Bạn cần biết

Bật mí về “gia đình khuyển” đường hoa Nguyễn Huệ

03/02/2018, 06:27

So với các linh vật trước, linh vật năm nay rất khó làm. Chú chó trong văn hóa dân gian là con vật...

14

Nghệ nhân Văn Tòng bên những linh vật trong xưởng sản xuất của mình

Khi mà Tết chỉ còn đếm từng ngày, chúng tôi tìm đến xưởng chế tác linh vật của nghệ nhân Văn Tòng (phường Thạnh Lộc, quận 12, TP.HCM), ghi nhận không khí sản xuất khẩn trương, nhộn nhịp. Chia sẻ với Báo Giao thông, nghệ nhân cho biết, đang cùng các học trò hoàn thành nốt các công đoạn cuối để đưa những “gia đình khuyển Phú Quốc” trưng bày tại đường hoa Nguyễn Huệ mừng xuân Mậu Tuất 2018.  

Chỉ bằng những vật liệu đơn giản, thậm chí là đồ bỏ đi như: Xốp trắng, vải, thạch cao…, bỗng chốc biến thành những con vật có hồn, có tình cảm, sống động trước mắt du khách. Ông đã học những kỹ thuật này ở đâu?

Tôi đam mê nghệ thuật từ nhỏ nên được cha mẹ cho học 2 ông thày dạy căn bản, sau đó tự mày mò chứ tôi không học trường lớp nào cả. Ban đầu, tôi chỉ muốn nhiều người biết đến một nét văn hóa truyền thống của dân tộc qua các linh vật, nhưng không ngờ, nghề tạc tượng linh vật ngày càng được ưa chuộng. Giờ thì nhiều khách hàng, công ty tới đặt hàng mang lại khoản thu nhập ổn định cho gia đình nên tôi đầu tư và mở rộng hơn…

Chục năm trở lại đây, năm nào tôi cũng đi nước ngoài vài lần, tìm đến những thành phố có kỹ nghệ làm mô hình sân khấu giỏi để học hỏi thêm, chắt lọc những cái hay tạo thành nét riêng cho mình. Niềm vui lớn nhất là khi những bức tượng, những con linh vật của mình được sử dụng trong các sự kiện, lễ hội và được nhiều người đón nhận.

Mỗi lần được Ban tổ chức mời làm linh vật cho đường hoa Nguyễn Huệ, cảm giác ông thế nào?

Năm Mậu Tuất với linh vật là con chó. BTC đường hoa Nguyễn Huệ chọn chủ đề Khát vọng vươn cao. Ngay sau khi nhận lời, tôi đã suy nghĩ và quyết định lấy cảm hứng từ những chú chó Phú Quốc. Bởi, giống chó này tính cách nhanh nhẹn, thông minh, gan dạ… Do đó, từ khâu sơn, vẽ đến các công đoạn lắp ráp linh vật tôi cùng các cộng sự phải làm hết sức tỉ mỉ.

Ông có thể bật mí về đàn chó Phú Quốc năm nay trưng bày ở đường hoa Nguyễn Huệ?

Đó là một đàn chó hơn 20 con, gồm chó bố, mẹ có chiều cao 2,8m, dài 2m. Trên thân vẽ các họa tiết lấy cảm hứng từ những loại tem Việt Nam. Trong tiểu cảnh ở đường hoa Nguyễn Huệ năm nay, sẽ là hình ảnh gia đình chó sum vầy hạnh phúc chào đón mùa xuân mới. So với các linh vật trước, linh vật năm nay rất khó làm. Chú chó trong văn hóa dân gian là con vật biểu tượng cho sự trung thành, thịnh vượng, phát tài. Vì vậy, tôi phải nghiên cứu, thể hiện những chi tiết đó trên đàn chó để người xem nhìn vào sẽ cảm nhận được sự sung túc này. Tất các các nghệ nhân trong xưởng phải làm việc cật lực gần 2 tháng nay. Trước đó, tôi thành lập nhóm thiết kế, phác thảo mẫu, sau đó lấy ý kiến rồi lập ra mô hình nhỏ, cuối cùng mới thành như linh vật như hiện tại.

Ông có hài lòng với sản phẩm đặc biệt là đàn chó Phú Quốc chuẩn bị trưng bày trên đường hoa Nguyễn Huệ dịp Tết?

Tôi hài lòng nhất là chất liệu vải, nước sơn khiến linh vật rất giống như thật. Cái chưa được là vẫn còn nhiều ý kiến chưa thống nhất về màu sắc hình ảnh linh vật. Đơn cử như nhiều người có ý kiến khác nhau về thân và tai chó Phú Quốc. Tôi vẫn bảo lưu là chó Phú Quốc tai lớn, thân dài chứ không như chó ngoại. Dự kiến, ngày 3/2, sẽ xuất xưởng đưa linh vật ra đường hoa Nguyễn Huệ trang trí.

Đường hoa Nguyễn Huệ đã thành thương hiệu nổi tiếng khi Tết đến xuân về, nơi hàng vạn người dân và cả khách du lịch nước ngoài thưởng ngoạn. Bởi vậy, chúng tôi không cho phép mình chế tác trùng lặp ý tưởng mà phải luôn sáng tạo, làm mới. Phần khó và thách thức nhất trong thiết kế linh vật là phải làm sao thể hiện đúng tính cách của con vật ngoài đời, lại phải mang đậm dấu ấn bản sắc văn hóa, dân gian Việt Nam. Trong 12 con giáp, con cọp là dễ thiết kế nhất, còn khó nhất là con rắn. Bởi, con vật này dù không xa lạ với người dân nhưng để thiết kế sinh động, vừa gần gũi trong lòng công chúng không dễ.

Trong cuộc đời làm nghề của mình, tôi ấn tượng nhất khi được đoàn làm phim Kinh Kong nhờ chế tác con Kinh Kong (phim Đảo đầu lâu quay ở Việt Nam) giống như trong phim để trang trí tại quận 7 (TP HCM) để ra mắt bộ phim. Suốt cả tháng trời tôi mới chế tác xong và nó rất giống hình ảnh thật trong phim. Tiếc là đã xảy ra một sự cố và chỉ trong tích tắc, con Kinh Kong này đã bị ngọn lửa thiêu rụi, còn mỗi khung sắt, khiến tôi rất đau lòng…

Cảm ơn ông!

Đôi nét về nghệ nhân Văn Tòng

Nghệ nhân Văn Tòng tên thật là Phan Văn Mẹt (SN 1951 tại TP HCM). Vợ chồng ông có 6 người con và hiện tại đều theo nghiệp ông.

Ông từng tham gia thiết kế, dàn dựng, làm mô hình mỹ thuật cho sân khấu hơn 40 năm qua và được nhiều đạo diễn gọi ông là “vua mô hình mỹ thuật sân khấu”.

Dấu ấn nghệ nhân Văn Tòng để lại ấn tượng trong lòng nhiều người chính vào năm 2014. Khi đó, TP HCM tổ chức lễ đón nhận bằng của UNESCO công nhận nghệ thuật Đờn ca tài tử là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, ông từng cùng ê-kíp biến sân trước Dinh Thống Nhất thành một làng quê Nam bộ, với đầy đủ các mô hình đặc trưng miền sông nước.

Nghệ nhân Văn Tòng còn là tác giả của các sân khấu lớn Festival Đờn ca tài tử tại Bạc Liêu và tại Carnaval Hạ Long, sự kiện Sài Gòn 300 năm và Hào khí 300 năm Biên Hòa - Đồng Nai. Ông cũng từng thiết kế các sân khấu lớn khác như: Festival Huế, Festival Gốm sứ Việt Nam, Festival Dừa Bến Tre…

Đường hoa Nguyễn Huệ 2018 có gì?

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Mậu Tuất 2018 có chủ đề Khát vọng vươn xa, dài 720m mang nhiều sắc thái và gồm ba phân đoạn.

Cổng chào đường hoa là phân đoạn đầu tiên - Mùa xuân thành phố - gồm ba cụm. Phía bên trái cổng là những chú chó Phú Quốc cao 2m trong tư thế chuyển động, đầu ngẩng cao, dáng chạy dũng mãnh.

Đảo gia đình linh vật bên phải mang ý nghĩa sum vầy với những chú chó được nuôi dưỡng trong gia đình, nhanh nhẹn, thân thiện và hiền lành. Cổng chính đường hoa là gia đình nhà chó với niềm hạnh phúc cùng chào đón sự khởi đầu mới.

Hàng loạt tiểu cảnh lạ mắt được bài trí dọc hai bên đường hoa gồm: Các biểu tượng tròn có thể chuyển động, tháp hoa ba tầng được điểm xuyết với đèn lồng và gia đình nhà chó du xuân.

Đại cảnh Xuân reo vui được bố trí tiếp nối sau những chiếc thuyền cách điệu chở cúc vàng - tượng trưng cho sắc vàng rực của những cánh đồng lúa chắc hạt căng tròn mùa bội thu trong năm mới. Ngay sau đó là những cây nấm hoa, bộ ấm trà khổng lồ và những viên đường, bánh mứt ngày xuân.

Phân đoạn hai Hội nhập và phát triển ở ngay giao lộ Huỳnh Thúc Kháng - Nguyễn Huệ là hình ảnh chú chó cao 3,6m làm từ các loại hoa, lá li ti nhiều màu sắc. Nổi bật nhất là những thảm hoa rực rỡ nối liền cỏ xanh kéo dài từ đường Huỳnh Thúc Kháng tới đường Ngô Đức Kế. Xen kẽ là các đại cảnh, tiểu cảnh như: Thành phố phát triển, Thành phố kết nối, Thành phố nhân văn, Thành phố thông minh.

Phân đoạn ba Vươn tới tương lai mở đầu bằng hình ảnh 3 chú chó rất lớn bằng chất liệu gỗ gồm các tiểu cảnh: Đèn ý tưởng, Tương lai xán lạn, Tương lai kết nối, Tương lai phồn vinh, Tương lai xanh, Cây tương lai.

Đường hoa Nguyễn Huệ năm nay (năm thứ 15) kéo dài từ ngày 13 - 19/2 (28 tháng Chạp đến mùng 4 Tết).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.