Ảo thuật gia Hoàng Nghiêm với tấm bằng xác nhận kỷ lục Việt Nam |
Ảo thuật gia Hoàng Nghiêm vừa xác lập kỷ lục Việt Nam với tiết mục ảo thuật “Người bay trong không gian với hai người bay ở độ cao cao nhất”. Anh chia sẻ về cái nghề “hữu danh vô thực” cũng như cái sự “nhiều lần thất bại” của mình.
Nhiều lần thất bại
Sau đợt lưu diễn và giao lưu cùng với các ảo thuật gia quốc tế, cũng như sau khi xem show người bay của các ảo thuật gia nổi tiếng như David Copperfield, Erix Logan... khi trở về nước, ảo thuật gia Hoàng Nghiêm đã lập tức bắt tay vào công cuộc thiết kế bản vẽ, sáng tạo tiết mục riêng của mình. Do đây là tiết mục người bay trong không gian đầu tiên tại Việt Nam nên dụng cụ để thực hiện cho tiết mục này rất hiếm. Anh đã chế tạo dựa trên những dụng cụ có sẵn để làm thành các giá nâng đỡ và phải tập luyện hàng tuần.
Không tiết lộ quá sâu về cách dàn dựng tiết mục với lý do “thiên nhiều quá về chuyên môn”, Hoàng Nghiêm cho biết, anh đã phải trải qua rất nhiều lần thất bại. Sản phẩm làm ra không được như tiêu chí mong muốn thì toàn bộ khung kỹ thuật đều phải thay đổi, dựng lại bản vẽ mới. Mỗi lần như vậy, anh tốn tới 20-30 triệu đồng để thay thế dụng cụ, khốn nỗi dụng cụ dành cho tiết mục rất khó kiếm trong nước.
Ban đầu khi dựng tiết mục này, Hoàng Nghiêm chỉ làm người bay khoảng 2m để đảm bảo sự an toàn, tránh rủi ro nguy hiểm. Sau đó, anh quyết tâm nâng cấp phần người bay lên tầm cao 4m. “Đưa một người lên độ cao 4m là cả một vấn đề cho người biểu diễn chính và người phụ diễn. Khi lên cao, mọi người rất sợ rủi ro. Tôi may mắn là người phụ diễn ngày trước từng là cascadeur nên cô ấy mới dám lên tới độ cao đó. Trước mỗi lần biểu diễn, đích thân tôi phải kiểm tra từng chút một về dụng cụ để đảm bảo độ an toàn cao nhất”, Hoàng Nghiêm cho biết.
Một tiết mục biểu diễn đòi hỏi sân khấu lớn, trang thiết bị âm thanh, ánh sáng công phu mới có thể thực hiện. Riêng đội hỗ trợ dụng cụ, biểu diễn cũng lên tới 4 người này đã chính thức được Hội Kỷ lục gia Việt Nam xác nhận là kỷ lục Việt Nam vào ngày 12/12. Thực tế, tiết mục này đã được anh giới thiệu vào 2 năm trước. Tính đến nay, anh đã biểu diễn tiết mục này khoảng 8 suất với sân khấu đầu tiên là sân khấu Long Điền Sơn (tỉnh Tây Ninh).
Tiết mục ảo thuật “Người bay trong không gian với hai người bay ở độ cao cao nhất” |
Sinh nghề tử nghiệp
Sinh năm 1978 trong một gia đình không mấy khá giả ở TP HCM, từ bé Hoàng Nghiêm đã có niềm yêu thích với bộ môn ảo thuật. Anh bắt đầu học ảo thuật từ năm lớp 10 và khi lên đại học (Đại học Văn hóa), anh đã bắt đầu đi diễn cho các sự kiện của Thành đoàn, Đoàn Thanh niên, trung tâm văn hóa trong trường và địa phương.
Mãi đến bây giờ, Hoàng Nghiêm vẫn nhớ như in sự kiện đưa anh tới với sân khấu lớn để biểu diễn ảo thuật. Sau một lần biểu diễn tại cuộc giao lưu sinh viên trong trường, trưởng đoàn văn công Đồng Tháp đã xin số và mời anh đi diễn cùng. Tại sân khấu Đồng Tháp, lần đầu anh diễn trước vài trăm khán giả. Họ thích thú đón nhận, những tràng pháo tay “biz” từng hồi, khiến anh quyết định theo nghề, bỏ công việc tại trung tâm văn hóa quận.
Cha mẹ biết chuyện, giận một thời gian dài. Anh theo Đoàn văn công Đồng Tháp, rày đây mai đó, từ Bắc tới Nam với thu nhập chỉ khoảng 300 nghìn đồng/tháng. Bên cạnh phụ cấp ăn uống do đoàn văn công lo, mỗi suất diễn của anh được bồi dưỡng thêm 30 nghìn đồng. Lúc ấy, thu nhập của một công nhân đã là 800-1 triệu đồng/tháng nên anh cũng chỉ có thể cố gắng lo cho bản thân mình, chứ không có tiền để phụ giúp bố mẹ. Cuộc sống bấp bênh, nhiều lúc khiến anh có ý định từ bỏ, nhưng nghĩ đến câu thành ngữ “sinh nghề tử nghiệp”, anh lại tiếp tục bước.
Tuy nhiên, anh cũng thừa nhận nghề này gặp nhiều sự cố, cũng may các sự cố anh gặp đều không quá nguy hiểm. Vì chỉ một tiết mục bị bể (khán giả phát hiện mánh khóe - PV) là sẽ hỏng hết cả bài, bởi người biểu diễn sẽ bị thay đổi tâm lý, bị bối rối, lo lắng, không còn khả năng biểu diễn nữa. Anh cũng không ít lần bị khán giả vạch trần tiết mục, nhưng do có kỹ năng, nên anh xử lý tốt hơn nhiều đồng nghiệp. Đối với tiết mục nguy hiểm như dùng bàn chông, cưa…, Hoàng Nghiêm đều cẩn thận dùng 3-4 ổ khóa thay vì 1 ổ như bình thường để đảm bảo độ an toàn cao nhất.
Hoàng Nghiêm kể, trong một tiết mục biểu diễn có liên quan tới dầu, người trợ diễn của anh vô tình đổ tràn dầu khiến dầu nhanh chóng bén lửa và cháy hết mặt dụng cụ. Nhờ có kinh nghiệm và khả năng làm chủ sân khấu nên anh nhanh trí cởi áo để dập lửa. Pha xử lý tình huống bình tĩnh hoàn hảo đến nỗi khán giả hoàn toàn không phát hiện ra sự cố, họ vẫn nghĩ đó là một phần của tiết mục.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận