Tổng thống Mỹ Donald Trump dự yến tiệc tại Nhà Xanh (Hàn Quốc) |
Quốc yến (tiệc chiêu đãi cấp quốc gia) không chỉ là cơ hội để thể hiện văn hóa ẩm thực, sự hiếu khách, mức độ tôn trọng của nước chủ nhà với nguyên thủ quốc gia tới thăm mà còn tạo hiệu ứng đặc biệt trong đàm phán. Trong chuyến công du châu Á của Tổng thống Mỹ Donald Trump, các nước chủ nhà Nhật, Hàn, Trung Quốc đã chuẩn bị quốc yến như thế nào?
“Hiệu ứng vịt Bắc Kinh”
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang dừng chân tại điểm thứ 3 - Trung Quốc trong khuôn khổ chuyến công du châu Á dài ngày nhất của một nguyên thủ Mỹ từ năm 1992 tới nay. Tại đất nước nổi tiếng thế giới về ẩm thực như Trung Quốc, Tổng thống Mỹ chắc chắn sẽ được chiêu đãi một bữa tiệc linh đình với cao lương mỹ vị tại Đại lễ đường Nhân dân Trung Quốc.
Dù Chính phủ Bắc Kinh giữ kín thực đơn yến tiệc nhưng theo thông lệ, bữa tiệc này có ý nghĩa rất lớn trong quan hệ ngoại giao Trung Quốc. Điều này đã được lịch sử chứng minh, điển hình là bữa tiệc tiếp đón Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger tại Bắc Kinh hồi tháng 10/1971.
Sau các cuộc đối thoại căng thẳng và bế tắc trong cả buổi sáng, Thủ tướng Trung Quốc thời điểm đó là ông Zhou Enlai đã mời khách món vịt Bắc Kinh cho bữa trưa. Món vịt quay nổi tiếng của Trung Quốc được phục vụ cùng bánh kếp, hành lá, dưa chuột chấm cùng tương đen, thực sự đã mang lại hiệu ứng tích cực, xoa dịu căng thẳng cho các cuộc đàm phán tiếp theo.
Sau bữa ăn, những cuộc gặp buổi chiều diễn ra trong không khí được ghi nhận là thoải mái hơn. Hai quan chức cấp cao Mỹ - Trung đã đạt được thỏa thuận về các chi tiết liên quan tới chuyến thăm của Tổng thống Richard Nixon diễn ra sau đó vài tháng vào năm 1972. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Mỹ tới Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa kể từ khi được thành lập năm 1949.
Với Tổng thống Trump, ông nổi tiếng là người yêu thích đồ ăn nhanh, chuộng một bữa ăn được phục vụ với bít tết chín kỹ và sốt cà chua, rất có khả năng ông cũng được thiết đãi vịt Bắc Kinh. Sau khi chứng minh được “khả năng thuyết phục từ dạ dày thần kỳ”, món vịt quay Bắc Kinh gần như trở thành món ăn chính, không thể thiếu trong thực đơn yến tiệc.
Để chuẩn bị một bữa quốc yến, sẽ có hơn 160 đầu bếp được lựa chọn tham gia, theo tờ People’s Daily. Khi thiết kế thực đơn cũng như cân nhắc các yếu tố gia vị và giá trị dinh dưỡng, các đầu bếp thường phải tìm hiểu “khẩu vị, tuổi tác, tình hình sức khỏe của khách”, tờ báo Trung Quốc chia sẻ thêm.
Trang Bưu điện Hoa Nam (SCMP) dẫn một nguồn tin ngoại giao Trung Quốc cho biết, quá trình chuẩn bị quốc yến tại đây phải thể hiện rõ tầm quan trọng của thực khách. Nguồn tin cho biết, nếu như ở Tokyo (Nhật Bản), Tổng thống Trump có thể được phục vụ bánh hamburger kẹp thịt bò Mỹ, thì ở Trung Quốc khó có khả năng này xảy ra. Bởi, Trung Quốc luôn muốn thể hiện những kỹ năng nấu nướng tốt nhất, đặc sắc nhất.
Truyền thống của Bắc Kinh là phục vụ các lãnh đạo nước ngoài bằng thực phẩm truyền thống. Những món ăn nước ngoài cũng có thể có mặt trong thực đơn nhưng không phải món chính, nguồn tin chia sẻ. Theo người này, “qua việc phục vụ thực phẩm tốt nhất mà đất nước có, nước chủ nhà sẽ tạo sự thoải mái, thư giãn nhất cho khách trước khi họ tiếp tục bước vào bàn đàm phán sắp tới”.
Hôm nay (10/11), chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Mỹ tới Trung Quốc mới kết thúc, nhưng những sự kiện trước đó diễn ra với không khí thân mật và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Các công ty của Mỹ và Trung Quốc đã ký các thỏa thuận trị giá 250 tỉ USD. Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn nhận định: “Đây quả thực là phép màu”.
Lùm xùm về nguồn gốc thực phẩm
Không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng đàm phán, tới sức khỏe, tâm trạng của các lãnh đạo, những món ăn trong yến tiệc còn liên quan tới nhiều vấn đề ngoại giao. Lùm xùm xung quanh câu chuyện nguồn gốc thực phẩm trong bữa tiệc phục vụ Tổng thống Trump trong chuyến thăm của ông tới Hàn Quốc là điển hình.
Lùm xùm bắt nguồn từ những con tôm được dùng trong quốc yến tiếp Tổng thống Trump và phu nhân Melania tại Nhà Xanh. Loại tôm này được cho là bắt ở ngoài khơi hòn đảo đang tranh chấp giữa Hàn Quốc và Nhật, theo SCMP. Hòn đảo này đang nằm dưới sự kiểm soát của Hàn Quốc, được Seoul gọi là Dokdo, còn Nhật gọi là Takeshima, là trung tâm tranh chấp lãnh thổ kéo dài hàng thập kỷ và gây ra nhiều mâu thuẫn ngoại giao giữa hai nước.
Người phát ngôn Chính phủ Nhật cho rằng: Việc tránh né tất cả những hành động có thể gây tác động tiêu cực tới quan hệ giữa Tokyo, Seoul và Washington là vô cùng quan trọng. Về phần Hàn Quốc, chính quyền Tổng thống Moon Jae-in ngay lập tức phản ứng: Thực đơn phục vụ Tổng thống Trump được chuẩn bị kỹ càng nhằm bày tỏ sự trang trọng của chuyến thăm, cũng như thể hiện cho liên minh vững chắc trong quan hệ hai nước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận