Đô thị

Bát nháo xe điện không đăng kiểm chở khách du lịch

11/02/2023, 06:24

Xe điện bốn bánh chỉ được phép chở khách du lịch trong đường nội bộ khu du lịch, muốn chạy trên đường phải đăng ký, đăng kiểm.

Tuy nhiên, hoạt động của loại hình này khá lộn xộn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT.

Hoạt động bát nháo

img

Hơn 250 xe điện bốn bánh được sử dụng ở chùa Tam Chúc để chở hành khách tham quan nhưng không nằm trong phạm vi tuân thủ quy định Luật GTĐB nên chưa có đăng ký, đăng kiểm

Những ngày đầu tháng 2/2023, ghi nhận của PV Báo Giao thông tại nhiều khu du lịch ở các tỉnh, thành trên cả nước xuất hiện hàng loạt chiếc xe điện bốn bánh không đăng ký, đăng kiểm vô tư chở khách tham quan.

Tại khu vực làng nghề gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) - một trong những điểm được TP Hà Nội đồng ý thí điểm xe điện chở khách du lịch, ngay phía trước cổng UBND xã Bát Tràng đã đặt biển tạm thời dừng đỗ, đón trả khách du lịch của xe điện.

Phía trước Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt (thuộc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh) có 5 chiếc xe điện bốn bánh do công ty này quản lý luôn “trực chiến” để đón, trả khách tham quan. Theo tìm hiểu, toàn bộ số xe điện này đều không đăng ký, đăng kiểm và không niêm yết giá trên phương tiện.

Giá vé khách phải trả dao động từ 20.000 - 360.000 đồng, tùy theo địa điểm di chuyển trong làng gốm Bát Tràng. Thậm chí, những chiếc xe điện còn “vượt” khỏi phạm vi làng gốm để chở khách đến làng hoa Xuân Quan, khu đô thị sinh thái Ecopark tham quan.

Ngoài các xe điện của Công ty Quang Vinh, tại Khu du lịch làng nghề gốm sứ Bát Tràng còn có khoảng 10 chiếc xe điện không rõ nguồn gốc, không ghi tên đơn vị, không niêm yết giá vé, không đăng ký, đăng kiểm. Người điều khiển phương tiện không có bảng tên, không mặc đồng phục nhưng vẫn thi nhau chở khách, luồn lách vào các tuyến đường, khu dân cư xã Bát Tràng.

Liên quan đến việc này, đại diện Đội CSGT Công an huyện Gia Lâm cho biết, sẽ kiểm tra, rà soát, xác minh và xử lý vi phạm nếu có.

Tương tự, tại quần thể di tích thắng cảnh chùa Hương, TP Hà Nội đã chấp thuận cho Công ty Chùa Hương Xanh thí điểm xe điện bốn bánh chở khách với 50 xe.

Tuy nhiên, thực tế, số xe hoạt động tại đây lớn hơn rất nhiều bởi theo ghi nhận, có xe điện đã được đánh số thứ tự đến 75. Một số xe còn ngang nhiên chở khách vượt ra ngoài khu vực điểm đỗ, đón trả khách theo quy định.

Tại khu du lịch chùa Tam Chúc (Hà Nam) cũng diễn ra tình trạng tương tự. Có khoảng gần 300 chiếc xe điện bốn bánh hoạt động trong đường nội bộ được đánh số thứ tự mà không có đăng ký, đăng kiểm.

Lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở GTVT Hà Nam cho biết, do các xe điện bốn bánh hoạt động ở khu vực nội bộ của chùa Tam Chúc nên không quản lý và không nắm được số lượng phương tiện hoạt động. Tuy nhiên, đơn vị này sẽ giao TTGT kiểm tra, nếu hoạt động vượt khỏi phạm vi nội bộ sẽ xử lý.

Ông Mai Quốc Đạt, đại diện Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Tam Chúc thừa nhận, thời điểm đông khách, do gặp khó khăn trong việc kiểm soát, dẫn đến xuất hiện một số trường hợp chở quá số người quy định.

Công ty từng xin các cơ quan có thẩm quyền được đăng ký, đăng kiểm cho xe điện hoạt động trong khu du lịch Tam Chúc nhưng không được chấp thuận do các xe này không tham gia giao thông mà chỉ hoạt động nội bộ.

Quản cách nào?

img

Chuyên gia cho rằng, xe điện hoạt động tại các khu du lịch cũng cần có quy định riêng về đảm bảo an toàn kỹ thuật phương tiện nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách

Theo đại diện Vụ Vận tải, Bộ GTVT, trường hợp phương tiện này tham gia giao thông trong phạm vi được UBND tỉnh chấp thuận nhưng không đăng ký, đăng kiểm là vi phạm quy định tại Thông tư 86.

Nếu hoạt động trong nội bộ các khu du lịch, không tham gia giao thông trong hệ thống đường bộ sẽ không phải thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

Cũng theo lãnh đạo Vụ Vận tải, hiện nội dung dự thảo Luật GTĐB sửa đổi đã bổ sung quy định đối với xe chở người bốn bánh, nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho loại hình vận tải này.

Theo đó, xe điện bốn bánh phải đáp ứng một số tiêu chuẩn của xe ô tô nói chung như: Hệ thống lái, phanh; vô lăng bên trái; đèn chiếu sáng; lốp, gương chiếu hậu; vành, lốp đúng kích cỡ của loại xe; dây đai an toàn, kính chắn gió đạt chuẩn an toàn.

Ngoài ra, phương tiện này chỉ được sử dụng vào mục đích kinh doanh vận tải và chỉ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh mới được kinh doanh.

Khi hoạt động, phải đáp ứng các điều kiện: Có đăng ký, đăng kiểm, trên xe có thiết bị giám sát hành trình và niêm yết tên, điện thoại của đơn vị vận tải, người điều khiển phải có GPLX ô tô tương ứng với số người được phép chở.

Tuy nhiên, đại diện Vụ Vận tải cho biết, quy định trên chỉ áp dụng cho các phương tiện tham gia giao thông trên hệ thống đường bộ, đối với các xe di chuyển trong đường nội bộ ở các khu du lịch vẫn không thuộc diện quản lý.

Trường hợp xảy ra sự cố, đơn vị chủ quản của các khu vực này phải chịu toàn bộ trách nhiệm.

Liên quan đến nội dung này, theo Thượng tá Phạm Việt Công, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, cần rà soát, nghiên cứu để ban hành những quy định riêng về trách nhiệm của các khu du lịch, yêu cầu đăng ký phương tiện để quản lý chặt chẽ hơn, đặc biệt tại những khu du lịch quy mô lớn.

Thông tư 86/2014/TT-BGTVT quy định rõ điều kiện đối với xe chở người bốn bánh có gắn động cơ và người điều khiển tham gia giao thông trong phạm vi hạn chế. Cụ thể, xe chạy bằng động cơ, có hai trục, ít nhất bốn bánh xe, vận tốc thiết kế tối đa 30km/h, số chỗ ngồi tối đa không quá 15 chỗ (kể cả người lái).

Điều kiện hoạt động chở khách phải có đăng ký, đăng kiểm, bảo hiểm trách nhiệm dân sự, người lái phải có GPLX hạng B2 trở lên. Khi tham gia giao thông chỉ được hoạt động trong phạm vi tuyến đường và thời gian nhất định, theo quyết định của UBND cấp tỉnh và phải chấp hành quy tắc giao thông như xe ô tô dưới 15 chỗ ngồi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.