Theo khảo sát Đánh giá Tâm lý thị trường các ngành kinh doanh tại 31 thị trường trên toàn cầu của Savills cho thấy, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 tại nhiều nước đạt đỉnh về số ca nhiễm mới kể từ cuối tháng 3/2020, mọi sự tập trung đã chuyển sang vấn đề ngừng đóng cửa biên giới. Các ngành hàng kinh doanh không thiết yếu mở cửa trở lại.
Savills ghi nhận, khoảng 29% các quốc gia tham gia hiện ở mức “trung lập”, 52% đánh giá “khá tiêu cực”, và chỉ 16% đánh giá “tiêu cực”. Đáng chú ý, thị trường Trung Quốc ghi nhận mức tâm lý “khá tích cực” khi một số hoạt động bất động sản đã quay trở lại. Hàn Quốc và Việt Nam, hai quốc gia với tỷ lệ nhiễm bệnh giảm nhanh, cũng đều tâm lý thị trường ở mức “trung lập”.
Nguồn cầu văn phòng ổn định
Khách thuê đã phải điều chỉnh đáng kể lối sống và làm việc kể từ khi đại dịch xuất hiện. Đáng chú ý, một số ngành kinh doanh bắt đầu có các dấu hiệu ổn định khi dịch bệnh đạt đỉnh tại một số quốc gia.
Nguồn cầu văn phòng giữ ổn định tại 42% quốc gia, trong khi 55% còn lại có nguồn cầu ở mức giảm trung bình. Hưởng lợi từ sự tăng trưởng tích cực của ngành bán lẻ trực tuyến, nguồn cầu cho lĩnh vực hậu cần không thay đổi hoặc tăng vừa phải tại hơn 79% các quốc gia. Chỉ duy nhất lĩnh vực bán lẻ và khách sạn có nhu cầu giảm, với mức giảm mạnh tại hơn một nửa số lượng quốc gia.
Có thể thấy rõ sự phục hồi tại Trung Quốc. Tại đây, hoạt động cho thuê bán lẻ và văn phòng tăng ở mức vừa phải trong nửa đầu tháng 4/2020. Dù Trung Quốc vẫn thực thi giãn cách xã hội, tỷ lệ sử dụng đã tăng lên khi nhiều văn phòng và cửa hàng bắt đầu mở cửa trở lại. Ngành khách sạn cũng đang dần phục hồi, nhưng nguồn cầu vẫn còn thấp hơn so với mức trước khi dịch bệnh bắt đầu. Tuy vậy. khi các hoạt động đang dần được phục hồi, một số đợt bùng phát lần hai đã khiến Trung Quốc quay lại áp dụng lệnh phong tỏa tại một số khu vực như ở Thành phố Cáp Nhĩ Tân tại tỉnh Hắc Long Giang.
Tăng cường hỗ trợ bên thuê
Giá thuê được ghi nhận không thay đổi trên 60% các ngành và quốc gia, và tăng ở 71% các quốc gia đối với lĩnh vực văn phòng. Dấu hiệu giảm rõ rệt hơn ở lĩnh vực khách sạn và bán lẻ.
Một lý do khiến giá thuê chưa giảm mạnh là do việc sử dụng rộng rãi các khoản hỗ trợ khách thuê trong khoảng thời gian này. Khách thuê bán lẻ được hưởng lợi nhiều nhất, với 80% các quốc gia cho biết có tồn tại hình thức hỗ trợ giá thuê. Việc hoãn trả phí dịch vụ, thay đổi cơ cấu thanh toán cũng khá phổ biến và đang được áp dụng tại 40% quốc gia.
Ngay cả với thị trường văn phòng, nơi giá thuê phần lớn không bị ảnh hưởng, vẫn có đến 43% quốc gia ghi nhận việc sử dụng một số gói hỗ trợ thuê cho khách thuê. Bên cạnh đó, lĩnh vực hậu cần chịu ít ảnh hưởng nhất và do đó, có rất ít khoản hỗ trợ được áp dụng.
Ở hầu hết các nước, chính sách phong tỏa mới được áp dụng hơn một tháng, song song với các chính sách và biện pháp hỗ trợ từ Chính phủ và chủ nhà, hiện tượng phá vỡ các hợp đồng cho thuê vẫn chưa được ghi nhận rộng rãi.
Thị trường văn phòng trong nước ổn định
Theo nhận định của ông Lê Tuấn Bình, Trưởng phòng cho thuê thương mại của Savills Hà Nội, thị trường văn phòng cho thuê tại Hà Nội trong quý 1-2020 có hoạt động ổn định.
Số liệu thống kê cho thấy, tổng nguồn cung văn phòng đạt khoảng 1,8 triệu m2, giảm 1% theo quý và tăng 3% theo năm khi hai dự án hạng A tại khu vực trung tâm là International Centre và Vietcombank Tower ngừng cho thuê để cải tạo và sử dụng nội bộ.
Hạng B tiếp tục chiếm lĩnh thị trường với 47%, theo sau là hạng C với 28%. Hầu hết các dự án nằm tại khu vực phía tây thành phố.
Theo ông Bình, thị trường văn phòng cho thuê quý 1 vẫn chưa ghi nhận tác động tiêu cực đáng kể của Covid-19, và vẫn duy trì hoạt động ổn định. Hầu hết các hợp đồng thuê có thời hạn từ 3-5 năm, do đó hoạt động vẫn được thông suốt.
Giá thuê gộp trung bình giảm nhẹ 1% theo quý nhưng tăng 1% theo năm. Công suất thuê không thay đổi theo quý và tăng 1 điểm phần trăm theo năm, riêng hạng A có sự tăng trưởng mạnh nhất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận