Phương tiện thủy chở quá tải có nguy cơ cao bị mắc cạn, tai nạn khi lưu thông qua luồng cạn
Thông thường, các cầu vượt sông chỉ nguy hiểm, gây khó khăn cho giao thông thủy trong mùa nước lũ, song năm nay, rất bất thường là một số vị trí cầu trở thành điểm đen, tiềm ẩn TNGT đường thủy ngay cả trong mùa nước cạn.
Liên tiếp xảy ra tai nạn, tàu mắc cạn
Khoảng 1 tháng gần đây, luồng đường thủy qua khu vực cầu Văn Lang (sông Hồng) diễn biến phức tạp do mực nước xuống thấp, chảy xiết, liên tiếp xảy ra 4 - 5 vụ tàu mắc cạn trên dãy đá ngầm gây thủng đáy. Riêng từ đầu tháng 12/2020 đến nay, có hai trường hợp tàu mang biển số Ninh Bình và Phú Thọ mắc cạn, phải cứu hộ kịp thời mới không bị chìm.
“Hơn hai năm trước, cầu Văn Lang được xây dựng xong, trụ cầu tạo ra sự thay đổi dòng chảy, luồng đường thủy ở khu vực này bị dịch chuyển và xuất hiện các đoạn đá ngầm. Mùa cạn, nước vẫn thường chảy xiết, luồng bị thu hẹp nên xảy ra một số vụ tàu lao lên bãi đá, thủng bụng, có trường hợp bị chìm. Nguy hiểm nhất là thời điểm nước xuống, tàu nào đi nhanh chỉ cần bất cẩn một chút là dính đá ngầm”, anh Trung, Thuyền trưởng tàu PT-2316 cho biết.
Ông Trần Xuân Khơi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 1 xác nhận, hiện tàu thuyền lưu thông qua đoạn 2km sông Hồng khu vực cầu Văn Lang (Km 254 - Km 256) đang khó khăn do luồng bị thu hẹp và xuất hiện bãi đá ngầm nguy hiểm. Đây là khu vực nguy hiểm mới xuất hiện và đơn vị đang thường trực điều tiết, hướng dẫn tàu thuyền qua lại.
Không chỉ vị trí cầu trên, theo các thuyền viên, năm nay mực nước xuống thấp sớm hơn nên một số luồng bị thu hẹp như: Cụm cầu Việt Trì, luồng Cổ Đô, ngã ba sông Hồng - Lô... khiến tàu thuyền đi lại khó khăn, nguy cơ cao xảy ra tai nạn.
“Cách đây vài ngày, hai tàu chở hàng đâm nhau trên đoạn gần ngã ba sông Hồng - Lô lúc sáng sớm, có thể do trời nhiều sương mù và luồng hẹp khó đi”, thuyền viên tên Vinh, tàu VP-0325 cho biết.
Còn trên tuyến sông Hồng và Đuống, theo Công ty CP Quản lý đường sông số 6, từ đầu tháng 12/2020, trên tuyến sông Hồng qua Hà Nội xuất hiện các đoạn luồng bị thu hẹp chiều rộng, sâu và dịch chuyển: Vân Nam - Trung Hà, Xuân Đình - Đại Từ, Vĩnh Thịnh - Đường Lâm, Cao Đại, Bác Cổ.
Đáng lưu ý, đoạn qua cầu Long Biên (sông Hồng) và cầu Đuống (sông Đuống) thường chỉ nguy hiểm trong mùa nước lũ, năm nay trở nên nguy hiểm cả trong mùa nước cạn. Hiện các điểm này cũng đang được tổ chức điều tiết để hỗ trợ phương tiện qua lại an toàn.
“Cầu Long Biên có bãi cạn ở phía hạ lưu, lại thêm chướng ngại vật là trụ (bảo vệ) chống va xô bị đổ nên phải chuyển vào trong. Chỉ cần tàu đi lệch đâm va vào chướng ngại vật, vào trụ cầu sẽ rất nguy hiểm. Còn cầu Đuống, do trụ cầu cũ trước đây thanh thải chưa đủ độ sâu, nằm gần giữa khoang thông thuyền nên rất nguy hiểm cho tàu có chiều sâu mớn nước cao, trọng tải lớn”, ông Nguyễn Long Thao, Phó giám đốc Công ty CP Quản lý đường sông số 6 thông tin.
Tại cầu Chanh (sông Chanh, Quảng Ninh), đoạn luồng khoảng 100m phía thượng lưu dẫn vào khoang thông thuyền của cầu cong, cua, có các dải đá ngầm hai biên luồng. Nước sông lên, xuống nhanh theo thủy triều nên tạo dòng chảy xiên, xiết khiến tàu thuyền dễ mất chủ động, nguy cơ cao đâm vào trụ cầu. Nơi đây từng xảy ra một số vụ tàu đâm va hoặc chìm ngay tại gầm cầu.
Vẫn nhiều tàu chở quá tải, tranh luồng
Một tàu bị chìm do mắc cạn trên đoạn luồng gần cầu Văn Lang, sông Hồng
Ông Đoàn Văn Tạo, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng, Chi cục ĐTNĐ phía Bắc cho biết, khu vực phía Bắc có hàng loạt điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT đường thủy, trong đó có một số đoạn tại vị trí cầu trọng yếu như: Cầu Đuống, Văn Lang, cầu Chanh (sông Chanh), Tam Bạc (sông Đào Hạ Lý)...
“Khi sông Hồng với mực nước tại Hồng Đà là <+7.0, luồng tàu qua cầu Văn Lang bị thu hẹp dưới 35m và các bãi đá ngầm ảnh hưởng đến luồng tàu. Nguy hiểm nhất là vị trí hòn đá “mồ côi”, tàu có mớn nước sâu hơn 1,5m rất dễ đâm va, mắc cạn”, ông Tạo thông tin về “điểm đen” cầu Văn Lang.
Ngoài cầu Văn Lang là cầu mới, các cầu còn lại được xây dựng lâu năm, có khoang thông thuyền hẹp, dòng chảy phức tạp nên tiềm ẩn nguy cơ cho tàu trọng tải lớn, kích thước vượt hơn nhiều so với cấp kỹ thuật của luồng tàu.
“Sông Đào Hạ Lý có 3 cầu vượt sông (Xe Hỏa, Tam Bạc, Thượng Lý) không đảm bảo chiều cao tĩnh không theo cấp kỹ thuật luồng đường thủy cấp III. Cấp luồng này có thể khai thác hiệu quả đối với đoàn sà lan 2x400 tấn và phương tiện thủy nội địa có trọng tải đến 300 tấn, mớn nước 1,8/2,3m. Thế nhưng, thực tế nhiều phương tiện lưu thông qua có trọng tải lớn hơn nhiều, có tàu có mớn nước trên 4m”, ông Tạo dẫn chứng.
“Trong luồng cạn, các tàu cần chở đúng tải hoặc chủ động giảm tải, cũng như không tranh giành luồng khi lưu thông qua luồng cạn, cầu vượt sông sẽ giảm được nguy cơ gặp sự cố, mắc cạn”, lãnh đạo đơn vị quản lý bảo trì đường thủy số 1, số 6 cho biết.
Đề xuất lắp báo hiệu điện tử tại cầu “điểm đen”
Lãnh đạo Công ty CP Quản lý đường sông số 6 cho biết, theo quy định tại Thông tư số 08/2020 của Bộ GTVT về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia báo hiệu ĐTNĐ (có hiệu lực từ ngày 1/11/2020), tại các khoang của cầu vượt sông phải được bố trí thiết bị cảnh báo tĩnh không tự động hoạt động liên tục 24/7, ban đêm được chiếu sáng bằng đèn Led, trang bị đầy đủ các báo hiệu, tín hiệu cảnh báo. Do đó, cơ quan quản lý đường thủy cần quan tâm đầu tư hệ thống báo hiệu hiện đại, báo hiệu điện tử tại các cầu “điểm đen” đường thủy để tàu thuyền lưu thông thuận lợi, giảm nguy cơ xảy ra tai nạn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận