Trong khi đang chờ Bộ Tư pháp có thông tin cụ thể về kết quả đấu giá lô 60.000 cây cao su của Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum vẫn đang ồ ạt khai thác (ảnh chụp ngày 6/4)
Ồ ạt khai thác, vô tư chở quá tải!
Cả chục ngày qua, PV Báo Giao thông trực tiếp có mặt tại nông trường Ia Chim (TP.Kon Tum, Kon Tum) - 1 trong 4 nông trường vừa được đấu giá gần 60.000 cây cao su thanh lý của Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum, ghi nhận hoạt động khai thác diễn ra ồ ạt. Mỗi ngày, hàng chục công nhân cưa, cắt khúc, khuân vác cây cao su thanh lý bị đốn hạ lên trên các thành thùng ô tô tải diễn ra nhộn nhịp.
Tại đây, cả chục chiếc xe tải từ 2 đến 4 chân (trục) cơi nới thành thùng, chờ sẵn. Phút chốc, những khúc cao su bị cắt ngắn chừng 1m được đưa lên xếp cao quá thành thùng. Chưa đầy tiếng đồng hồ, hàng chục cây cao su thanh lý cao trên dưới 15m đã bị chặt khúc, đưa lên thanh thùng.
Tài xế xe BKS 81C-077.54 thản nhiên bảo, mình lái xe thuê, có chuyến có tiền, xe chở gần 40 tấn cây cao su. Trong khi đó, trích xuất dữ liệu đăng kiểm, xe này chỉ có tải trọng cho phép 17 tấn, tổng trọng tải 30 tấn. Ngoài ra, nhìn mắt thường cũng có thể thấy xe này cơi nới thành thùng.
Gần bên cạnh, xe tải BKS UN-12.29 cũng đang hối hả nhận đầy thùng cây cao su cắt khúc. Dễ thấy, xe cơi thùng lên cả 4m, xếp đầy cao su. Theo cánh tài xế, với loại xe 4 chân này phải chở đến trên dưới 40 tấn.
“Ở đây mạnh ai người đó khuân vác và chở. Chỉ riêng nhân công bốc vác cũng được 30-40.000 đồng/tấn”, một thợ bốc vác cây nói.
Tất cả các xe chở cao su thanh lý đều chở quá tải
Vô tư lưu thông trên các tỉnh lộ, đường Hồ Chí Minh từ nông trường Ia Chim (Kon Tum) sang Gia Lai. Xe chở quá tải rõ ràng nhưng tuyệt nhiên không bị các tổ TTKS ngăn chặn, xử lý.
Cứ thế, những chiếc xe chở cao su quá tải ì ạch chạy trên con đường đất nông trường đi ra phía Tỉnh lộ 671, rồi bẻ lái ra đường Phạm Văn Đồng, xuôi về phía Gia Lai. Mới đây nhất, hơn 13 giờ ngày 7/4, xe tải BKS UN-12.29 từ nông trường Ia Chim theo hành trình trên trực chỉ hướng Gia Lai. Suốt tuyến đường Hồ Chí Minh, xe liên tục rồ ga, ép người đi đường, nguy cơ mất ATGT.
Hơn 2 tiếng sau, xe UN-12.29 bẻ lái vào Nhà máy cưa xẻ chế biến gỗ của Công ty TNHH Nhất Hưng Gia Lai tại KCN Trà Đa (TP.Pleiku, Gia Lai). Quan sát của PV, lúc này, xe tải 81C-077.54 cũng vào đổ cao su và đang đỗ tại sân của nhà máy. Theo bà M. - một phụ nữ bán nước bên đường, đây là 2 xe thường xuyên chở cao su từ hướng Kon Tum về nhập nguyên liệu cho nhà máy. Trung bình ngày 1-2 chuyến.
“Rút ruột” nông trường, lo thất thoát tiền Nhà nước
Đáng nói, Công ty Nhất Hưng Gia Lai là đơn vị trúng đấu giá lô 60.000 cây cao su vừa qua nhưng vướng nghi vấn đơn vị tổ chức vi phạm đấu giá, đang được cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ.
Trong khi đó, ngày 12/3, trao đổi về vấn đề này, ông Lê Đức Hân, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum khẳng định "hiện trên các vườn cao su thanh lý, chúng tôi đã cho dừng việc khai thác cây cao su và chờ xử lý vụ việc" (?!)
Xe chở cao su tuồn vào nhà máy của Công ty TNHH Nhất Hưng Gia Lai, trái ngược với khẳng định của ông Lê Đức Hân - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum rằng "đang cho dừng khai thác cao su thanh lý để chờ kết quả vụ việc liên quan đấu giá lô 60.000 cây cao su". (ảnh cắt từ clip ngày 7/4)
Một lượng lớn cây cao su được chở thẳng về nhà máy của Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum trên địa bàn TP.Kon Tum, cách nông trường Ia Chim chừng gần 20km
Ngày 5/4, đại diện Cục Bổ trợ Tư pháp (Bộ Tư pháp) cũng cho biết, mới nhận được báo cáo của Sở Tư pháp Hà Nội và Sở Tư pháp Kon Tum về vụ việc đấu giá cây cao su thanh lý ở Kon Tum và đang ở bước “nghiên cứu” để có báo cáo cụ thể đối với lãnh đạo Bộ Tư pháp.
“Khi nào có báo cáo chính thức về vụ việc, kết quả xử lý Cục Bổ trợ Tư pháp sẽ thông tin cụ thể tới báo chí”, đại diện lãnh đạo Cục cho biết.
Rõ ràng, vụ việc đấu giá lô gần 60.000 cây cao su của Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum vẫn chưa “có hồi kết”, ngã ngũ. Nhưng trái với lời của ông Tổng giám đốc Lê Đức Hân, việc khai thác cao su thanh lý trên nông trường vẫn ồ ạt diễn ra.
Ngoài các đoàn xe chở về xưởng sản xuất của Công ty TNHH Nhất Hưng Gia Lai, mỗi ngày hàng loạt cây cao su thanh lý này đang được chở về nhà máy sản xuất của Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum (TP. Kon Tum). Bên cạnh đó, một lượng lớn gốc cây, củi được các xe quá tải, quá khổ chở đến các nhà máy dăm gỗ, chế biến trên địa bàn Gia Lai, Kon Tum…
Không chỉ cây cao su, gốc cao su cũng bị "xẻ thịt", thị trường đang thu mua với giá lên đến 30.000 đồng/gốc
Củi cao su (các cành nhỏ) cũng được tận thu, giá thị trường lên đến 50 triệu đồng/ha. Bất kể ngày đêm được hối hả vận chuyển ra khỏi vườn cao su thanh lý. Cánh tài xế cho biết đã chở hơn 30 tấn củi này về An Khê (Gia Lai) trong tối 6/4.
Không ít người lo ngại, việc khai thác ồ ạt này dễ dẫn đến nguy cơ thất thoát tiền nhà nước, khi Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum 100% vốn nhà nước. Cây cao su cũng chính là tài sản của Nhà nước.
Tìm hiểu của PV, trên cơ sở kết quả đấu giá lô gần 60.000 cây cao su thanh lý, Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum chỉ thu được gần 19 tỷ đồng. Dù tăng 190 triệu so với giá khởi điểm, nhưng mức giá này chưa bằng nửa giá cao su thị trường.
So sánh trung bình mỗi cây cao su đấu giá chỉ được hơn 300.000 đồng, trong khi đó, thị trường đang giao dịch mua bán cây cao su thanh lý cùng loại tại Kon Tum lên đến 700-800.000 đồng/cây. Thậm chí, ngay cả tiền củi (khoảng 50 triệu đồng/ha), tiền gốc cây (khoảng 30.000 đồng/gốc), nếu bán riêng với 60.000 gốc, trên diện tích 130 ha này thu được 8 tỷ đồng (?)
Ngày 6/4, PV đến trụ sở Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum để đăng ký làm việc, nhưng lãnh đạo Văn phòng Công ty cho rằng lãnh đạo công ty đang họp, để lại lịch hẹn. Chiều tối cùng ngày, PV trực tiếp liên lạc qua số điện thoại để đăng ký làm việc, nhưng ông Hân không trả lời.
Đến ngày 7/4, phía Văn phòng công ty lại yêu cầu PV gửi câu hỏi qua email. Dù đã làm theo đúng trình tự, nhưng đến chiều 8/4, khi PV hỏi lại việc tiếp nhận và trả lời các câu hỏi về những vấn đề Báo Giao thông đang phản ánh, vị này lại bảo chờ “hỏi ý kiến sếp”.
Báo Giao thông tiếp tục thông tin vụ việc!
Báo Giao thông vừa đăng tải loạt tin, bài phản ánh về những bất thường trong đấu giá lô gần 60.000 cây cao su thanh lý của Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum: Nghi vấn công ty "ma" tổ chức đấu giá vì không có trụ sở rõ ràng, không niêm yết, công khai thông tin đấu giá; rất nhiều nhà máy, công ty chế biến gỗ trên địa bàn có nhu câu mua cao su thanh lý nhưng không thể tiếp cận thông tin, hồ sơ từ người của công ty Cao su Kon Tum đến đơn vị tổ chức đấu giá.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận