Du lịch

Bát phố Cần Thơ bằng xe buýt, tại sao không?

23/11/2023, 11:30

Từ 5.000 - 30.000 đồng, khách tha hồ ngắm phố phường Cần Thơ với 7 tuyến xe buýt nội thành.

Trải nghiệm ngắm phố phường Cần Thơ bằng xe buýt

Được nhiều bạn bè chỉ dẫn, anh Nguyễn Thanh Đức (32 tuổi) ngụ thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước đầu tháng 11 đã đưa gia đình bốn người của anh đến Cần Thơ du lịch. Lần đầu đến thủ phủ miền Tây, anh thận trọng tìm hiểu các điểm tham quan, đặc biệt là các phương tiện giao thông để di chuyển.

"Tất nhiên là chúng tôi có nhiều phương án như gọi taxi, xe công nghệ. Nhưng thấy những chiếc xe buýt ở thành phố này đẹp, hiện đại, tôi cũng thử tìm hiểu", anh Đức kể.

Bát phố Cần Thơ bằng xe buýt, tại sao không? - Ảnh 1.

Xe buýt ghé trạm đón khách ở trung tâm Cần Thơ.

Không khó để anh Đức tra được thông tin trên mạng, Cần Thơ hiện có 7 tuyến xe buýt đang khai thác với tổng chiều dài mạng lưới trên 254km. Cụ thể gồm, tuyến Ba Láng - Ô Môn; công viên sông Hậu - trung tâm thị trấn Phong Điền; Ô Môn - ngã ba Lộ Tẻ; Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ - bến xe khách trung tâm; Ô Môn - Vĩnh Thạnh; ngã ba Lộ Tẻ - Kinh B; ngã ba Lộ Tẻ - thị trấn Cờ Đỏ.

Hơn nữa, đơn vị khai thác các tuyến xe buýt còn có những chính sách ưu đãi cho người cao tuổi, người có công, người khuyết tật. Cụ thể, cự ly từ 0 - dưới 20km: 11.000 đồng/người; cự ly từ 20km - đến 30km, giá 18.000 đồng/người; cự ly từ 30km - đến 50km, giá 21.000 đồng/người. Riêng học sinh, sinh viên chỉ 5.000 đồng/người cho toàn tuyến.

"Gia đình tôi quyết định chọn xe buýt để có những trải nghiệm khác biệt cho chuyến du lịch và trải nghiệm này không hề tồi", anh Đức chia sẻ sau chuyến đi.

Gia đình anh Đức chọn tuyến xe buýt Công viên sông Hậu - thị trấn Phong Điền để từ trung tâm quận Ninh Kiều đến các khu du lịch sinh thái ở huyện Phong Điền. Tuyến xe buýt này có điểm đầu là sân bay Cần Thơ, điểm cuối khu di tích lịch sử chiến thắng Ông Hào.

Chiếc xe buýt 19 chỗ ngồi, với lộ trình toàn tuyến 38km, xe xuất phát từ sân bay Cần Thơ, qua đường Võ Văn Kiệt, Mậu Thân, Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, Trần Phú, Lê Lợi rồi đón gia đình anh Đức ở công viên sông Hậu.

Khi lên xe, anh Đức không khỏi bất ngờ vì sự tiện nghi, hiện đại của xe buýt. "Xe máy lạnh chạy êm ru, wifi mạnh, chỗ ngồi sạch sẽ", anh Đức háo hức kể.

Bát phố Cần Thơ bằng xe buýt, tại sao không? - Ảnh 2.

Nếu biết sắp xếp thời gian và công việc, xe buýt là một lựa chọn tiết kiệm, thuận tiện.

Với điểm đến là khu du lịch Mỹ Khánh ở huyện Phong Điền, trên hành trình, gia đình anh Đức thảnh thơi ngắm phố phường Cần Thơ khi xe đi qua cầu Ninh Kiều, các tuyến đường trung tâm Cần Thơ như: Phan Đình Phùng, Nguyễn An Ninh, 30/4, Mậu Thân, 3/2, Nguyễn Văn Linh trước khi đến đường Nguyễn Văn Cừ nối dài, vào khu du lịch Mỹ Khánh.

"Tôi và vợ rất bất ngờ khi trải nghiệm bằng xe buýt ở Cần Thơ. Với quãng đường khoảng 15km, chúng tôi mất hơn nửa tiếng là tới đích. Chưa nói chuyện mắc rẻ gì, vì gia đình tôi đi bốn người nhưng chúng tôi hài lòng. Hơn nữa, tôi luôn ủng hộ việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng để di chuyển", anh Đức nhận định.

Cần Thơ sẽ có thêm nhiều tuyến xe buýt khác

Từ năm 2020, Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố Cần Thơ đã mời gọi nhà đầu tư khai thác 7 tuyến xe buýt nội thành với hình thức không trợ giá. Có 42 xe buýt chất lượng cao, đạt chuẩn khí thải Euro 4 phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Những chiếc xe buýt cũ kỹ, ì ạch trên đường phố Cần Thơ đã lùi vào dĩ vãng.

Dù vậy, với việc phương tiện giao thông cá nhân tăng cao mỗi năm, việc sử dụng xe buýt để đi lại vẫn chưa đủ để hấp dẫn người dân ưu tiên lựa chọn. Trong khi đó, chỉ cần sắp xếp được thời gian, công việc thì xe buýt là một lựa chọn vô cùng tiết kiệm, thuận tiện, góp phần giảm ùn tắc giao thông vào các giờ cao điểm.

Bát phố Cần Thơ bằng xe buýt, tại sao không? - Ảnh 3.

Sẽ có thêm nhiều tuyến xe buýt nội thành Cần Thơ và các tỉnh liền kề trong thời gian tới.

Lãnh đạo Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị (thuộc Sở GTVT Cần Thơ) cho biết, ngoài 7 tuyến xe buýt nội thành đang hoạt động, Cần Thơ còn có các tuyến xe buýt liền kề đang khai thác đi các tỉnh lân cận gồm: thành phố Vĩnh Long, huyện Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long); thị trấn Đại Ngãi (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng); Hậu Giang, thành phố Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp); ngã ba Lộ Tẻ (quận Thốt Nốt, Cần Thơ) - huyện Châu Thành (tỉnh An Giang).

Ngoài ra, để tiếp tục phát triển hoạt động xe buýt trên địa bàn, Sở GTVT Cần Thơ đã tham mưu thành phố, dự kiến mở thêm 9 tuyến xe buýt mới gồm bốn tuyến nội tỉnh: Cần Thơ - Giai Xuân - Phong Điền; Phong Điền - Lộ Tẻ Ba Se - Ô Môn, Phong Điền - Thới Lai, Ba Láng (quận Cái Răng) - khu công nghiệp Trà Nóc - Ô Môn.

Năm tuyến xe buýt liền kề gồm: Công viên Sông Hậu (Cần Thơ) - thị trấn Kinh Cùng (Hậu Giang); huyện Phong Điền (Cần Thơ) - thị trấn Bảy Ngàn (Hậu Giang); sân bay Cần Thơ - thị trấn Đại Ngãi (huyện Long Phú, Sóc Trăng); huyện Thới Lai (Cần Thơ) - huyện Giồng Riềng (Kiên Giang); huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ) - huyện Giồng Riềng (Kiên Giang).

Theo quy hoạch, đến năm 2023, là đô thị loại I, Cần Thơ phải đạt tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng từ 10-15% theo yêu cầu của Chính phủ và Bộ GTVT. Để làm được điều này, Cần Thơ cũng đã chỉ đạo Sở GTVT thành phố tổ chức đấu thầu, mời gọi nhà đầu tư tham gia 9 tuyến xe buýt mở mới trên theo hình thức không trợ giá.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.