Hạ tầng

Bất thường đề xuất đổi nhà thầu dự án cầu Trần Hoàng Na

14/07/2021, 08:39

Khi dự án cầu Trần Hoàng Na vừa thi công được hơn 8 tháng, lãnh đạo CIENCO1 bất ngờ đề nghị thay thế nhà thầu phụ Công ty Nam Anh.

Những lý do mà nhà thầu chính CIENCO1 đưa ra khá bất ngờ, dù hợp đồng dự án giữa nhà thầu chính và nhà thầu phụ đã quy định không hủy ngang.

img

Phối cảnh cầu Trần Hoàng Na

Phát hiện “bất ngờ” của nhà thầu chính

Cầu Trần Hoàng Na (tổng mức đầu tư 791 tỷ đồng) sử dụng nguồn vốn ODA do Ban QLDA ODA TP Cần Thơ làm chủ đầu tư là công trình giao thông trọng điểm của TP Cần Thơ. Dự án khởi công từ tháng 9/2020, được kỳ vọng hoàn thành sau 22 tháng thi công. Đầu tháng 9/2020, chủ đầu tư đã lựa chọn và ký hợp đồng với liên danh Tổng công ty XDCTGT1 (CIENCO1) - Công ty CP Cầu 14 (nhà thầu).

Đáng chú ý, trước khi trúng thầu, để thêm nguồn lực về tài chính và năng lực tổ chức thi công, ngày 8/6/2020, liên danh CIENCO1 - Công ty CP Cầu 14 đã ký kết thỏa thuận nội bộ tiền đấu thầu, thống nhất lựa chọn Công ty TNHH Thiết bị xây dựng Công nghệ Nam Anh (Công ty Nam Anh) là nhà thầu phụ chỉ định khi tham gia dự thầu.

Để cụ thể hóa thỏa thuận trên, trong tháng 6/2020, CIENCO1 và Công ty Nam Anh đã ký hợp đồng nguyên tắc thuê thầu phụ cho dự án.

Trong hợp đồng nguyên tắc nêu rõ: “Nếu CIENCO1 trúng thầu gói thầu CT3-PW-2.4: Xây dựng cầu Trần Hoàng Na, CIENCO1 sẽ ký hợp đồng thuê thầu phụ với Công ty TNHH Thiết bị xây dựng Công nghệ Nam Anh về việc cung cấp và chế tạo kết cấu thép, cung cấp và lắp đặt cáp treo, gối cầu, khe co giãn gói thầu này”.

Đầu tháng 9/2020, sau khi nhận được thông báo trúng thầu, trong các biên bản đàm phán hoàn thiện hợp đồng giữa Ban QLDA ODA TP Cần Thơ và liên danh CIENCO1 - Công ty CP Cầu 14 về việc chấp thuận danh sách nhà thầu phụ của gói thầu, đều ghi rõ Công ty Nam Anh thực hiện các công việc: Cung cấp và sản xuất vòm thép, dầm thép, cung cấp và lắp đặt cáp treo, gối cầu, khe co giãn với giá trị là 32,45% tổng giá trị hợp đồng.

Tiếp đến, trong thỏa thuận liên danh được ký kết ngày 16/9/2020 giữa CIENCO1 - Công ty CP Cầu 14 cũng xác định phạm vi công việc của từng nhà thầu phụ tham gói thầu.

Trong đó, Công ty Nam Anh sẽ thực hiện phần cung cấp và sản xuất vòm thép, dầm thép, cung cấp và lắp đặt cáp treo, gối cầu, khe co giãn với giá trị là 32,45% tổng giá trị hợp đồng. CIENCO1 xác nhận đồng ý vô điều kiện, không hủy ngang đối với phạm vi công việc của nhà thầu phụ Công ty Nam Anh đảm nhận trong suốt quá trình triển khai dự án.

Đến ngày 7/10/2020, ông Đinh Ngọc Vượng - Chủ tịch HĐQT CIENCO1 và ông Đoàn Minh Nam - Tổng giám đốc Công ty Nam Anh đã ký Hợp đồng kinh tế số 481/HĐKT/TCT-KH. Theo đó, CIENCO1 đồng ý giao Công ty Nam Anh cung cấp vật liệu, gia công chế tạo, lắp dựng dầm thép, sơn kết cấu thép, cáp treo, gối cầu, khe co giãn thuộc gói thầu CT3-PW-2.4: Xây dựng cầu Trần Hoàng Na. Đồng thời, hai bên cam kết không hủy ngang hợp đồng trong quá trình thực hiện hợp đồng trừ các trường hợp bất khả kháng.

Tuy nhiên, khi dự án cầu Trần Hoàng Na vừa thi công được hơn 8 tháng, ngày 7/6/2021, ông Đinh Ngọc Vượng bất ngờ phát văn bản gửi Ban QLDA ODA TP Cần Thơ đề nghị thay thế nhà thầu phụ Công ty Nam Anh.

Lý do được Chủ tịch CIENCO1 đưa ra là: “Qua tìm hiểu được biết Công ty Nam Anh chỉ là đơn vị trung gian (thương mại), không có nhà máy và kỹ sư, công nhân kỹ thuật có kinh nghiệm trực tiếp sản xuất và cũng không sở hữu máy móc, thiết bị sản xuất.

“Lý do CIENCO1 đưa ra không chính xác”

Trước đề xuất bất thường của Chủ tịch HĐQT CIENCO1, PV Báo Giao thông đã liên hệ với ông Đoàn Minh Nam - Tổng giám đốc Công ty Nam Anh để làm rõ sự việc. “Các lý do được CIENCO1 đưa ra hoàn toàn không chính xác”, ông Nam bức xúc.

Theo ông Nam, Công ty Nam Anh là nhà thầu có thế mạnh thi công các công trình hạ tầng giao thông có yếu tố công nghệ như cầu vòm thép, cầu dây văng, cầu extradosed…

“Với phạm vi công việc như hợp đồng ký kết với CIENCO1 tại dự án cầu Trần Hoàng Na, chúng tôi đã và đang trực tiếp thực hiện nhiều dự án quan trọng có tính chất tương tự như gói thầu EPC dự án đường đua F1 Hà Nội (hệ thống khán đài và 06 cầu thép), cầu Rào 1 - Hải Phòng, cầu vòm thép Cửa Lục 1 và 3, cầu vòm Phật Tích (Bắc Ninh), cầu Cổ Lũy (Quảng Ngãi), cầu Cửa Hội (Hà Tĩnh), cầu Tình Húc (Tuyên Quang)… đều đáp ứng yêu cầu tiến độ, chất lượng và được chủ đầu tư, đối tác đánh giá cao”, ông Nam nói.

Cũng theo ông Nam, Công ty có đội ngũ kỹ sư, chuyên gia nhiều kinh nghiệm, tham gia nhiều dự án tương tự và chủ động các công tác tính toán, kiểm soát thiết kế, kiểm soát khối lượng, chất lượng gia công sản xuất theo thiết kế kỹ thuật được phê duyệt cũng như chủ động hoàn toàn nguồn vật tư chính cho việc sản xuất chế tạo.

“Với mỗi dự án theo đặc thù vùng địa lý để bảo đảm sự tiện lợi và tính cạnh tranh tối đa, việc Công ty lựa chọn đơn vị nhà xưởng gia công chế tạo có năng lực, máy móc thiết bị nhà xưởng, con người tốt nhất, gần với dự án để đồng hành cùng là điều rất bình thường, không trái các quy định của pháp luật trong các dự án xây lắp và nhiều nhà thầu xây lắp lớn tại Việt Nam cũng đã từng thực hiện tương tự như vậy”, ông Nam dẫn chứng và khẳng định, Công ty Nam Anh là nhà thầu có kinh nghiệm, không phải là đơn vị trung gian như ý kiến của CIENCO1.

Đối với dự án cầu Trần Hoàng Na, ông Nam cho biết, ngay từ khi có thông tin công trình triển khai, Công ty Nam Anh đã kết hợp với các nhà thầu lớn trong lĩnh vực giao thông nghiên cứu, chuẩn bị hồ sơ và nguồn lực tài chính để tham gia đấu thầu dự án. Điều này đã được cụ thể bằng các văn bản thỏa thuận tiền đấu thầu, trong đó đã nêu rõ vai trò, phân chia phạm vi công việc, nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi liên quan khi tham gia dự thầu cùng nhau.

“Quy định của Luật Đấu thầu nêu rõ, khi dự thầu, bên mời thầu chỉ đánh giá năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu chính, không đánh giá năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu phụ. Do đó, nhà thầu chính không bắt buộc phải chuẩn bị hồ sơ dự thầu của nhà thầu phụ mà chỉ cần kê khai danh sách nhà thầu phụ và khối lượng tương ứng”, ông Nam nói và cho biết, khi liên danh CIENCO1 - Cầu 14 có đề xuất danh sách các nhà thầu phụ, trong đó có Công ty Nam Anh trong hồ sơ dự thầu thì việc chủ đầu tư chấp thuận Nam Anh và nhà thầu thầu phụ với phạm vi công việc như liên danh nhà thầu chính đề xuất là hoàn toàn phù hợp theo quy định của pháp luật đấu thầu.

Theo ông Nam, trên cơ sở kết quả đấu thầu và quá trình thương thảo hợp đồng giữa nhà thầu và chủ đầu tư xác định, CIENCO1 và Cầu 14 là nhà thầu chính, Nam Anh là nhà thầu phụ được chấp thuận với phạm vi công việc thể hiện rõ trong hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư và liên danh CIENCO1 - Cầu 14.

Sau khi ký kết hợp đồng giữa nhà thầu chính với chủ đầu tư, ngày 7/10/2020, CIENCO1 đã ký hợp đồng kinh tế với Công ty TNHH Thiết bị xây dựng Công nghệ Nam Anh về việc thực hiện hạng mục liên quan với điều kiện quy định rõ trong hợp đồng là không hủy ngang việc giao thầu cho nhà thầu phụ.

“Chúng tôi đề nghị CIENCO1 tuân thủ thực hiện hợp đồng đã ký kết vì Công ty Nam Anh không có sai phạm gì để có thể đơn phương hủy hợp đồng đang thực hiện, trong khi chúng tôi đã huy động rất nhiều nguồn lực tài chính, con người cho dự án.

Đến nay, công việc của chúng tôi vẫn được các bên liên quan đánh giá đáp ứng tiến độ yêu cầu. Theo báo cáo ngày 15/6/2021 của tư vấn giám sát, phạm vi công việc Nam Anh đảm nhận (60% khối lượng kết cấu thép) là hạng mục duy nhất được đánh giá là đáp ứng tiến độ của gói thầu”, ông Nam nói và cho rằng, CIENCO1 cần đính chính bằng văn bản xác nhận lại các thông tin gây hiểu lầm dư luận trong thời gian qua làm ảnh hưởng đến dự án và uy tín của Công ty Nam Anh.

Chủ đầu tư, tư vấn bác đề xuất bổ sung thầu phụ của CIENCO1

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với PV Báo Giao thông ngày 13/7 qua điện thoại, ông Đinh Ngọc Vượng cho biết không có ý kiến gì.

Trong khi đó, tìm hiểu của PV, trước khi có văn bản đề xuất thay thế nhà thầu phụ Công ty Nam Anh, đầu năm 2021, CIENCO1 có công văn đề xuất chủ đầu tư chấp thuận bổ sung nhà thầu phụ là Công ty CP Tập đoàn T.L tham gia vào dự án.

Tuy nhiên, đề xuất này của CIENCO1 đều bị tư vấn giám sát của dự án (Công ty TNHH DASAN - Hàn Quốc) và chủ đầu tư bác bỏ.

Cụ thể, trong văn bản 231 ngày 22/2/2021, ông Lê Văn Sơn, Giám đốc Ban QLDA ODA TP Cần Thơ cho biết, hệ kết cấu vòm và dầm thép cầu Trần Hoàng Na là hệ kết cấu phức tạp, yêu cầu liền mạch, độ chính xác cơ khí cao, yêu cầu quản lý chất lượng chặt chẽ, tập trung, phải thực hiện lắp thử từng đốt dầm trước khi hoàn thiện vận chuyển lắp đặt tại công trường. Do đó, nếu việc gia công do 2 đơn vị thực hiện sẽ làm phát sinh các rủi ro lớn về kỹ thuật.

“Để tránh các sự cố kỹ thuật như hệ dầm thép cầu Vàm Cống, đồng bộ về chất lượng, Ban QLDA ODA TP Cần Thơ thống nhất với ý kiến đánh giá của Tư vấn giám sát: Đối với nhà thầu phụ gia công hạng mục kết cấu thép, yêu cầu nhà thầu thực hiện theo danh sách trong hợp đồng đã ký kết, đồng thời triển khai sản xuất gia công hạng mục kết cấu thép tập trung tại duy nhất một nhà máy”, văn bản do ông Sơn ký nêu rõ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.