Bất động sản

Bất động sản lao đao, cơ hội của “cá mập”

14/12/2022, 06:53

Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp BĐS lao đao do thanh khoản yếu, thiếu vốn, thị trường lại chứng kiến sự gia tăng của những thương vụ mua bán.

“Mùa săn” của “cá mập”

img

Dự án Khu nhà ở thương mại Uni Galaxy Bình Dương – vừa “đổi chủ” từ BecamexTDC sang Gamuda Land Bình Dương

Một trong những thương vụ M&A thu hút sự quan tâm của thị trường thời gian qua là Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (BecamexTDC) chuyển nhượng dự án Khu nhà ở thương mại Dãy phố Ngân Hà (Uni Galaxy) cho Công ty TNHH Gamuda Land Bình Dương – Công ty con của Gamuda Land.

Theo tìm hiểu, tại thị trường phía Nam, BecamexTDC là một trong những doanh nghiệp lớn. Năm 2022, BecamexTDC đặt kế hoạch tổng doanh thu 2.889,9 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 139,26 tỷ đồng. Nhưng kết thúc 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu chỉ 799,18 tỷ đồng (đạt 27% kế hoạch), lợi nhuận sau thuế 23,59 tỷ đồng, (đạt hơn 16% kế hoạch).

Tháng 9, BecamexTDC chuyển nhượng dự án Uni Galaxy cho Công ty TNHH Gamuda Land Bình Dương với tổng giá trị chuyển nhượng 1.284,65 tỷ đồng. Trong đó, giá trị chuyển nhượng quyền sử dụng đất 1.250 tỷ đồng và giá trị chuyển nhượng hạ tầng kỹ thuật chưa gồm thuế GTGT 34,65 tỷ đồng.

Tại trung tâm Hà Nội, giới bất động sản ghi nhận thương vụ Viva Land mua lại tòa nhà văn phòng Capital Place - tòa nhà văn phòng hạng A thuộc khu vực trung tâm với giá 550 triệu USD từ CapitaLand Development. Dự án văn phòng cao cấp này là hai tòa tháp văn phòng cao 37 tầng, được lựa chọn đặt văn phòng chính của nhiều tập đoàn đa quốc gia tại Hà Nội.

Keppel Land cũng ký thỏa thuận mua 49% cổ phần trong 3 khu đất tại Hoài Đức, Hà Nội của Công ty Cổ phần Địa ốc Phú Long với tổng giá trị khoảng 119 triệu USD, để phát triển dự án nhà ở bao gồm 1.020 căn chung cư và 240 căn thấp tầng.

Ngoài ra còn nhiều thương vụ M&A đình đám, ở nhiều các phân khúc khác như: Quỹ đầu tư Hoa Kỳ Warburg Pincus công bố việc rót khoản vốn đầu tư 250 triệu USD vào Novaland, nhằm gia tăng quỹ đất và phát triển các dự án hiện hữu; Logos Property Services bắt tay với Manulife Financial đầu tư hơn 80 triệu USD vào một dự án logistics mới có diện tích 116.000m2 được xây dựng tại KCN Dầu Giây, Đồng Nai; BW Industrial công bố mua lại khoảng 74.000m2 đất tại Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong ở tỉnh Quảng Ninh, do DEEP C phát triển...

Theo báo cáo tổng quan thị trường Cushman & Wakefield, một doanh nghiệp toàn cầu về dịch vụ bất động sản vừa công bố, tính đến tháng 9, khối lượng thương vụ M&A đạt hơn 1,5 tỷ USD. Đây là mức giá trị giao dịch cao nhất trong 5 năm qua, chủ yếu tập trung vào phân khúc văn phòng, công nghiệp, nhà ở và khách sạn tại các thành phố trọng điểm như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương và Đồng Nai.

Còn số liệu của Bộ KH&ĐT, 9 tháng qua, dự án được đầu tư qua hình thức góp vốn là 2.697 lượt, đầu tư theo hình thức M&A khoảng 3,28 tỷ USD.

Để M&A nhanh chóng, dự án cần minh bạch

Các chuyên gia dự báo, thị trường M&A tiếp tục sôi động trong thời gian tới. Đồng thời sẽ xuất hiện những lớp đại gia “cá mập” tiếp tục dẫn dắt thị trường. Bởi thực tế, hiện tượng trên đã từng có tiền lệ trong đợt khủng hoảng trước. Đó là sự góp mặt của các doanh nghiệp ngành khác nhảy vào mua lại dự án bất động sản.

Ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Sohovietnam, đơn vị chuyên tư vấn chuyển nhượng các dự án bất động sản cho biết, khi thị trường lâm vào khủng hoảng thì M&A diễn ra rất sôi động. Hiện có rất nhiều quỹ đầu tư hay các nhà đầu tư cá nhân đặt hàng đơn vị “săn” các tài sản giá trị như khách sạn vừa và nhỏ, tòa nhà văn phòng hay các resort, nhà phố… với tổng giá trị đầu tư ước chừng 8.000-10.000 tỷ đồng. Trong quá trình thương lượng, giá bán giảm khoảng 15 - 20%. Nhà đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 30%.

Cùng đó, nhiều chủ dự án từ khu đô thị, khu công nghiệp cho đến tòa nhà văn phòng, khách sạn, resort, dự án chưa xây hoặc đang xây dở dang, hoặc tài sản đang vận hành... cũng đang nhờ các công ty chuyên tư vấn M&A bán lại. Hầu hết đây là những doanh nghiệp quy mô lớn.

Ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc R&D DKRA Vietnam phân tích: “Trong nguy có cơ”, mỗi cuộc khủng hoảng là một cuộc thanh lọc thị trường. Sẽ có những tập đoàn bị gục ngã nhưng thị trường sẽ chứng kiến những doanh nghiệp mới vươn lên và dẫn dắt. Câu lạc bộ triệu phú/tỷ phú sẽ có thêm sự góp mặt của một lớp chủ doanh nghiệp bất động sản mới.

“Trong đợt điều chỉnh của thị trường hiện nay, tôi cho rằng cũng là giai đoạn định hình cho lớp doanh nghiệp bất động sản mới dẫn dắt thị trường trong những năm tiếp theo”, ông Thắng nói.

Ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam nói thêm, M&A được kỳ vọng sẽ giúp thị trường bất động sản sôi động hơn trong thời gian tới.

Theo Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, một trong những điều quan trọng nhất đối với các nhà đầu tư quốc tế là tính minh bạch. Thị trường càng minh bạch thì nhà đầu tư nước ngoài càng quan tâm: “Các nhà đầu tư nước ngoài có nhiều vốn, đang chờ được đầu tư vào bất động sản. Họ muốn hợp tác với các nhà đầu tư địa phương, nhưng họ cần giao dịch diễn ra nhanh chóng’.

Theo Bộ KH&ĐT, trong 10 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị M&A đạt 5,7 tỷ USD. Các giao dịch tiếp tục được dẫn dắt bởi các doanh nghiệp Việt Nam với giá trị hơn 1,3 tỷ USD. Các ngành, lĩnh vực chính thu hút nhiều khoản đầu tư gồm: Tiêu dùng (1,2 tỷ USD), bất động sản (gần 1 tỷ USD), công nghiệp (800 triệu USD).

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, Bộ đang xây dựng, soạn thảo, hoàn thiện dự thảo các Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Hợp tác xã (sửa đổi)…. nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng, minh bạch cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, trong đó có hoạt động M&A.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.