Kho lạnh kín chỗ, giá tăng vọt
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, hiện nay các dịch vụ kho lạnh thường nằm ở các huyện ngoại thành Hà Nội, nơi tiện lợi về giao thông và dư địa đất rộng, thuận lợi làm nhà xưởng như: Thường Tín, Gia Lâm hay tỉnh ven như Hưng Yên, Hải Dương...
Một kho lạnh tại Giang Biên, Hà Đông, Hà Nội
Trong vai một khách hàng tìm nơi tập kết đồ hoa quả nhập ngoại, PV được một đơn vị cung cấp dịch vụ ở Thường Tín cho biết, doanh nghiệp có rất nhiều dịch vụ như: Lưu trữ thủy, hải sản đã qua chế biến, hóa chất, dược phẩm, kem tươi, dụng cụ y tế, vaccine…
Đối với hoa quả nhập ngoại, giá gửi được tính 17.000 đồng/pallet/ngày. Số lượng pallet gửi tính theo thực tế nhưng không thấp hơn dưới 2.500.000 đồng/tháng.
Đối với những đơn vị không có nhân viên chuyên trách, việc xuất, nhập hàng được tính giá dịch vụ 50.000 đồng/lượt. Thùng đựng 2.100 đồng/thùng nhưng không thấp hơn 21.000 đồng/mã.
Như vậy, một đơn hàng gửi hoa quả nhập khẩu tối thiểu để gửi trong kho lạnh 1 ngày vào khoảng 154.000 đồng.
Khi PV thắc mắc, nhân viên tư vấn Trần Hồng Nhung xác nhận, hơn 1 năm nay, giá dịch vụ tăng lên khoảng 30%, phần nhiều cho chi phí vận hành, nhân công tăng và nhu cầu gửi hàng đông lạnh tăng khoảng 20%.
“Giá bên em báo chuẩn và công khai, không thể giảm. Nếu gửi 1.000 pallet trở lên và ký hợp đồng 1 năm thì may ra giảm được khoảng 3 - 4%”, nhân viên này cho hay.
Cũng trong vai khách tìm chỗ để hoa quả nhập khẩu khoảng 4 container, PV được 1 đơn vị đặt tại Khu công nghiệp Giang Biên (Hà Đông) báo giá 1 container 20 feet, chứa 25 tấn hoa quả khoảng 570.000 đồng/ngày tiền thuê kho lạnh.
Đây là 2 trong số hơn 10 đơn vị được hỏi còn chỗ trống. Đa phần những đơn vị khác đều báo đã kín kho, không còn chỗ cho thuê.
Không những thế, các doanh nghiệp rất khó khăn trong việc báo giá, đặc biệt là những khách hàng mới.
Đơn cử như Công ty cổ phần Duy Dương, Cầu Giấy, Hà Nội yêu cầu PV phải cung cấp đăng ký kinh doanh, số lượng hàng qua Zalo mới cho báo giá, không gửi báo giá nếu như PV không cung cấp được thông tin theo yêu cầu.
Tình trạng nguồn cung kho lạnh khan hiếm, giá thuê cao khiến không ít tiểu thương đau đầu.
Chị Nguyễn Thúy Hạnh (quận Cầu Giấy, Hà Nội), chuyên nhập khẩu hoa quả chia sẻ, giá gửi kho lạnh chiếm khoảng 4 - 6% giá trị hàng hóa nhập khẩu.
Ví dụ mỗi đơn hàng 100.000 đồng, thì trong đó mất 4.000 - 6.000 đồng riêng tiền gửi kho lạnh. Toàn bộ chi phí gia tăng này đều tính vào giá bán.
Giá cao khó khăn trong tiêu thụ, chị thường xuyên phải bán giảm giá một số mặt hàng như táo, nho...
Không những thế, hiện nay những đơn hàng lẻ rất khó để tìm chỗ gửi.
“Như chúng tôi thường làm hợp đồng theo năm và thanh toán theo tháng và số lượng thực tế. Hàng hóa về vượt quá số lượng ghi trong giao kết hợp đồng thì phải báo trước hàng tuần để bên cung cấp chuẩn bị chỗ. Nếu về gấp thì không thể gửi nổi”, chị Hạnh cho hay.
Cầu tăng, cung nhỏ giọt
Chia sẻ với PV Báo Giao thông, đại diện Savills Việt Nam cho biết, phân khúc bất động sản kho lạnh của Việt Nam đang phát triển và dự báo sẽ đạt giá trị 295 triệu USD vào năm 2025 với mức tăng trưởng 12% mỗi năm.
Mặc dù nhu cầu ngày càng tăng nhưng nguồn cung cấp kho lạnh vẫn ít, chỉ có 48 cơ sở cung cấp dịch vụ với khoảng 600.000 kệ hàng; vận tải lạnh với hơn 700 xe tải đông lạnh và xe tải thùng đông lạnh.
Sự gia tăng mạnh mẽ của thương mại điện tử đang khiến các cơ sở lưu trữ đông lạnh tại Việt Nam chịu nhiều áp lực do số lượng hạn chế.
Cùng với đó, việc hủy bỏ các đơn hàng xuất khẩu cảng biển trong thời kỳ cao điểm đại dịch Covid-19 năm 2021 buộc các kho lạnh phải hoạt động tối đa công suất.
Có nhiều doanh nghiệp lớn tự chủ được kho lạnh, còn các công ty vừa và nhỏ đang phụ thuộc vào thị trường cho thuê quá đông đúc.
Chính vì vậy đã đẩy giá thuê lên cao, trung bình các mặt hàng từ 52 USD/tấn (1.248.000 đồng/tấn) vào đầu năm 2020 lên 87 USD/tấn (2.088.000 đồng/tấn) tăng 67% vào năm 2021.
Trước bối cảnh nhu cầu, giá tăng và nguồn cung khan hiếm, ông John Campbell, Quản lý bộ phận BĐS Công nghiệp, Savills Việt Nam nhận định, bất động sản kho lạnh cho thuê sẽ là phân khúc “vàng” trong bất động sản công nghiệp năm mới 2022.
Dưới góc độ nhà đầu tư, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà 7 cho biết, phát triển kho đông lạnh trong khu công nghiệp cũng như các sản phẩm bất động sản khác phụ thuộc vào nhiều yếu tố tác động như: Quy hoạch được phê duyệt, điều kiện về hạ tầng giao thông, bãi tập kết...
Cùng quan điểm, Giám đốc Khu công nghiệp Cát Lái cho hay, hiện nay Khu công nghiệp Cát Lái chưa đáp ứng được về hậu cần, kho lạnh, đường sá... so với nhu cầu của cảng Cát Lái.
“Đã có quy hoạch mở rộng kho bãi và một số doanh nghiệp đang xin chuyển đổi từ kho thường sang kho lạnh nhưng do vướng mắc giải phóng mặt bằng, dịch Covid-19 và khó khăn về tài chính nên doanh nghiệp chưa triển khai được. Tới đây đơn vị tiếp tục hỗ trợ pháp lý, giúp doanh nghiệp thuận lợi đổi sang kho lạnh. Sản phẩm này vốn không gây ô nhiễm môi trường và nhu cầu thiết thực trong phát triển kinh tế”, vị đại diện cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận