Xã hội

Bát nháo khai thác đá rút ruột tài nguyên ở Sơn La

04/12/2019, 21:07

Khu vực mỏ đá này nằm sát tỉnh lộ 101, đá khai thác tập kết lấn hết phần đường, chỉ có xe máy mới có thể đi qua...

img
Đại công trường khai thác đá tại bản Nà Bai, xã Quang Minh

Thời gian qua, Báo Giao thông liên tục nhận được phản ánh của người dân về việc trên địa bàn 2 xã Tô Múa và Quang Minh, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La xảy ra tình trạng lợi dụng xây dựng đường giao thông nông thôn để khai thác đá bán kiếm lời.

Chiều 27/11, PV Báo Giao thông có mặt tại khu vực mỏ đá bản Khảm, xã Tô Múa, huyện Vân Hồ và ghi nhận công trường khai thác đá rất nhộn nhịp. Một phần ngọn núi đã được khai thác, phía chân núi là nhiều máy nghiền đá công suất lớn, phía ngoài là một máy xúc đang xúc đá lên xe tải. Khu vực mỏ đá này nằm sát TL101, đá khai thác tập kết lấn hết phần đường, chỉ có xe máy mới có thể đi qua, còn ô tô phải dừng lại, chờ máy xúc đưa hết đá lên xe tải mới có thể lưu thông được.

Tương tự, tại mỏ đá bản Nà Bai (xã Quang Minh) rộng vài trăm m2, công nhân đang khoan đá, máy nghiền đá hoạt động vội vã cùng hàng chục xe tải đang nối đuôi nhau chờ lấy hàng, bụi bay mù mịt gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Ngoài việc hoạt động nổ mìn khai thác đá gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đường giao thông, một số hộ gia đình trú tại bản Na Bai, xã Quang Minh cũng phản ánh việc đơn vị khai thác đặt máy nghiền đá trên diện tích đất rừng các gia đình được Nhà nước giao khoanh nuôi bảo vệ.

Anh Hà Văn Dũng ở xã Tô Múa, huyện Vân Hồ - một lái xe tải cho biết, mỏ đá ở xã Tô Múa và xã Quang Minh đã khai thác khoảng 2 năm nay, giá bán trên dưới 200.000 đồng/m3. Do gần đường giao thông, nên hai mỏ đá đều khai thác đến đâu bán sạch đến đó.

Trong vai người đi mua đá, PV Báo Giao thông cũng được ông Thành - người quản lý mỏ đá tại bản Nà Bài báo giá loại đá (1x2) là 250.000 đồng/m3; còn đá hộc là 140.000 đồng/m3.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Hà Văn Thuần, Chủ tịch UBND Tô Múa cho biết: “Mỏ đá ở bản Khảm được cấp phép khai thác làm đường nông thôn mới ở bản, chỉ được hoạt động có 1 tuần rồi cho nghỉ luôn. Mỏ đá không bán cho dân mà chỉ phục vụ 3,4 tuyến đường nông thôn mới, giá đá 4x6 là giá 200.000 đồng/m3, do Doanh nghiệp Thiêm Ngân (đóng trên địa bàn) đứng ra làm”.

Còn ông Đinh Văn Như, Chủ tịch UBND xã Quang Minh cũng khẳng định, trên địa bàn không có đơn vị nào được cấp phép khai thác đá. “Mỏ đá bản Nà Bai chỉ được cấp phép trên tuyến để làm đường giao thông”, ông Như cho hay. Tuy nhiên, khi PV yêu cầu cung cấp văn bản chứng minh việc đơn vị thi công được cấp phép khai thác trong quá trình phá tuyến để phục vụ việc thi công thì xã không thể cung cấp được.

Qua điện thoại, ông Nguyễn Hồng Thành, Trưởng phòng TN&MT huyện Vân Hồ xác nhận, trên địa bàn xã Tô Múa và xã Quang Minh không có đơn vị nào được cấp phép khai thác đá. “Chỉ có trên địa bàn xã Quang Minh có đơn vị làm đường từ Mường Tè đến Quang Minh là được khai thác đá tận thu ở trên tuyến, để phục vụ làm đường”, ông Thành cho biết. Khi PV yêu cầu gặp và làm việc để xác minh thông tin cụ thể thì ông Thành cho biết đang “bận họp”.

Trong khi đó theo ghi nhận thực tế của PV tại tuyến TL101 việc thi công diễn ra rất chậm, nhu cầu sử dụng đến đá các loại chưa cần thiết nhưng đơn vị thi công vẫn sản xuất ra hàng nghìn m3 đá để tập kết tại bãi.

Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin về việc này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.