị tác động tiêu cực bởi giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh thành lớn.
Theo báo cáo nghiên cứu vừa công bố của Công ty chứng khoán SSI, sẽ có 8/9 ngân hàng có tăng trưởng lợi nhuận dương trong quý 3.
Đáng chú ý, SSI dự đoán lợi nhuận trước thuế của Techcombank sẽ tăng mạnh 35% so với cùng kỳ lên 5.200 tỷ đồng.
Con số này cũng sẽ cao hơn lợi nhuận của Vietcombank là 5.000 tỷ đồng khi SSI dự báo ngân hàng này gần như không tăng trưởng lợi nhuận trong quý 3.
Tuy nhiên, xét về lợi nhuận luỹ kế 9 tháng, theo SSI Techcombank sẽ đạt 16.700 tỷ đồng (tăng 56,2%) vẫn thấp hơn so với Vietcombank là 18.600 tỷ đồng (tăng 16,3%).
Sở dĩ dự đoán kết quả kinh doanh quý III của Vietcombank thấp là do SSI căn cứ vào việc Vetcombank bị ảnh hưởng bởi việc giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Bên cạnh đó, Vietcombank cũng là ngân hàng tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu và duy trì tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu rất cao trên 300%.
Ngoài Techcombank và Vietcombank, SSI cũng dự đoán lợi nhuận của một số ngân hàng ở mức cao trong quý 3 như: MB (3.400 tỷ đồng), VPBank (3.200 tỷ đồng), VietinBank (3.000 tỷ đồng), HDBank (1.700 tỷ đồng), VIB (1.300-1.400 tỷ đồng)…
Trên đây chỉ là dự đoán, con số trên thực tế có thể chênh lệch nhất là trong bối cảnh chi phí của các ngân hàng tăng lên. Đơn cử như kết quả kinh doanh quý 2 vừa qua, hai “ông lớn” VietinBank và Vietcombank đã gây bất ngờ khi lợi nhuận công bố chênh lệch rất nhiều so với dự kiến khi mạnh tay tăng trích lập dự phòng khiến cho lợi nhuận giảm mạnh.
Trong quý 3, có 16 ngân hàng cam kết hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục hậu quả của dịch bệnh Covid-19.
Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 9/2021, các ngân hàng đã cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đạt trên 5,2 triệu tỷ đồng cho 800.000 khách hàng; Miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 1,7 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ gần 2,5 triệu tỷ đồng.
Lũy kế từ 23/1/2020 cuối tháng 9/2021, tổng số tiền lãi các ngân hàng đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 27.000 tỷ đồng. Riêng 16 ngân hàng thương mại (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã giảm lãi suất cho vay cho khách hàng theo cam kết với Hiệp hội ngân hàng với tổng số tiền lãi đã giảm lũy kế từ 15/7/2021 đến cuối tháng 9/2021 là 11.813 tỷ đồng, đạt 57,31% so với cam kết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận