Y tế

Bất thường gia tăng trẻ mắc ho gà

Cùng thời điểm này năm ngoái, Hà Nội chưa ghi nhận bất kỳ ca mắc ho gà nào, nhưng năm nay, số trẻ mắc đã vượt qua con số 100. Tình hình trẻ mắc ho gà cũng tăng tại nhiều địa phương khác.

Đa số chưa tiêm vaccine

Vừa đưa con gái nhỏ mới 3 tháng xuất viện về nhà sau nhiều ngày điều trị ho gà, chị Nguyễn Thùy Dung (ở Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: "Sau vài ngày tự uống thuốc, thấy con ho cơn liên tục, thở khó kèm sốt, quấy khóc, tôi vội đưa đến viện thì được các bác sĩ chẩn đoán ho gà. Dù đã đến lịch tiêm phòng vaccine nhưng con hay ốm vặt nên gia đình lần lữa".

Bất thường gia tăng trẻ mắc ho gà- Ảnh 1.

Trẻ mắc ho gà được điều trị tại Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh. Ảnh: BVCC.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ đầu năm 2024 đến nay đã ghi nhận 116 ca ho gà. Đây là con số gia tăng bất thường bởi cùng kỳ 2023 không ghi nhận ca bệnh nào. Các ca bệnh hiện được ghi nhận rải rác, tập trung chủ yếu ở nhóm trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm vaccine hoặc chưa được tiêm chủng đầy đủ các mũi vaccine có thành phần ho gà.

Cha mẹ cần cho trẻ tiêm đủ phác đồ ba mũi vào các mốc 2, 3, 4 tháng và nhắc lại vào 16-18 tháng. Toàn bộ lịch tiêm cần hoàn thành trước 2 tuổi, tiếp tục nhắc lại định kỳ khi 4-6 tuổi và 9-15 tuổi. Ngoài trẻ em và thai phụ, các thành viên trong gia đình nên rà soát để tiêm chủng đầy đủ, tránh lây bệnh. Người lớn cần tiêm nhắc lại mỗi 10 năm một lần.

BS Bạch Thị Chính

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM thời gian qua cũng đã tiếp nhận nhiều trẻ sơ sinh dưới 2 tháng tuổi mắc ho gà, trong đó nhiều ca phải thở oxy. BS Nguyễn Đình Qui, Phó trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, hiện khoa đã có gần 10 ca mắc ho gà. 1/3 số trẻ phải thở oxy do cơn ho kéo dài kèm tím tái.

Tương tự, trong 2 tháng qua, tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh đã tiếp nhận 13 trường hợp trẻ mắc ho gà đến viện trong tình trạng ho cơn liên tục trong nhiều tuần, sốt, kiệt sức, mệt mỏi, chán ăn… Đa phần trẻ mắc đều chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ liều, nhiều trẻ mắc ho gà dưới 2 tháng tuổi, trước tuổi có chỉ định tiêm chủng.

Biến chứng nguy hiểm

Theo BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, ho gà có biểu hiện và triệu chứng dễ nhầm với các bệnh hô hấp khác, đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Đáng lo ngại, đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có khả năng lây lan cao, thời gian ủ bệnh dài.

Một số biến chứng nguy hiểm có thể gặp phải trong trường hợp trẻ mắc bệnh ho gà như viêm phổi nặng, là biến chứng hô hấp hay gặp, nhất là ở trẻ sơ sinh và trẻ suy dinh dưỡng; biến chứng viêm não với tỷ lệ tử vong cao…

Trẻ mắc ho gà còn có thể có các biến chứng như: Lồng ruột, thoát vị, sa trực tràng; trường hợp nặng có thể gặp vỡ phế nang, tràn khí trung thất hoặc tràn khí màng phổi; xuất huyết võng mạc, kết mạc mắt, rối loạn nước điện giải, bội nhiễm các vi khuẩn khác… Vì vậy, việc phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh để điều trị là rất quan trọng.

Các triệu chứng ho gà thường xuất hiện trong vòng 7-10 ngày sau khi nhiễm bệnh.

"Đa phần trường hợp bệnh nặng tập trung ở bé dưới 2 tuổi, đặc biệt dưới 12 tháng tuổi. Cần lưu ý, người lớn bị ho gà thường nhẹ nên dễ chủ quan và trở thành nguồn lây nhiễm chính cho trẻ nhỏ trong nhà", BS Qui cho biết thêm.

Mẹ tiêm để phòng bệnh cho con

BS Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, trẻ em dễ bị bệnh ho gà tấn công, đặc biệt nhóm dưới 1 tuổi bởi hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên nguy cơ tử vong cao hơn.

Bất thường gia tăng trẻ mắc ho gà- Ảnh 2.

Trẻ cần được tiêm phòng đầy đủ, trong đó có vaccine ho gà để phòng bệnh.

Ở nhóm chưa đủ tuổi tiêm chủng (dưới 2 tháng), bé phụ thuộc vào kháng thể từ mẹ. Trẻ sinh ra từ người mẹ được tiêm phòng giúp giảm 91% nguy cơ mắc ho gà trong những tháng đầu đời so với trẻ có mẹ không chủng ngừa.

Trong khi đó, theo BS Lâm, để dự phòng ho gà, cách hữu hiệu là tiêm chủng vaccine phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch bằng loại vaccine phối hợp phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván hoặc vaccine phối hợp phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, virus viêm gan B và Haemophilus influenzae type b (vaccine 5 trong 1).

Các bà mẹ mang thai trên 20 tuần nên chủ động đến các điểm tiêm chủng để được tư vấn tiêm vaccine phòng bệnh trước khi trẻ chào đời để có hệ miễn dịch cho các bé từ sớm. Ngoài ra, cha mẹ cần hướng dẫn cho trẻ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày. Cần đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ.

Đặc biệt, khi thấy trẻ nghi ngờ mắc bệnh, cần cách ly trẻ với những trẻ khác (kể cả trẻ đã được tiêm phòng) và đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám và điều trị càng sớm càng tốt, tránh nguy cơ bị biến chứng.



Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.