Hiện 13 tỉnh, thành phố đang có chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT 10 tháng đầu năm 2020 vượt mức bình quân chung của toàn quốc, tác động tiêu cực đến Quỹ khám chữa bệnh BHYT.
Số lượt khám giảm nhưng số chi không tương ứng
Theo ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), thời gian qua, các địa phương trên toàn quốc đã thực hiện khá nghiêm túc công tác quản lý, chi trả chi phí KCB BHYT. Ước tính trong 10 tháng đầu năm 2020, số chi KCB BHYT chiếm 82,7% dự toán chi cả năm, thấp hơn 3% so với cùng kỳ 2019.
Tuy nhiên, thực tế đang cho thấy một số nguy cơ với Quỹ KCB BHYT. Mặc dù số lượt KCB BHYT giảm đi so với cùng kỳ năm trước do tác động của dịch Covid-19 nhưng tổng chi KCB BHYT trong 10 tháng đầu năm lại không giảm nhiều, với mức chi bình quân/lượt KCB BHYT cao hơn so với năm 2019...
Hiện dịch Covid-19 đã cơ bản được khống chế, Việt Nam đang dần quay lại tình trạng bình thường, người dân không còn quá lo lắng và hạn chế tiếp xúc xã hội như thời gian qua, dự báo chi phí KCB BHYT trong 2 tháng 11 - 12/2020 sẽ có xu hướng gia tăng. Nếu không có các giải pháp quyết liệt và hiệu quả hạn chế gia tăng chi phí không cần thiết, sẽ tác động tiêu cực đến Quỹ KCB BHYT.
Ngoài TP Hà Nội, TP HCM, 11 địa phương như: Bắc Giang, Nam Định, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Ninh Bình, Thanh Hóa, An Giang, Cần Thơ, Đồng Nai, Kiên Giang cũng có số chi KCB BHYT trong 10 tháng đầu năm cao hơn bình quân chung toàn quốc với số chi chiếm từ 86 - 99% dự toán chi của cả năm.
“Con số thống kê cho thấy, 13 địa phương đang chiếm tỷ lệ chi KCB BHYT lớn trên toàn quốc. Do đó, nếu không khẩn trương tập trung, chỉ đạo kiểm soát để Quỹ KCB BHYT được sử dụng một cách hợp lý, ngành BHXH sẽ khó thực hiện được chỉ tiêu đặt ra đầu năm”, ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam nhấn mạnh.
Tìm nguyên nhân vượt chi
Trước tình hình này, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các địa phương phân tích rõ nguyên nhân vượt chi, tăng số lượt KCB, tần suất sử dụng các dịch vụ kỹ thuật... Đồng thời, đề xuất các giải pháp phù hợp với điều kiện của địa phương
Cơ quan BHXH không chỉ dừng lại ở phát hiện, cảnh báo mà cần các phải đi vào “chiều sâu” hơn nữa, tối ưu hóa tài nguyên của mình là các dữ liệu KCB, phân tích chuyên ngành để “đấu tranh” một cách hiệu quả, ngăn chặn các vi hành vi lạm dụng, lãng phí...
Ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam
Chia sẻ về khó khăn, đại diện BHXH các địa phương cùng quan điểm, nguyên nhân là do sự gia tăng số lượng cơ sở y tế, cơ sở y tế tư nhân; tác động của dịch Covid-19 khiến người bệnh hạn chế chuyển lên tuyến trên, dẫn tới gia tăng mức phí bình quân cho một trường hợp bệnh;. Nhiều cơ sở y tế có lạm dụng chỉ định dịch vụ y tế như gia tăng chi phí cận lâm sàng không cần thiết, tăng thu dung bệnh nhân nội trú, xu hướng gia tăng điều trị y học cổ truyền, kéo dài ngày điều trị...
Để tháo gỡ các khó khăn tại các địa phương này, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXH đề nghị Ban thực hiện chính sách BHYT dựa trên tình hình thực tế, có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố, phản ánh tình hình thực tế và đề nghị chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa đến công tác thực hiện chính sách BHYT, ngăn chặn kịp thời hành vi trục lợi, lãng phí nguồn Quỹ BHYT.
Về phía BHXH các địa phương, cần rà soát lại hệ thống cơ sở KCB BHYT trên địa bàn, phân tích làm rõ những biểu hiện, chi phí bất thường; dự kiến sự phát triển cơ sở y tế trên địa bàn cho năm sau phục vụ dự toán; tham gia đầy đủ vào hệ thống giám sát của Hệ thống Thông tin giám định BHYT...
Nhận thức rõ nguy cơ với Quỹ BHYT, xác định tổng Quỹ KCB BHYT phù hợp với điều kiện thực tế; nâng cao trách nhiệm từng cá nhân, người đứng đầu. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, đặc biệt là thanh tra chuyên ngành các nơi có dấu hiệu vi phạm, kiên quyết xử lý các vi phạm...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận