Từ thực tiễn xét xử các vụ án liên quan đến tai nạn giao thông (TNGT), nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng, còn những bất cập trong việc áp dụng Điều 260, Bộ luật Hình sự năm 2015, cần sớm nghiên cứu sửa đổi.
Bị cáo Nguyễn Chánh Thẩm vừa điều khiển xe vừa nghe điện thoại, gây tai nạn làm 1 người chết và bị toà xử 18 tháng tù
Bất cập từ những mức án
Ngày 17/11/2020, Nguyễn Chánh Thẩm (54 tuổi, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) điều khiển ô tô tải chở nước đá thuê chạy trên đường Phan Đình Phùng, khi đến giao lộ Phan Đình Phùng - Nguyễn An Ninh, Thẩm cho xe rẽ vào đường Nguyễn An Ninh thì va trúng vào bà L. (71 tuổi) đang đi bộ qua đường trên vạch dành cho người đi bộ.
Hậu quả, bà L. ngã xuống đường, bị ô tô tải cán qua, tử vong tại chỗ. Sau khi gây tai nạn, Thẩm đến công an đầu thú.
Tháng 6/2021, TAND quận Ninh Kiều xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Thẩm 18 tháng tù vì tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định Điểm a, Khoản 1, Điều 260, Bộ luật Hình sự.
Tại toà, bị cáo khai vừa điều khiển xe vừa nghe điện thoại.
Cũng do thiếu quan sát, xử lý tình huống kém, lấn làn, xe máy do Nguyễn Văn Dũng (ở xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) điều khiển đã va chạm vào xe máy do anh D. điều khiển, chở phía sau là chị N. đang lưu thông trên chiều ngược lại.
Vụ tai nạn khiến anh D. sức khỏe giảm sút do thương tích 32%, chị N. là 79%. Dũng đã bị toà tuyên phạt mức án 3 năm tù.
Từng tham gia trong nhiều vụ án TNGT, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM cho biết, quy định tại Điều 260, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) hiện có những bất cập, gây khó khăn khi xử lý, giải quyết các vụ án gây TNGT.
Luật sư Hậu phân tích, hiện bị can phạm tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ mà hậu quả làm 1 người chết; hoặc làm 2 người bị thương nhưng tổng tỷ lệ thương tích từ 61-121% thì sẽ bị truy cứu hình sự theo Điểm a, Khoản 1, Điều 260, Bộ luật Hình sự với khung hình phạt từ 1-3 năm tù.
Tuy nhiên, nếu gây TNGT làm 2 người bị thương với mức thương tật từ 122% trở lên, thì sẽ ở khung hình phạt của Điểm e, Khoản 2, Điều 260, Bộ luật Hình sự với khung hình phạt 3-10 năm tù.
“Rõ ràng, gây chết người thì sẽ hậu quả nghiêm trọng hơn là bị thương tật, nhưng lại chịu trách nhiệm hình sự nhẹ hơn. Chẳng hạn, nếu gây TNGT làm 2 người chết, 1 người bị thương có thể đối diện mức án 3-10 năm tù, nhưng nếu làm 3 người bị thương với tổng thương tích 201% trở lên thì khung hình phạt là 7-15 năm tù. Điều này là bất cập”, ông Hậu cho biết.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Thiện Hiệp, Công ty TNHH Luật Việt Tâm cho rằng: “Quyền thiêng liêng nhất của con người là quyền sống.
Do đó, hành vi làm chết người phải có khung hình phạt cao hơn hành vi làm thương tích. Khi luật áp dụng vào cuộc sống phát sinh bất cập thì cần phải sửa đổi.
Tình tiết bị thương vài người cũng chỉ là bị thương, không thể áp dụng khung hình phạt cao hơn với mức chết người”, luật sư Hiệp nhìn nhận.
Lo ngại kẽ hở tạo động cơ xấu
Từ thực tế trên, luật sư Nguyễn Văn Hậu lo ngại sẽ tạo động cơ xấu cho các đối tượng phạm tội, chẳng hạn như sau khi gây tai nạn đối tượng phạm tội sẽ không chủ động đưa người bị nạn đi cấp cứu mà có thể bỏ mặc, hoặc cố tình làm cho người bị nạn chết nhằm được hưởng mức hình phạt nhẹ hơn.
“Dù Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã thông qua Án lệ 30/2020/AL về hành vi cố ý điều khiển phương tiện giao thông chèn lên bị hại sau khi gây tai nạn, tuy nhiên chúng ta cần phải sửa đổi luật để ngăn chặn hiện tượng cố tình làm cho người bị nạn chết để hưởng mức án phạt nhẹ hơn một cách triệt để”, luật sư Hậu đề xuất.
Ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho rằng, thời gian qua đã xảy ra không ít vụ việc tài xế gây TNGT và cố tình cán tử vong người gặp nạn.
Theo ông Hoà, quy định áp dụng Điều 260, Bộ luật Hình sự về án TNGT đang có sự bất cập và có phần thiếu nhân văn.
Bởi một người vi phạm quy định pháp luật trật tự ATGT làm chết 2 người lại bị xử tội nhẹ hơn làm bị thương 3 người; hoặc làm chết 1 người lại áp dụng khung hình phạt thấp hơn 2 người bị thương.
“Khi soạn thảo điều luật này, có ý kiến cho rằng, tỷ lệ thương tật của 3 người sẽ đem lại hậu quả suốt đời cho người bị nạn, cùng với đó là xã hội, gia đình phải gánh những chi phí sau này. Tuy nhiên, tôi cho rằng tính mạng con người phải được đặt lên trên hết”, ông Hòa nói.
Theo ông Hòa, các cơ quan hữu quan cần nghiên cứu, rà soát những bất cập trong Điều 260, Bộ luật Hình sự năm 2015 để có giải pháp điều chỉnh phù hợp hơn với diễn biến trong thực tế.
Trước mắt, trong khi chờ đợi sửa luật, có thể đề nghị với Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có hướng dẫn để điều chỉnh những nội dung bất hợp lý nêu trên.
Đề xuất nâng mức thiệt hại làm căn cứ khởi tố vụ án
Là người trực tiếp xử lý giải quyết các vụ TNGT trên địa bàn, Thiếu tá Nguyễn Việt Tiệp, Phó đội trưởng Đội CSGT - trật tự Công an quận Hoàng Mai (TP Hà Nội) cho biết, pháp luật hiện hành quy định nếu vụ TNGT xảy ra thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng lên sẽ khởi tố vụ án.
Theo Thiếu tá Tiệp, quy định này hiện nay không phù hợp, bởi hiện giá trị nhiều xe rất cao, có khi 2 chiếc gương xe ô tô Mercedes cũng đã có giá cả trăm triệu đồng.
Do đó, nếu một tài xế xe ôm công nghệ không may va chạm làm hỏng gương chiếc xe Mercedes, trong khi không có thiệt hại về người, cũng phải chịu án tù là hoàn toàn không hợp lý.
“Cần phải nâng mức tiền thiệt hại khoảng 200 triệu đồng mới khởi tố vụ án tai nạn, va chạm giao thông”, Thiếu tá Tiệp đề xuất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận