Tổ bốc xếp thường xuyên “lượn lờ” qua khu vực xe khách để thu tiền của hành khách |
Không thuê bốc vác cũng phải trả tiền
Những ngày qua, đường dây nóng của Báo Giao thông liên tục nhận được phản ánh của hành khách về việc một số đối tượng ngang nhiên lộng hành, tự ý đặt ra dịch vụ thu phí hàng hóa để bắt chẹt hành khách tại bến xe Yên Nghĩa. Từ thông tin của bạn đọc, chiều 13/5, PV Báo Giao thông trực tiếp có mặt tại bến ghi nhận thực trạng này.
Cách cổng ra vào khoảng 100m, đập vào mắt PV là chiếc biển khá to đề bốc xếp hàng hóa, có niêm yết giá bốc xếp, trông giữ đồ và kho hàng được quản lý bởi một công ty khai thác dịch vụ. Đáng nói, dù không có bất kỳ quy định nào bắt buộc người dân, hành khách phải sử dụng dịch vụ này, nhưng nhiều năm qua, bất kể xe nào xuất hiện với những thùng hàng hóa ra - vào đều phải nộp phí.
Trong vai hành khách mang túi hành lý to và nặng vào khu vực bến xe, lập tức PV được một người đàn ông đang lượn lờ trên chiếc xe máy Dream tiến tới đề nghị vác giúp hành lý ra xe với giá 10.000 đồng. Bị từ chối, người này tiếp tục đưa ra lời lẽ kiểu “xã hội”: “Đây là luật ở bến, mang đồ vào gửi là phải mất phí bến bãi”. |
Trắng trợn hơn, với mục đích tận thu, trong khu vực xếp khách của bến xe luôn có một đội nhân viên xăm trổ, “hổ báo” mang danh “tổ bốc xếp” thay phiên nhau lượn lờ, kiểm soát bằng xe máy. Khi phát hiện bất kể ai đến nhận đồ từ các nhà xe, lập tức các nhân viên này sấn sổ giành việc mang vác với giá từ 10.000 - 20.000 đồng/kiện hàng. Kể cả những món đồ rất nhỏ, hành khách không cần bốc vác, những người này cũng yêu cầu nộp tiền.
Đứng trước 2 bao hàng vừa phải nộp phí tại khu vực xe Thái Nguyên, anh Kiên, nhân viên của một công ty bao bì bức xúc nói: “Để vào được bến gửi đồ, ngày nào tôi cũng phải nộp 20.000 đồng/bao hàng và 5.000 đồng/xe máy ngay phía cổng. Nếu không nộp tiền, “tổ bốc xếp” sẽ không cho vào. Hoặc có vào được mà không đưa tiền sẽ bị những người này gây gổ, cà khịa ngay”.
Cũng theo anh Kiên, gần như ngày nào công ty anh cũng có hàng gửi ở bến xe Yên Nghĩa, chưa kể phí vận chuyển trả cho nhà xe, hàng tháng số tiền phải trả cho các đối tượng tự nhận là “tổ bốc vác” cũng lên đến tiền triệu.
Anh Phương, nhân viên giao hàng thuộc Công ty Sơn Đại Việt dẫn chứng cụ thể hơn. Mỗi lần vận chuyển sơn tới gửi ở bến Yên Nghĩa anh phải trả 5.000 đồng/thùng cho “tổ bốc xếp”. Một chuyến 7 thùng cộng với phí đi xe vào 5.000 đồng, tất thảy là 40.000 đồng/lần. Có ngày anh gửi tới 3 lần, tính ra mất hơn trăm nghìn đồng. “Đây là số tiền công ty tôi sẽ trả “tổ bốc xếp”, nếu tiền cá nhân chắc tôi không dám gửi đồ ở bến xe này nữa”, anh Phương nói.
Chị Nhung (phố Văn Phú, Hà Đông) bày tỏ bức xúc khi phải chịu những dịch vụ “giời ơi đất hỡi” mỗi lần đến bến Yên Nghĩa. “Bất kể nhìn thấy ai đến xe nhận hàng, lập tức sẽ có người ở đâu lao tới giành việc mang vác và thu phí tại chỗ, thùng nhỏ 10.000 đồng, thùng to 20.000 đồng. Chỉ cần những người đó xuất hiện, ai không nhờ làm họ cũng đè ra thu phí, không nộp không thể bước ra khỏi bến an toàn với họ”, chị Nhung nói.
Dịch vụ bốc xếp có bảng niêm yết quy định rõ ràng nhưng “tổ bốc xếp” vẫn thu theo “luật rừng”, không khuân vác, không bốc xếp cũng tính phí |
Quản lý bến nói không biết?
Phía hành khách là thế, tìm hiểu của PV, các nhà xe cũng đang phải chịu không ít những điều kiện vô lý từ thế lực ngầm mang danh “tổ bốc xếp” trong BX Yên Nghĩa. Theo nhân viên của một nhà xe (xin giấu tên), tất cả xe khách liên tỉnh tại đây đều không được đón hàng ngoài khu vực bến xe. Nếu cố tình nhận hàng ngoài bến sẽ lập tức có người đến dọa nạt.
“Cách đây gần 1 tháng, tôi cũng là nạn nhân của quy định vô lý này. Hôm trước, xe tôi có nhận một thùng hàng nhỏ ở khu vực cổng bến. Ngay hôm sau khi nhìn thấy xe chúng tôi lên, một thanh niên tầm 30 tuổi hùng hổ tiến vào, nói giọng đe nẹt và định đánh người của nhà xe. Mới đây, một nhân viên nhà xe tuyến Bắc Kạn bị đánh nhừ tử cũng vì nguyên nhân tương tự”, nhân viên này nói và cho biết, ở đây còn có tình trạng “tổ bốc xếp” bắt các nhà xe, thường là nhà xe đông khách phải liên kết, có hàng lên là phải chuyển ra chỗ họ. Hành khách nào đến lấy, ngoài phí trả cho nhà xe còn mất thêm một khoản phí trông coi”, nhân viên nhà xe nói trên cho hay.
Để làm rõ tình trạng này, PV liên lạc với ông Hoàng Vĩnh Long, Giám đốc Trung tâm Khai thác bến xe Hà Nội (đơn vị đang quản lý bến xe Yên Nghĩa). Ông Long cho biết, bến Yên Nghĩa có ký hợp đồng với một đơn vị làm dịch vụ bốc xếp. Đơn vị này hoạt động riêng và không phải nhân viên của bến xe. Tuy nhiên, bến xe vẫn thường xuyên giám sát, nếu đơn vị bốc xếp làm chưa đúng sẽ yêu cầu chấn chỉnh theo đúng quy định.
PV dẫn chứng các trường hợp hành khách vào bến gửi, lấy đồ, dù không nhờ bốc vác đều phải trả phí khuân vác 10.000-20.000 đồng, ông Long cho rằng, hành khách vào bến thấy bất cập phải phản ánh với trưởng bến ngay. “Mọi công việc an ninh, trật tự trưởng bến phụ trách và chịu trách nhiệm. Hàng ngày, trưởng bến đều báo cáo về công tác an ninh ở bến nhưng không thấy phản ánh về dịch vụ này”, ông Long nói.
Trong khi đó, ông Đinh Xuân Trường, Trưởng bến Yên Nghĩa cho biết, có thể hành khách bị “thu phí lạ” nhưng không ý kiến lại với bến. Một năm nay, không còn thấy khách hàng phản ánh với bến xe về tình trạng “thu phí lạ” này. Sau khi có phản ánh từ Báo Giao thông, bến sẽ họp đề nghị đơn vị quản lý chấn chỉnh. “Tổ bốc xếp phải thu tiền theo thỏa thuận với khách hàng, giá phải theo niêm yết đã cam kết với bến xe. Nếu không tuân thủ, chúng tôi sẽ đề xuất lãnh đạo bến dừng hợp đồng”, ông Trường nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận