Doanh nghiệp

Bất chấp lệnh cấm, taxi tại bệnh viện vẫn độc quyền

12/07/2016, 06:44

Tình trạng độc quyền dịch vụ vận chuyển vẫn diễn ra tại BV Nhi T.Ư cũng như tại nhiều BV khác tại Hà Nội.

20160711_094543

Taxi Mai Linh vẫn được xếp chỗ độc quyền tại BV Bạch Mai sáng 11/7

Mặc dù Bộ Y tế vừa yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh gỡ bỏ ngay các quy định hạn chế người bệnh và người nhà lựa chọn dịch vụ vận chuyển, nhưng khảo sát của Báo Giao thông ngày 11/7 cho thấy, dịch vụ vận chuyển vẫn độc quyền tại Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư cũng như nhiều BV khác ở Hà Nội.

Độc quyền taxi vẫn công khai

Trước thực trạng hoạt động độc quyền dịch vụ vận chuyển tại một số cơ sở khám chữa bệnh, đỉnh điểm là vụ bảo vệ Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư “xích” xe cứu thương mới đây, ngày 8/7, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã ban hành văn bản yêu cầu Giám đốc các cơ sở khám, chữa bệnh khẩn trương thực hiện rà soát và gỡ bỏ ngay (nếu có) các quy định nội bộ về hạn chế người bệnh và người nhà lựa chọn dịch vụ vận chuyển người bệnh ra viện, xin về… trong trường hợp không cần trợ giúp y tế.

Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Lê Thanh Hải, Giám đốc BV Nhi T.Ư cũng cho biết, sắp tới sẽ chấm dứt các loại hình xe “dù” và độc quyền taxi..., cho nhiều hãng taxi đạt tiêu chuẩn cùng hoạt động, tạo điều kiện cho người dân khi đến viện.

Tuy nhiên, qua khảo sát của PV Báo Giao thông, tình trạng độc quyền dịch vụ vận chuyển vẫn diễn ra tại BV Nhi T.Ư cũng như tại nhiều BV khác tại Hà Nội.

10h sáng 11/7, cổng BV Nhi T.Ư tắc nghẽn hàng dài taxi cả hai chiều đưa đón bệnh nhân và người nhà. Một trụ quay vòng được đặt ngay trước cổng BV kèm theo biển báo taxi không được dừng đón khách. Theo đó, ngoài hãng taxi ABC được đi vào đậu trong sảnh chờ khách, các xe hãng khác đều phải quay đầu đi ra ngay sau khi khách bước chân xuống cổng viện.

Chia sẻ với Báo Giao thông, TS. Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng, chuyên gia độc lập về phản biện chính sách cho rằng, nếu cho đấu thầu độc quyền khai thác taxi trong BV như một số nơi đang làm phải đi kèm giám sát độc lập.

Tuy nhiên, thực tế tại các BV hiện nay, công tác giám sát gần như không có. Lúc này, quyền lợi người sử dụng bị đặt sau lợi ích tối đa hóa kinh tế mang lại.

Dưới cái nắng gay gắt, mồ hôi mướt mải ôm con vào phòng khám, chị Lê Thị Huyền (Hà Đông, Hà Nội) kể lại:” Bé trai hơn 3 tuổi nhà mình đau bụng quằn quại, nôn trớ từ đêm tới sáng, hai mẹ con liền bắt taxi phi vội tới viện. Trên đường cháu mệt quá, mình sợ con bị lả nên cho ngậm chiếc kẹo. Ai ngờ, tới cổng viện, anh lái xe bảo cất kẹo mút đi kẻo bảo vệ không cho qua cổng. Hỏi ra mới biết taxi hãng ngoài không được tự ý chở bệnh nhân vào viện trừ khi cấp cứu. Nên nếu bảo vệ thấy cháu bé còn mút được kẹo sẽ không coi là ca cấp cứu vì cháu vẫn tỉnh táo”.

Chia sẻ với PV, anh Sơn, lái xe taxi tại Hải Bối, Đông Anh, Hà Nội cho biết: “Nhiều lần chở bệnh nhân vào BV Nhi T.Ư, thấy các cháu bé nên thương, trong khi khu khám dịch vụ lại phải đi vào sâu. Vì thế, tôi vẫn mách người nhà bảo cháu nhăn nhó mặt, tỏ ra quằn quại để qua được mặt bảo vệ”.

Cầm trên tay bảng kê giờ, số xe vào sảnh đón khách, một nhân viên điều hành của hãng taxi ABC cho biết: “Chỉ có ABC được đậu tại sảnh đón khách vì ký kết hợp đồng với BV”. Trước câu hỏi, có phải sắp tới BV chấm dứt độc quyền với hãng, nhân viên này quả quyết: “Làm gì có chuyện đó! Tương tự, ngay bên cạnh, BV Phụ sản Hà Nội, PV Báo Giao thông ghi nhận chỉ có taxi ABC mới được đỗ ngay tại sảnh chính.

Tại BV Bạch Mai, trong khuôn viên, duy nhất hãng taxi Mai Linh được đỗ, đậu, dừng đón, trả khách. Không chỉ là đơn vị vận tải duy nhất được BV cho phép khai thác vận tải tại BV, Mai Linh còn được bố trí điểm đỗ đậu xe để chờ đón khách cạnh thanh rào chắn tay trái ngay khoảnh sân cửa viện. Quan sát của PV Báo Giao thông cho thấy, hết xe này vừa rời đi, xe khác lại tới đón khách mới.

Thậm chí, nhiều người nhà, bệnh nhân còn phải đứng chờ vì xe taxi Mai Linh chưa kịp điều động đến. Không chỉ tại điểm đón khách này, chúng tôi còn bắt gặp xe taxi Mai Linh đi chầm chậm trong đường nội bộ của Viện để dừng đón khách bất kể có biển cấm dừng đỗ. Thậm chí, có taxi Mai Linh đón khách xong quay đầu ngay tại khu vực đón bệnh nhân cấp cứu nặng (khu A9) gây ùn tắc cục bộ. Trong khi đó, các hãng taxi khác chỉ có thể đưa bệnh nhân đến và dừng trả khách ngay tại vòng xoay phía cửa BV.

Chị Nguyễn Thị Ninh (Văn Lâm, Hưng Yên) vừa trở ra từ quầy thuốc cho hay: “Vào đây buộc phải lựa chọn taxi Mai Linh mà đi thôi dù hãng này tính cước cao. Chứ trời nắng thế này, phải đi bộ ra đến cửa mà không bắt được taxi thì chỉ có nước ốm thêm”. Chị Ninh vừa dứt lời, đã được một chiếc taxi Mai Linh đỗ ngay trước mặt đón đi.

Anh Nguyễn Văn H. (lái xe của hãng taxi Thanh Nga) bảo: “Từ lâu rồi, riêng Mai Linh được độc quyền khai thác khách trong BV Bạch Mai vì họ đóng phí. Phần lớn bọn tôi chỉ đưa khách đến vòng xoay cửa viện là lộn ra. Hiếm khi đón khách tại viện về. Một phần bảo vệ chặn ngay cửa không cho phép chạy vào trong, phần khác lỡ dừng đón trả khách phía trước cổng viện mà bị công an tóm được thì coi như mất toi một ngày chạy xe”.

Trước đó, ghi nhận của PV tại BV Việt Đức cho thấy, ngay khu vực đường ra vào bệnh viện, chỉ riêng hãng taxi Thủ đô có điểm điều hành, dừng đỗ và đón khách. 

Thay công ty bảo vệ, quy trình vào - ra BV Nhi T.Ư

Sáng 11/7, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám và Chữa bệnh đã dẫn đầu đoàn công tác làm việc với lãnh đạo BV Nhi T.Ư.

Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc BV Nhi T.Ư báo cáo, BV sẽ tiếp tục hợp đồng làm việc với Công ty Bảo vệ AZ đến hết tháng 7/2016, sau đó thông báo tìm đối tác mới, trên cơ sở công khai các tiêu chí cho hoạt động này.

“Trong thời gian tới, dù có tiếp tục hợp đồng thuê bảo vệ với Công ty AZ hay ký hợp đồng với công ty bảo vệ khác, BV cũng sẽ phải giám sát chặt chẽ, cụ thể là cắt cử nhân viên phòng hành chính quản trị của BV tham gia, không để xảy ra những sự việc tương tự”, ông Hải khẳng định.

Cục trưởng Lương Ngọc Khuê yêu cầu BV làm rõ trách nhiệm của các phòng, ban liên quan trong việc để xảy ra sự cố, đặc biệt trong công tác giám sát. Qua đó có hình thức xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân liên quan. Đồng thời việc triển khai các hình thức cung cấp dịch vụ trong BV như xe cấp cứu, xe taxi phải công khai, minh bạch về giá cả…

“Để xảy ra sự cố đáng tiếc này, không chỉ BV Nhi T.Ư xin lỗi mà Công ty bảo vệ AZ cũng phải chịu trách nhiệm, công khai xin lỗi người bệnh/người nhà bệnh nhân vì đã làm cho người dân bức xúc về BV nói riêng và ngành Y nói chung”, ông Khuê nói.

Được biết, trong ngày 11/7, Ban Giám đốc BV Nhi T.Ư đã yêu cầu các phòng ban có liên quan soạn quy trình vào, ra BV (khỏi, nặng xin về, tử vong), chú ý lồng ghép các phương tiện vận chuyển ra viện cho cả 3 đối tượng trên; đồng thời soạn quy trình ra viện (tử vong thuộc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm). Ngoài ra, cần xác định nhóm phương tiện vận chuyển phù hợp với từng đối tượng trên. Trong trường hợp gia đình ký hồ sơ xin về, bổ sung thêm vấn đề vận chuyển bệnh nhân (tự túc hoặc xe cứu thương ngoài phải chịu trách nhiệm trong quá trình vận chuyển).

BV cũng yêu cầu mở lớp tập huấn về giao tiếp trong BV cho 2 đối tượng là bảo vệ và nhân viên vệ sinh; Đồng thời, thành lập tổ giám sát hoạt động của 2 đối tượng này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.