Vô tư chạy sai lốt giờ
2h45 sáng 26/6, trong vai hành khách, PV Báo Giao thông có mặt tại văn phòng nhà xe Đức Phát (thuộc bến xe phía Tây Thanh Hoá, TP Thanh Hoá). Tại đây, hàng chục hành khách đang chờ xuất vé và ngồi đợi đến giờ lên xe đi Hà Nội.
Khung cảnh nhộn nhịp tại văn phòng nhà xe Đức Phát ở bến xe phía Tây Thanh Hoá lúc 2h45 sáng 26/6.
Tại bàn làm việc của nhân viên xuất vé, những tờ lệnh vận chuyển dù chưa ghi đầy đủ thông tin chuyến đi, người điều khiển phương tiện đã được đóng dấu xuất bến, sẵn sàng cho chuyến đi.
Đúng 3h, nhân viên nhà xe thông báo hành khách có vé đi các xe BKS 36F - 009.01, 36F - 010.71, 36F - 072.57 lần lượt di chuyển ra vị trí xe đỗ trong sân bến để lên xe.
Ổn định vị trí khách trên xe theo đúng bản danh sách đã in trước đó, 3 chiếc xe nối đuôi nhau rời bến trong đêm, trước khi ra khỏi địa phận Thanh Hoá vẫn đón thêm khách dọc đường đã đặt xe từ trước.
Về tới Hà Nội, 3 chiếc xe này cùng di chuyển vào bến xe Nước Ngầm, hành khách xuống xe nhanh chóng được nhân viên điều phối thành từng nhóm lên xe trung chuyển để đưa về điểm đến trong nội thành Hà Nội.
Nhà xe Đức Phát vận chuyển khách từ TP Thanh Hoá đi Hà Nội sai lốt giờ sáng 26/6.
Đáng nói rằng, thời điểm xuất bến lúc 3h tại bến xe phía Tây Thanh Hoá của 3 xe khách nhà xe Đức Phát không có trong lốt giờ được cấp phép theo quy định. Chuyến sớm nhất trong ngày theo chấp thuận của Sở GTVT Thanh Hoá dành cho nhà xe này tuyến Thanh Hoá - Hà Nội từ Thanh Hoá đi là 4h sáng, tiếp theo đó là các chuyến: 4h30, 5h, 6h, 7h, 7h40, 9h20, 11h, 11h30, 12h, 13h20, 13h55, 14h30, 15h15, 15h55, 16h55, 18h, 19h.
Mặt khác, theo quy định, mỗi lốt giờ chỉ được chạy duy nhất một xe, tuy nhiên, cùng một lốt giờ, nhà xe Đức Phát sắp xếp 3 xe đón khách cùng xuất bến.
Sau khi xuất bến xe phía Tây Thanh Hoá lúc 3h sáng 26/6, khoảng 2 tiếng sau, cả 3 chiếc xe BKS 36F - 009.01, 36F - 010.71, 36F - 072.57 nhà xe Đức Phát cùng cập bến Bến xe Nước Ngầm.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Bến xe Nước Ngầm xác nhận, qua camera giám sát tại bến, 3 xe khách BKS 36F - 009.01, 36F - 010.71, 36F - 072.57 cùng di chuyển vào bến này lúc 5h3 sáng 26/6.
Thực tế là thế, song trên lệnh vận chuyển của 3 xe BKS 36F – 009.01, 36F - 072.57, 36F - 010.71 lại lần lượt có giờ xuất bến lúc 4h, 4h30 và 5h. Trong đó, lốt 4h không có trong danh sách các lốt giờ xuất bến Thanh Hoá được chấp thuận.
Rõ ràng, những chiếc dấu cho phép xe xuất bến của bến xe phía Tây Thanh Hoá trên lệnh vận chuyển đã được "cộp" từ rất sớm, có sẵn ngay khi nhà xe đang bán vé, tập trung hành khách tại văn phòng. Điều này vô tình tạo điều kiện cho đơn vị vận tải chạy sai lốt, giờ quy định.
Trong khi đó, theo quy định tại Thông tư 12/2020/TT-BGTVT (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 18/2024), nhân viên bến xe và người lái xe chỉ thực hiện nhiệm vụ kiểm tra và cùng ký xác nhận các thông tin trên lệnh vận chuyển sau khi hướng dẫn người lái xe cho xe vào vị trí đón khách, kiểm tra hàng hoá, hành khách trên xe và trước khi cho xe xuất bến.
Không vào bến vẫn có lệnh xuất bến
Trong hai ngày 27-28/6, PV Báo Giao thông tiếp tục ghi nhận trên tuyến TP Sầm Sơn (Thanh Hoá) - Bến xe Giáp Bát (Hà Nội).
Những chiếc xe khách BKS 36H - 064.34, 36B - 036.12… của nhà xe Hải Hạnh thay vì vào bến lại ngang nhiên đón/trả khách tại khu vực cuối đường Nguyễn Du (TP Sầm Sơn), ngay cạnh địa chỉ nhà xe.
4h sáng 28/6, xe khách BKS 36H - 064.34 sau khi xếp khách tại đây, tài xế cho xe di chuyển trên đường Nguyễn Du đến khu vực giao giữa đường Tống Duy Tân, dừng đón khách dọc đường. Hết đường Nguyễn Du, tài xế rẽ phải về đường Lê Lợi ra QL47 vượt qua bến xe Sầm Sơn đón khách rồi chạy thẳng lên TP Thanh Hoá và ra Hà Nội.
Ở chiều về, ngày 27/6, lúc 17h10, xe BKS 36B – 036.12 vô tư trả khách dọc đường Lê Lợi, sau đó chạy thẳng về đoạn đường phía cuối đường Nguyễn Du. Trả khách tại đây, lái xe cho xe lùi lại đỗ trước cửa nhà có bảng tên "Nhà xe Hải Hạnh", kết thúc chuyến đi.
Đáng chú ý, hầu hết các chuyến xe cả đi và về trong ngày đều không vào bến xe Sầm Sơn nhưng nhà xe Hải Hạnh vẫn có dấu xuất bến trên mỗi lệnh vận chuyển được ví như chiếc "lệnh bài" để sử dụng trên đường khi lực lượng chức năng kiểm tra cũng như xuất trình để được vào bến xe Giáp Bát trả khách và đón khách cho chuyến ngược lại từ Hà Nội về Sầm Sơn.
Lệnh vận chuyển của nhà xe Hải Hạnh sử dụng dấu giả (ảnh dưới) và mẫu dấu chuẩn của bến xe Sầm Sơn (ảnh trên).
Vén màn bí mật
Đi tìm nguồn gốc những chiếc "lệnh bài" trên các chuyến xe cố định tuyến Sầm Sơn – Hà Nội của nhà xe Hải Hạnh, PV Báo Giao thông hết sức ngạc nhiên khi ông Lê Đình Lịch, Giám đốc Công ty CP Quản lý và Khai thác bến xe Thanh Hóa cho biết, thời gian vừa qua, nhà xe Hải Hạnh không đưa phương tiện vào bến khai thác nên bến xe không thực hiện đóng dấu trên lệnh vận chuyển cho bất kỳ xe khách nào của nhà xe này.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Tùng, Giám đốc Bến xe Giáp Bát khẳng định bến xe này chỉ chấp nhận xe vào trả/đón khách tại bến khi có lệnh vận chuyển đầy đủ thông tin và có dấu cho phép xuất bến tại đầu bến đi.
Thực hiện đối chiếu giữa dấu xuất bến đóng trên lệnh vận chuyển của nhà xe Hải Hạnh sử dụng khi xuất trình vào Bến xe Giáp Bát và mẫu dấu xuất bến của Bến xe Sầm Sơn, PV ngỡ ngàng khi hai mẫu dấu không đồng nhất.
Liệu có hay không việc nhà xe Hải Hạnh đang sử dụng con dấu giả để tự đóng trên lệnh vận chuyển cho phép xe vận chuyển khách tuyến cố định Bến xe Sầm Sơn (Thanh Hoá) - Bến xe Giáp Bát (Hà Nội)?
Ngay sau khi nhận phản ánh của PV, ông Lịch cho biết, đã lập tức trao đổi và gửi mẫu dấu xuất bến của Bến xe Sầm Sơn cho Bến xe Giáp Bát, đề nghị không tiếp nhận bất cứ phương tiện nào tuyến Bến xe Sầm Sơn - Bến xe Giáp Bát nếu trên lệnh vận chuyển sử dụng sai mẫu dấu xuất bến của Bến xe Sầm Sơn.
Đồng thời, cũng trực tiếp thông báo đến nhà xe để chấn chỉnh hành vi trên, đề nghị xe vào bến, thực hiện đúng quy định về vận chuyển khách tuyến cố định liên tỉnh.
Đối với trường hợp của nhà xe Đức Phát, ông Lịch thừa nhận, việc đóng dấu xuất bến trên lệnh vận chuyển cho các xe của đơn vị này quá "sớm" so với thời gian quy định.
Thông thường, bến xe chỉ đóng dấu xuất bến trên lệnh vận chuyển cho các doanh nghiệp vận tải khoảng 15 phút trước khi xe xuất bến và sau khi kiểm tra các điều kiện về tài xế, phương tiện, hành khách, giá vé…
Mặt khác, chỉ cho phép đơn vị vận tải tăng cường xe vào các ngày cao điểm thứ 6,7, CN trong tuần hoặc các ngày lễ, Tết. Việc cho xe xuất bến tăng cường vào lốt giờ không có trong chấp thuận khai thác tuyến trong ngày thường là không đúng quy định.
Về vấn đề này, Giám đốc Công ty CP Quản lý và Khai thác bến xe Thanh Hoá cho biết sẽ rà soát, chấn chỉnh hoạt động tại bến xe phía Tây Thanh Hoá. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật nhằm nâng cao chuyên môn đối với cán bộ, nhân viên điều độ tại bến, đảm bảo thực hiện đúng quy định về hoạt động của bến xe, đặc biệt trong quản lý cấp lệnh xuất bến, tăng cường xe của các đơn vị vận tải.
Theo quy định tại Thông tư 12/2020/TT-BGTVT (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 18/2024), lệnh vận chuyển do doanh nghiệp, hợp tác xã tự in theo mẫu quy định ban hành kèm theo thông tư. Giờ xuất bến trên lệnh vận chuyển của từng chuyến xe là mốc thời gian để xác định thời điểm xe phải rời khỏi bến xe khách.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận